TP.HCM: Đảm bảo mục tiêu tăng trưởng song song với nhiệm vụ chống dịch Covid -19

Kinh tế - Ngày đăng : 21:23, 27/06/2021

(TN&MT) - Do nhận định, đánh giá đúng ngay từ đầu năm 2021 về tình hình dịch bệnh Covid -19 sẽ còn diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nguy cơ bùng phát bất cứ lúc nào, TP.HCM đã chủ động đề ra nhiều giải pháp để đảm bảo “mục tiêu kép” vừa chống dịch, vừa đẩy mạnh phát triển kinh tế.

Các doanh nghiệp TP.HCM thực hiện các biện pháp phòng dịch Covi-19 đảm bảo duy trì sản xuất liên tục

Nhiều điểm sáng tích cực

Tại buổi làm việc với Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chiều 26/6, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong cho biết, dự kiến GRDP của thành phố sẽ tăng khoảng 5,2% trong 6 tháng đầu năm 2021, cao hơn nhiều so với cùng kỳ (1,02%). Ngoài ra, thành phố đã xây dựng 4 kịch bản tăng trưởng cho cả năm, cao nhất là 6,05% và thấp nhất là 3,24%.

Theo đó, thực hiện chủ đề “Năm 2021, năm xây dựng chính quyền đô thị và cải thiện môi trường đầu tư”, ngay từ đầu năm, TP.HCM đã triển khai nhiều giải pháp với mục tiêu tổng quan là tiếp tục thực hiện “nhiệm vụ kép”: Vừa phòng, chống dịch; bảo vệ sức khỏe toàn dân - vừa phục hồi và phát triển kinh tế.

Theo báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM, trong 5 tháng đầu năm, kinh tế TPHCM đã đạt nhiều kết quả tích cực trên các lĩnh vực. Cụ thể, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trong 5 tháng ước đạt khoảng 456.000 tỷ đồng, tăng 8,9% so với cùng kỳ. Thương mại bán lẻ hàng hóa tăng 9,5%; dịch vụ lưu trú và ăn uống có dấu hiệu phục hồi, tăng 30,8%; kim ngạch xuất khẩu đạt 19,63 tỷ USD, tăng 15%; chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 7,4%. Bên cạnh đó, TPHCM có gần 6.500 doanh nghiệp hoạt động trở lại, tăng 90% so với cùng kỳ.

Về thu chi ngân sách, tổng thu ngân sách ước đạt 174.608 tỷ đồng (đạt 47,85% so với dự toán), tăng 22,8% so với cùng kỳ. Trong đó, thu từ nội địa đạt gần 123.700 tỷ đồng, tăng 21% so với cùng kỳ. Trung bình mỗi ngày làm việc, TP.HCM thu ngân sách khoảng 1.800 tỷ đồng, cao hơn 21,4% so với mức trung bình phải thu (1.483 tỷ đồng/ngày).

Đảm bảo thu gom, xử lý an toàn rác thải

Trong 5 tháng đầu năm 2021, công tác quản lý nhà nước về môi trường tại TP.HCM tiếp tục được tăng cường và đạt được nhiều kết quả quan trọng. Trong đó, việc thu gom, vận chuyển, xử lý các loại rác thải đã được TP.HCM duy trì hiệu quả. Mỗi ngày, TP.HCM đã thu gom, xử lý trên 9.000 tấn chất thải rắn sinh hoạt; 1.500 - 2.000 tấn rác công nghiệp; 1.200 - 1.600 tấn rác xây dựng…

Đặc biệt, mỗi ngày, TP.HCM đã thu gom, xử lý an toàn trên 40 tấn rác thải y tế ở các bệnh viện, khu cách lý tập trung liên quan đến dịch bệnh Covid -19. Công việc này được thực hiện theo một quy trình nghiêm ngặt, đảm bảo an toàn cho công nhân và không để lây lan dịch bệnh ra bên ngoài. Toàn bộ khối lượng rác thải y tế liên quan đến Covid -19 được xử lý  bằng công nghệ đốt nhiệt độ cao bằng lò quay sử dụng nhiên liệu gas. Tro thải sau khi đốt phải hóa rắn, chôn lấp tại nơi dành riêng chất thải nguy hại.

Tuy nhiên, từ ngày 27/4, đợt dịch thứ 4 bùng phát trở lại, đến nay, TP.HCM trở thành địa phương có ca nhiễm nhiều thứ hai cả nước (đến ngày 26/6 đạt hơn 3.000 ca nhiễm). Để đối phó với dịch bệnh, Thành phố phải trải qua 2 đợt giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15 của Thủ tướng Chính phủ. Đặc biệt, từ ngày 19/6, UBND TP.HCM ban hành Chỉ thị 10 với những biện pháp phòng dịch mạnh mẽ. Điều này đã tác động không nhỏ đến quá trình phục hồi của các doanh nghiệp sau một năm bị tác động của dịch bệnh.

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố, dưới tác động và ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19, doanh nghiệp tại TP.HCM đang phải đối mặt với nhiều khó khăn. Cụ thể, doanh nghiệp đang phải đối mặt với sự sụt giảm của lực lượng lao động tham gia sản xuất; thiếu nguồn nguyên liệu phục vụ sản xuất; việc tiếp cận khách hàng và chuỗi cung ứng của nhiều doanh nghiệp bị gián đoạn; phát sinh chi phí phòng, chống dịch Covid-19… Vì vậy, đã có 2.458 doanh nghiệp đăng ký giải thể (tăng 5% so cùng kỳ); 9.849 doanh nghiệp tạm ngưng hoạt động, tăng 23,79% so cùng kỳ.

Tiêm vắc xin cho công nhân Khu công nghệ cao TP.HCM

Kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp

Báo cáo với Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong nêu quyết tâm: Trong thời gian tới, TP.HCM sẽ triển khai đồng bộ các biện pháp để sớm ngăn chặn, đẩy lùi dịch bệnh. Đồng thời, TP.HCM sẽ thực hiện các giải pháp quyết liệt, đồng bộ để hỗ trợ các doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh;thực hiện các chính sách an sinh xã hội cho người dân, công nhân…TP.HCM phấn đấu đến cuối năm nay, 70% người dân thành phố được tiêm vắc xin.

Trong 5 tháng đầu năm 2021, TP.HCM đã triển khai nhiều chính sách hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn và kịp thời động viên doanh nghiệp và người dân. Theo đó, Thành phố đã gia hạn thuế và tiền thuê đất cho các doanh nghiệp, tổ chức, các hộ gia đình, cá nhân (đã giải quyết 1.542 hồ sơ hoàn thuế giá trị gia tăng cho doanh nghiệp với số tiền hoàn hơn 9.000 tỷ đồng). Về chính sách bảo hiểm xã hội, các sở, ngành liên quan đã xử lý hồ sơ tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí, tử tuất cho 316 đơn vị với gần 30 nghìn lao động tương ứng với số tiền gần 309 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, thành phố đang đẩy mạnh các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4 để hỗ trợ hoạt động của doanh nghiệp; giải quyết chính sách cho trên 559 nghìn đối tượng người lao động (đạt 100%) của 5.274 đơn vị với kinh phí hỗ trợ hơn 611 tỷ đồng; triển khai hỗ trợ tín dụng cho 255 nghìn khách hàng với số tiền trên 795 nghìn tỷ đồng.

Theo Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong, trước tình hình dịch Covid -19 vẫn diễn biến rất phức tạp, Thành phố sẽ tiếp tục đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện “mục tiêu kép” bằng ba nhóm giải pháp trọng tâm. Thứ nhất, Thành phố tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả chính sách hỗ trợ của Chính phủ và các Bộ, ngành Trung ương, gồm: chính sách hỗ trợ doanh nghiệp cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ; hỗ trợ giảm chi phí cho doanh nghiệp, chăm lo cho đời sống người lao động như hỗ trợ giảm giá điện, nước sinh hoạt cho các doanh nghiệp sản xuất - kinh doanh - dịch vụ - thương mại, người lao động; hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số.

Thứ hai, triển khai chính sách hỗ trợ của thành phố về tài chính và phi tài chính, gồm: tiếp tục triển khai chính sách hỗ trợ, lãi vay theo chương trình kích cầu đầu tư; đẩy mạnh cải cách các thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tháo gỡ khó khăn về mặt bằng sản xuất, thực hiện các quy định phòng, chống dịch; hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng thương mại điện tử và tháo gỡ khó khăn trong hoạt động xuất nhập khẩu…

Thứ ba, TP.HCM sẽ kiến nghị Chính phủ các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp  phục hồi sản xuất kinh doanh như: điều chỉnh mức hỗ trợ từ ngân sách nhà nước khi doanh nghiệp tham gia thực hiện chương trình xúc tiến thương mại trong nước; xem xét giảm thuế suất VAT từ 10% xuống 5% trong năm 2021 để giúp giảm giá thành sản phẩm; kéo dài chính sách giảm tiền thuê đất đối với doanh nghiệp du lịch trong năm 2021….

 

Nguyễn Quỳnh