Tiền Giang: Tập trung hỗ trợ sản xuất, đảm bảo chống dịch gắn với bảo vệ môi trường
Xã hội - Ngày đăng : 06:06, 29/06/2021
Bệnh viện Quân Y 120 tại Tiền Giang siết chặt kiểm soát đối với người ra vào bệnh viện |
Nhiều hạn chế do tác động của dịch bệnh
Theo UBND tỉnh Tiền Giang, công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn tỉnh đã được tăng cường, tập trung chỉ đạo quyết liệt, chặt chẽ với các giải pháp phù hợp, đồng bộ theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và các Bộ, ngành có liên quan. UBND tỉnh thường xuyên ban hành các văn bản chỉ đạo và hướng dẫn chuyên môn của ngành Y tế về công tác phòng chống dịch bệnh trên địa bàn; nâng cấp các Ban Chỉ đạo phòng chống dịch ở cấp tỉnh, huyện, xã.
Đồng thời, đẩy mạnh các hoạt động truyền thông, giáo dục sức khỏe cộng đồng về tính chất nguy hiểm, tác hại nghiêm trọng và cách phòng chống dịch bệnh theo thông điệp 5K để mọi người nâng cao ý thức, trách nhiệm trong bảo vệ sức khỏe chính mình và cộng đồng. Thực hiện nghiêm công tác dự phòng, kiểm soát dịch bệnh, tổ chức thực hiện tốt quy trình truy vết, cách ly, điều trị, nhất là từ đầu tháng 6/2021, ngay sau khi tỉnh có ca dương tính đầu tiên xuất hiện trong cộng đồng.
Mới đây, Thường trực Tỉnh ủy Tiền Giang cũng đã có văn bản yêu cầu các cấp, các ngành trong tỉnh triển khai thực hiện nghiêm Công văn của UBND tỉnh về thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15; riêng đối với thị xã Cai Lậy và huyện Cái Bè thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ.
Nhiều chuyến xe chở hàng hóa hỗ trợ, giúp đỡ bà con đang thực hiện giãn cách xã hội tại Tiền Giang |
Trước tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, tỉnh Tiền Giang đã tăng cường bảo đảm an toàn, phòng chống dịch bệnh trong các cơ quan, đơn vị; đặc biệt là tại các khu, cụm công nghiệp, các cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn, đảm bảo thực hiện “mục tiêu kép” vừa bảo đảm công tác phòng chống dịch bệnh hiệu quả, bảo vệ sức khỏe nhân dân, vừa đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội.
Với sự tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành quyết liệt của Tỉnh ủy, UBND tỉnh và các cấp chính quyền, nên tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2021 đạt được những kết quả khá tích cực. Cụ thể, tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) 6 tháng tăng 3,3% so với cùng kỳ; cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng khu vực phi nông nghiệp và giảm tỷ trọng nông nghiệp; chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 3,1% so với cùng kỳ; thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt hơn 50% dự toán năm;…
Tuy nhiên, theo UBND tỉnh Tiền Giang, dù tình hình kinh tế - xã hội đạt kết quả khá, nhưng một số lĩnh vực còn khó khăn hạn chế do tác động của dịch Covid-19. Trong đó, thu hút đầu tư giảm; tình hình tiêu thụ một số sản phẩm gặp khó khăn; tình hình sản xuất, xuất – nhập khẩu thiếu nguyên liệu đầu vào và sụt giảm tiêu thụ sản phẩm đầu ra; khách du lịch giảm 38,4%; số người lao động thất nghiệp tăng;...
Các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn Tiền Giang tăng cường các giải pháp phòng chống dịch Covid-19 |
Hỗ trợ phát triển sản xuất gắn với bảo vệ môi trường
Do ảnh hưởng phức tạp của dịch Covid-19, mới đây, tỉnh Tiền Giang đã có văn bản đề nghị các cấp, các ngành và địa phương trong tỉnh trong phát huy tính chủ động, năng động, sáng tạo, quyết liệt, quyết đoán, bám sát tình hình để quyết định áp dụng các biện pháp phòng chống dịch hiệu quả, theo tinh thần “chống dịch như chống giặc” với quyết tâm cao, nhằm đáp ứng yêu cầu phòng chống dịch và phát triển kinh tế - xã hội.
Riêng về việc hỗ trợ phát triển sản xuất trong và sau đại dịch Covid-19, Tiền Giang sẽ tập trung giải quyết kịp thời khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp trong tình hình dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp. Tạo mọi điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp đầu tư vào các khu, cụm công nghiệp. Tiếp tục thực hiện các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính liên quan đến nhà đầu tư, doanh nghiệp.
Đối với lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, để tiếp tục giữ ổn định nguồn hàng nông sản cung cấp cho thị trường, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, sốt giá trong bối cảnh dịch bệnh hiện tại cũng như không để tồn đọng hàng hóa trong dân, ngành nông nghiệp Tiền Giang phối hợp với các địa phương trong tỉnh tổ chức điều hành sản xuất theo mục tiêu kế hoạch năm 2021 đã đề ra.
Trong đó, quan tâm ưu tiên đáp ứng nhu cầu doanh nghiệp thực hiện theo các hợp đồng đã ký kết với các đối tác cả trong và ngoài nước; đồng thời phối hợp chặt chẽ với Sở Công thương thực hiện các hoạt động xúc tiến, hỗ trợ doanh nghiệp, kết nối và đẩy mạnh việc tiêu thụ nông sản…
Trước đó, để chủ động nguồn hàng cung ứng cho thị trường trước diễn biến xấu của dịch Covid-19, Sở Công thương Tiền Giang cũng đã tham mưu UBND tỉnh ban hành kế hoạch ứng phó khẩn cấp đối với dịch bệnh và các giải pháp đảm bảo cân đối cung - cầu hàng hóa. Theo kế hoạch này, nhiều “kịch bản” đã được đưa ra nhằm thích ứng kịp thời với từng tình huống phức tạp, nhất là khi dịch Covid-19 xuất hiện trong cộng đồng trên địa bàn tỉnh.
Tiền Giang tạm thời đóng các cửa hàng kinh doanh dịch vụ ăn uống, các mặt hàng không thiết yếu, không tụ tập đông người |
Còn theo ngành TN&MT Tiền Giang, để thực hiện tốt công tác quản lý chất thải, vệ sinh môi trường và phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn, tỉnh đã có kế hoạch tổ chức thực hiện các phương án thu gom, xử lý đảm bảo vệ sinh đối với các loại chất thải phát sinh. Trong đó tập trung vào các khu vực có cơ sở chăn nuôi, giết mổ, các khu vực chợ, khu dân cư tập trung và các cơ sở sản xuất, kinh doanh.
Tăng cường các biện pháp thông tin, truyền thông nhằm quán triệt tới từng cơ quan, đơn vị, hộ gia đình và người dân về việc đảm bảo các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19. Thực hiện nghiêm túc khuyến cáo 5K của Bộ Y tế trong quá trình chuyển giao, thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải đúng quy định và tăng cường công tác vệ sinh, môi trường tại địa phương để đảm bảo sinh hoạt của người dân.
Sở TN&MT Tiền Giang phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Y Tế rà soát, đánh giá công nghệ xử lý chất thải rắn hiện có trên địa bàn; tham mưu triển khai các nhiệm vụ khoa học và công nghệ, hỗ trợ chuyển giao công nghệ về xử lý chất thải rắn, công nghệ xử lý, tái chế các phụ phẩm nông nghiệp.
Đồng thời, tăng cường hướng dẫn các cơ sở y tế thuộc thẩm quyền quản lý thực hiện các quy định về quản lý chất thải rắn y tế theo quy định pháp luật. Trong đó chú trọng phân loại chất thải rắn y tế tại nguồn, thực hiện thu gom, lưu giữ, vận chuyển và xử lý chất thải rắn y tế đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường.
Riêng UBND các huyện, thị xã và TP Mỹ Tho chịu trách nhiệm toàn diện về vấn đề phân loại, thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải sinh hoạt trên địa bàn quản lý. Xử lý triệt để các bãi chôn lấp rác thải tự phát không theo quy hoạch. Chú trọng phát triển các hình thức quản lý, thu gom rác thải, các điểm tập kết rác đô thị phù hợp với điều kiện phát triển tại địa phương.
|