Hà Nội tăng cường năng lực xử lý chất thải rắn

Môi trường - Ngày đăng : 13:56, 28/06/2021

(TN&MT) - Sự gia tăng nguồn thải từ các công trình xây dựng, cơ sở sản xuất quy mô lớn, cùng với sự thiếu hụt các điểm tập kết chất thải rắn tại các quận, huyện đang khiến cho công tác quản lý chất thải rắn ở thành phố Hà Nội gặp nhiều khó khăn.


Hơn 800 tấn chất thải rắn mỗi ngày

Theo báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường TP. Hà Nội, ước tính khối lượng chất thải rắn công nghiệp phát sinh trên địa bàn TP. Hà Nội khoảng 863,2 tấn/ngày đêm. Trong đó, rác không nguy hại khoảng 646 tấn/ngày, chất thải nguy hại 217,2 tấn/ngày đêm.

Tỷ lệ thu gom rác thải rắn công nghiệp thông thường, không nguy hại đạt 85 - 90% tương đương 549 - 581 tấn/ngày và xử lý khoảng 382 - 405 tấn/ngày đêm. Trong đó, chất thải có thể tái chế, tái sử dụng ngay tại nguồn; chất thải không thể tái chế, tái sử dụng được thu gom, vận chuyển và xử lý theo đúng quy định.

Tuy nhiên, cùng với sự gia tăng các công trình xây dựng, cơ sở sản xuất quy mô lớn…, lượng chất thải rắn phát sinh trên địa bàn Thủ đô ngày càng nhiều, trong khi công tác quản lý, thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn còn bất cập.

Rác thải rắn tràn làn trên đường Đại lộ Thăng Long (Ảnh: DL)

Không khó để bắt gặp những bãi rác tự phát chứa phần lớn là phế thải xây dựng, rác thải làng nghề và sinh hoạt dọc tuyến đường Đại lộ Thăng Long qua địa bàn quận Nam Từ Liêm, các huyện Hoài Đức, Quốc Oai, Thạch Thất...

Lý giải một phần nguyên nhân của tình trạng này, đại diện Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Hoài Đức cho biết, tình trạng xả chất thải rắn tràn làn một phần do ý thức bảo vệ môi trường của người dân còn hạn chế. Mặt khác, đến nay, huyện vẫn chưa có điểm tập kết chất thải rắn xây dựng, người dân không biết chở đi đâu nên đổ bừa bãi...

Đẩy nhanh tiến độ xây dựng nhà máy xử lý chất thải rắn

UBND TP. Hà Nội vừa ban hành Kế hoạch số 152/KH-UBND về việc đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư xây dựng nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt phát điện tại Nam Sơn (huyện Sóc Sơn) và Xuân Sơn (thị xã Sơn Tây và huyện Ba Vì).

Theo đó, UBND TP. Hà Nội yêu cầu các nhà đầu tư cần nỗ lực, tập trung nhân lực, vật lực đẩy nhanh tiến độ dự án, đảm bảo thi công hoàn thành dự án Nhà máy điện rác Sóc Sơn, dự án Nhà máy điện rác Seraphin đúng thời hạn, đảm bảo chất lượng, chủ động thực hiện các thủ tục theo cam kết, thực hiện đúng các quy định của Nhà nước về chất lượng công trình, môi trường.

Đồng thời, yêu cầu các Sở, ngành, đơn vị đoàn thể, chính trị, UBND thị xã Sơn Tây, huyện Ba Vì, huyện Sóc Sơn trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ tham mưu UBND TP các giải pháp, hỗ trợ hướng dẫn nhà đầu tư thực hiện triển khai dự án, hoàn thành đúng tiến độ; tăng cường phối hợp giữa các đơn vị liên quan, phân rõ trách nhiệm, thời hạn nhằm giải quyết các khó khăn, đảm bảo tiến độ thực hiện dự án.

Bên cạnh đó, theo Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội Mai Trọng Thái, để quản lý hiệu quả chất thải rắn, các quận, huyện, thị xã cần kiểm soát chặt ngay từ nguồn thải; tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm. Thành phố cũng quy định, các địa phương phải chịu trách nhiệm nếu để tình trạng đổ trộm chất thải rắn gây ô nhiễm môi trường trên địa bàn quản lý...

Phạm Oanh