Mai Sơn (Sơn La): Chất lượng môi trường diễn biến ổn định
Môi trường - Ngày đăng : 22:37, 28/06/2021
Quan trắc chất lượng môi trường không khí khu vực gần Cty CP Phúc Sinh, xã Chiềng Mung, huyện Mai Sơn. |
Ông Hà Nam Linh, Phó trưởng phòng TN&MT huyện Mai Sơn cho biết: Năm 2020, huyện Mai Sơn đã phối hợp với Trung tâm Quan trắc TN&MT tỉnh Sơn La triển khai 2 đợt quan trắc môi trường vào tháng 5 và tháng 11/2020. Trong đó, triển khai quan trắc chất lượng môi trường không khí tại 4 điểm với 9 thông số; môi trường nước mặt tại 5 điểm trong đợt 1 và 4 điểm trong đợt 2 với 16 thông số; môi trường nước dưới đất tại 7 điểm với 21 thông số.
Kết quả quan trắc cho thấy, chất lượng môi trường không khí huyện Mai Sơn diễn biến tương đối ổn định. Đa số các thông số đều không có sự biến động lớn và đều nằm trong giới hạn cho phép. So với năm 2019, mức độ ô nhiễm môi trường không khí đã có chiều hướng giảm rõ rệt. Trong đó, đặc biệt là thông số tiếng ồn có xu hướng giảm mạnh về số lượng điểm ô nhiễm. Tuy nhiên, thông số bụi lơ lửng TSP biến động theo chiều hướng ô nhiễm hơn trong đợt 2 với 2/4 vị trí có kết quả vượt giới hạn cho phép.
Về chất lượng môi trường nước mặt, các thành phần môi trường nước mặt huyện Mai Sơn trong đợt 2 cơ bản đã có diễn biến tương đối ổn định. Song, so với năm 2019 chất lượng nước mặt có chuyển biến xấu hơn, gia tăng các thông số ô nhiễm, tất cả các vị trí lấy mẫu đều bị ô nhiễm thông số vi sinh vật.
Trong đó, có 1 vị trí nước suối Nà Hạ 1 chảy qua trước UBND xã Chiềng Mung có tình trạng ô nhiễm trầm trọng hơn trong đợt quan trắc thứ 2 với 8/16 thông số quan trắc vượt giới hạn và không đạt giới hạn cho phép của quy chuẩn hiện hành. Nguyên nhân là do đây là điểm tiếp nhận nước thải từ quá trình sản xuất cà phê, nước thải sinh hoạt làm gia tăng ô nhiễm hữu cơ dẫn đến giảm DO trong nước. Cộng thêm, vào mùa mưa, nước mưa chảy tràn thường cuốn theo bùn đất, dư lượng phân bón và các chất ô nhiễm xuống lòng suối do vậy chất lượng nước thường kém hơn mùa khô.
Về môi trường nước dưới đất, nhìn chung, chất lượng môi trường nước dưới đất ở huyện Mai Sơn tương đối ổn định với hàm lượng các chất vô cơ, kim loại nặng (trừ thông số Mangan) thực hiện phân tích trong cả 2 đợt. Chất lượng nước dưới đất tại 6/7 điểm quan trắc tương đối tốt, cơ bản đảm bảo cho mục đích dùng nước sinh hoạt, tuy nhiên cần phải sử dụng một số biện pháp xử lý trước khi dùng như lọc qua máy lọc, đun sôi nước. Một vị trí còn lại không đủ điều kiện dùng cho nước sinh hoạt.
Quan trắc, lấy mẫu không khí gần khu vực mỏ đá tại bản Mé Lếch, xã Cò Nòi, huyện Mai Sơn. |
Năm 2021, Phòng TN&MT đang tiếp tục phối hợp với Trung tâm quan trắc TN&MT tỉnh triển khai 2 đợt quan trắc với 2 điểm môi trường không khí (9 thông số), 1 điểm môi trường nước mặt (15 thông số) và 5 điểm môi trường nước dưới đất (21 thông số). Hiện nay, đang triển khai thực hiện quan trắc đợt 1.
Thời gian tới, để tiếp tục đánh giá chính xác diễn biến chất lượng môi trường huyện, UBND huyện Mai Sơn đã giao Phòng TN&MT duy trì chương trình quan trắc và giám sát chất lượng môi trường huyện với tần suất tối thiểu 2 lần/năm, ít nhất trong 5 năm liên tục để có hệ thống dữ liệu đầy đủ về diễn biến và tác động môi trường các khu vực trên địa bàn huyện.
Trên cơ sở kết quả quan trắc, có biện pháp quản lý kiểm soát chặt chẽ hoạt động xả thải của các cơ sở có nguy cơ phát sinh ô nhiễm để phòng ngừa các sự cố môi trường có thể xảy ra. Đặc biệt là theo dõi diễn biến các thông số trong môi trường nước mặt và nước dưới đất tại các vị trí gần khu vực nhà máy, khu vực sản xuất, để đánh giá hoạt động của các nhà máy, khu vực sản xuất có ảnh hưởng xấu tới chất lượng môi trường.
UBND huyện cũng giao Phòng TN&MT tăng cường phối hợp với Công an huyện kiểm tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường của các dự án, cơ sở chế biến, sản xuất kinh doanh, dịch vụ có hoạt động gây ảnh hưởng đến môi trường, tham mưu xử lý các vi phạm theo quy định.
Cùng với đó, giao UBND các xã, thị trấn tiếp tục tuyên truyền phổ biến pháp luật, nâng cao nhận thức của người dân về công tác bảo vệ môi trường, nguồn nước. Tăng cường kiểm tra, giám sát và xử lý theo thẩm quyền đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, tài nguyên nước và khoáng sản trên địa bàn quản lý.