Công bố kết quả điều tra tổn thương do BĐKH tại Thuận Châu (Sơn La)

Biến đổi khí hậu - Ngày đăng : 10:57, 27/06/2021

(TN&MT) - Ngày 26/6, Trung tâm Phát triển nông thôn bền vững (SRD) đã phối hợp với UBND huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La tổ chức Hội thảo công bố kết quả điều tra tổn thương do biến đổi khí hậu (BĐKH) và giải pháp giảm nhẹ, thích ứng với BĐKH tại huyện Thuận Châu.

Quang cảnh Hội thảo.

Do diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, Hội nghị được thực hiện qua hình thức trực tuyến với 5 điểm cầu tại Thành phố Sơn La, UBND huyện Thuận Châu và các xã Nậm Lầu, Bon Phặng và Muổi Nọi của huyện Thuận Châu.

Dự án “Giảm nhẹ và thích ứng với BĐKH trong lĩnh vực nông - lâm nghiệp tại vùng núi Tây Bắc” do Tổ chức Bánh mỳ cho Thế giới (BfdW - Tổ chức phi Chính phủ Đức) tài trợ, được UBND tỉnh Sơn La tiếp nhận. Sau đó, Trung tâm SRD phối hợp với Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật, Chi cục Kiểm lâm tỉnh, UBND huyện Thuận Châu thực hiện tại 4 xã của huyện Thuận Châu gồm: Muổi Nọi, Bon Phặng, Nậm Lầu và Chiềng Pha, trong giai đoạn 2021-2023.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Nguyễn Phú Hùng, Phó Giám đốc SRD khẳng định: Dự án giảm nhẹ và thích ứng với BĐKH trong lĩnh vực nông lâm nghiệp vùng Tây Bắc tập trung chủ yếu trên địa bàn huyện Thuận Châu với mục tiêu tăng cường việc giảm nhẹ và thích ứng với BĐKH dựa vào cộng đồng cùng với tiềm năng nhân rộng để đóng góp cho Kế hoạch quốc gia về thích ứng BĐKH và đóng góp quốc gia tự xác định.

Mục tiêu cụ thể của Dự án thời gian tới là tăng cường hệ thống nông nghiệp thích ứng BĐKH; giảm nhẹ tác động tiêu cực của BĐKH thông qua quản lý hiệu quả rừng cộng đồng; lồng ghép các hoạt động thích ứng, giảm nhẹ tác động của BĐKH trong các chính sách và nguồn kinh phí được Chính phủ phân bổ.

Ký kết thoả thuận hợp tác giữa SRD và tỉnh Sơn La thực hiện Dự án Giảm nhẹ và thích ứng với BĐKH trong lĩnh vực nông lâm nghiệp tại vùng núi Tây Bắc tháng 1/2021.

Ông Nguyễn Xuân Hoàng, Phó Chủ tịch UBND huyện Thuận Châu cho biết: Trong năm 2021, huyện Thuận Châu rất vui mừng được triển khai Dự án trên địa bàn 4 xã. Sau 6 tháng triển khai với sự phối hợp chặt chẽ của các bên, bước đầu Dự án đã thu được nhiều kết quả quan trọng. Hiện nay, BĐKH đã và đang biểu hiện ngày càng rõ ràng hơn, ảnh hưởng tới nhiều mặt của địa phương như hạn hán, giông lốc. Đặc biệt, ảnh hưởng rõ nhất là tới hoạt động sản xuất nông nghiệp trên địa bàn, lượng nước suy giảm mùa khô, nhiều diện tích không thể cấy lúa 2 vụ, nhiều diện tích phải chuyển đổi cơ cấu cây trồng…  Do đó, chúng tôi mong nhận được thêm thông tin về BĐKH, các giải pháp thích ứng, hạn chế ảnh hưởng của BĐKH tới các mặt của đời sống, nhất là trong sản xuất nông lâm nghiệp để áp dụng vào thực tiễn địa phương.

Diễn đàn về vai trò của rừng trong biến đổi khí hậu tại huyện Thuận Châu.

Theo các chuyên gia SRD, Dự án sẽ mang lợi lợi ích trực tiếp cho 2.900 người dân (chủ yếu là dân tộc Thái); 90 cán bộ của UBND huyện và 4 xã dự án; 70 cán bộ của Sở NN&PTNT, Sở TN&MT, Chi cục Trồng trọt và BVTV, Chi cục Kiểm lâm. Bên cạnh đó, 23.000 người từ các bản khác của các xã dự án sẽ được hưởng lợi gián tiếp.

Sau 6 tháng triển khai dự án, đã đạt một số kết quả gồm: Đánh giá tổn thương do BĐKH tại 4 xã dự án; thành lập được 8 nhóm FIG (403 thành viên), 8 nhóm VSLA (273 thành viên); Tập huấn và xây dựng mô hình trình diễn cho 6 lớp (180 thành viên), 4 lớp nông lâm kết hợp canh tác cà phê bền vững xen cây lâm nghiệp (120 thành viên), 1 lớp canh tác khoai sọ bền vững (30 thành viên);

Tổ chức 4 diễn đàn về vai trò rừng (140 thành viên); 4 diễn đàn CFM (169 thành viên); 4 diễn đàn về dịch vụ môi trường rừng. Triển khai trồng cây lâm nghiệp phân tán trên nương cà phê. Đánh giá cung cầu nước tại 16 bản dự án. Hướng dẫn thành lập 6 hội người sử dụng nước tại 6 bản dự án.

Đại diện Sở TN&MT Sơn La thông tin về tác động của BĐKH trên địa bàn tỉnh Sơn La.

Hội thảo đã lắng nghe các ý kiến thảo luận của đại diện các sở ngành tỉnh Sơn La về các vấn đề: Tác động của BĐKH tại Sơn La trong 5 năm trở lại đây; Chia sẻ về chương trình – chính sách phát triển nông, lâm nghiệp của tỉnh và huyện Thuận Châu trong bối cảnh BĐKH; những hoạt động, mô hình nông nghiệp đang thực hiện trên địa bàn tỉnh nhằm thích ứng, giảm thiểu tác động BĐKH… Trình bày lịch mùa vụ của huyện Thuận Châu và đề xuất cụ thể với lịch mùa vụ cho 4 xã dự án...  Đồng thời, thống nhất chương trình hành động trong thời gian tiếp theo.

Gia tăng hạn hán gây ảnh hưởng tới sinh hoạt, sản xuất của người dân

Theo nhóm chuyên gia SRD, qua đánh giá tính dễ bị tổn thương do BĐKH tại 4 xã dự án, cho thấy: Nhiệt độ tăng, số ngày nắng nóng trong năm tăng găp 3-4 lần từ dưới 2 ngày tới khoảng 7 ngày. Tổng lượng mưa hàng năm tăng khoảng 150mm nhưng phân bổ khắc nghiệt hơn, gây ra hạn hán thường xuyên hơn, số ngày bị ảnh hưởng do bão tăng gần 3 lần.

Hạn hán gia tăng được thể hiện bởi mùa khô kéo dài hơn khoảng 10 ngày, từ đầu tháng 3 cho tới nửa cuối tháng 3. Hạn ảnh hưởng tới cấy lúa vụ xuân và là nguyên nhân chính dẫn tới mất mùa hoặc chết cà phê. Hạn và mưa lớn là hai nguyên nhân chính ảnh hưởng tới sinh hoạt và sản xuất của người dân Thuận Châu do thiếu nguồn nước, hệ thống dẫn nước bị hư hỏng do mưa lớn, số lượng và chất lượng nước sinh hoạt bị suy giảm trầm trọng, đặc biệt đối với các bản vùng cao, vùng có độ dốc lớn và có nhiều núi đá.

Nhóm nghiên cứu khuyến nghị, cần có chiến lược tổng hợp về chính sách, thị trường, kỹ thuật và đào tạo tại Thuận Châu, nhằm hỗ trợ người dân nâng cao nhận thức, khả năng đối phó và thích ứng với các hiện tượng thời tiết cực đoan đang diễn ra và xu thế biến đổi do BĐKH.

Đặc biệt, có chính sách sử dụng tài nguyên nước và đất, có sự quy hoạch và đầu tư về thể chế, cơ sở hạ tầng hệ thống cung cấp, điều tiết nước giữa các bản, các hộ gia đình. Quy hoạch sử dụng đất giữa đất rừng, đất nông nghiệp và đất ở có sự hài hoà và hợp lý theo địa hình nơi độ dốc cao cần dành cho phát triển rừng đảm bảo nguồn nước chung, nơi vùng thấp cần ưu tiên cho sản xuất nông nghiệp…

Nguyễn Nga