Để cuộc sống người dân an toàn trước thiên tai

Biến đổi khí hậu - Ngày đăng : 10:39, 29/06/2021

(TN&MT) - Trong những năm gần đây, thời tiết và các hiện tượng thiên tai ở nước ta ngày càng diễn biến phức tạp. Các loại hình thiên tai như bão, lũ, hạn hán, mưa lớn, triều cường có xu hướng xảy ra thường xuyên, quy mô lớn với mức độ tàn phá nặng nề hơn. Thực tế đó đòi hỏi phải không ngừng nâng cao chất lượng công tác phòng, chống thiên tai để đảm bảo an toàn cho cuộc sống người dân.

Tổn thất lớn

Số liệu thống kê cho thấy, chỉ trong 10 năm gần đây, trung bình mỗi năm Việt Nam có 649 đợt thiên tai xảy ra, gây thiệt hại khoảng 5,2 tỷ USD, làm khoảng 500 người chết và phá hủy khoảng 470.000 ngôi nhà, giá trị thiệt hại về tài sản ước tính chiếm khoảng 1,3% GDP.

Riêng năm 2020, thiên tai đã làm 357 người chết và mất tích, 3.429 căn nhà bị sập, hơn 333 nghìn ngôi nhà bị hư hại, tốc mái; trên 198 nghìn ha lúa và hoa màu bị thiệt hại; 52 nghìn con gia súc, 4,1 triệu con gia cầm bị chết, cuốn trôi, với tổng thiệt hại gần 40 nghìn tỷ đồng. Đặc biệt, chỉ trong vòng 45 ngày từ giữa tháng 9 đến cuối tháng 10/2020, mưa lũ lớn lịch sử xảy ra tại khu vực Trung Bộ đã khiến 267 người chết và gây thiệt hại 35,8 nghìn tỷ đồng.

Báo cáo của Tổng cục Phòng, chống thiên tai cũng cho thấy, trong 5 tháng đầu năm 2021, thiên tai đã làm 19 người chết, 26 người bị thương, ước tính giá trị thiệt hại tài sản khoảng 112 tỷ đồng. Theo dự báo, trong năm 2021, nước ta sẽ phải đón khoảng 12 - 14 cơn bão và áp thấp nhiệt đới, trong đó có khoảng 5 - 7 cơn ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền.

Đánh giá các tác động trực tiếp từ những rủi ro thiên tai đe dọa đến con người và các ngành kinh tế của khu vực ven biển Việt Nam, một nghiên cứu gần đây của Ngân hàng Thế giới cho biết, có khoảng 11,8 triệu người bị ảnh hưởng trực tiếp do lũ; trên 35% khu dân cư ven biển nằm trong khu vực rủi ro do sạt lở bờ biển; rủi ro do lũ đối với khu vực phát triển cao gần gấp đôi so với khu vực phát triển thấp; 1,1 triệu tấn thủy sản có nguy cơ ảnh hưởng; 42% khách sạn ven biển nằm trong khu vực bị sạt lở.

Hạn hán gây ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống người dân. Ảnh: MH

Chủ động phòng ngừa

Để đối phó với tác động của biến đổi khí hậu, nước biển dâng và thiên tai cực đoan, dị thường trên quy mô lớn, tác động tiêu cực trên diện rộng và khó lường như hiện nay, các chuyên gia khí tượng cho rằng cần phải phát triển và xây dựng văn hóa phòng, chống thiên tai với tinh thần chủ động, kết hợp “phòng - chống - tránh - thích ứng” theo hướng “thuận thiên”, góp phần nâng cao năng lực chống chịu tổng hợp của quốc gia trước thách thức nghiêm trọng, cực đoan, khó lường của thiên tai.

Một trong những giải pháp quan trọng trong phòng, chống thiên tai là nâng cao hiệu quả công tác dự báo. Theo Tổng cục Khí tượng thủy văn, hiện nay, đơn vị đã thực hiện cảnh báo bão sớm trước 5 ngày, dự báo, cảnh báo áp thấp nhiệt đới trước 3 ngày. Đối với các trận mưa lớn diện rộng, đã dự báo trước 2 - 3 ngày với độ tin cậy khoảng 75%; cảnh báo trước từ 1 - 3 giờ đối với mưa lớn cục bộ hoặc mưa lớn trong cơn dông. Đối với các đợt lũ lớn có thể cảnh báo trước 24 - 48 giờ.

Nhằm góp phần tạo bứt phá trong công tác phòng, chống thiên tai, mới đây Chính phủ đã giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo Tổng cục Phòng, chống thiên tai triển khai xây dựng Trung tâm chỉ đạo, điều hành phòng, chống thiên tai Quốc gia.

Theo Tổng Cục trưởng Tổng cục Phòng, chống thiên tai Trần Quang Hoài, sự ra đời của Trung tâm sẽ giúp khai thác sử dụng hiệu quả hệ thống cơ sở dữ liệu tự động theo dõi giám sát gần 7.000 hồ chứa thủy điện và thủy lợi; gần 3.000 km đê do Trung ương quản lý, vị trí định vị của hơn 26.000 tàu thuyền; hàng trăm camera giám sát đê điều, hồ chứa, khu neo đậu tàu thuyền; 300 trạm tự động đo gió chuyên dùng; quan trắc, giám sát diễn biến sạt lở, xâm nhập mặn và phòng ngừa nguy cơ cháy rừng... Những dữ liệu này sẽ phục vụ công tác chỉ đạo trong xây dựng nền sản xuất nông nghiệp, nông thôn bền vững an toàn trước thiên tai, thích ứng biến đổi khí hậu.

Nguyên Sơn

Các cấp, ngành, chính quyền các địa phương phải chủ động phòng tránh và thích ứng với thiên tai; việc xử lý, khắc phục hậu quả phải được triển khai kịp thời. Sau thiên tai cần ổn định ngay các vấn đề an sinh xã hội cho người dân; đồng thời có quy hoạch, kế hoạch tái thiết lâu dài. Đặc biệt, các nhà hoạch định cần thiết nghiên cứu, xây dựng chính sách căn cơ hơn để người dân có cuộc sống ổn định, bền vững trước thiên tai.

Ông Lê Huy Ngọ, Nguyên Bộ trưởng Bộ NN&PTNT

Nguyên Sơn