Doanh nghiệp nhỏ chưa kịp ứng phó với “cú sốc” khí hậu thời COVID-19
Thế giới - Ngày đăng : 12:53, 25/06/2021
Một nhân viên bán bánh mì trong tiệm bánh ở Tirana, Albania. Ảnh: ILO/Marcel Crozet |
Giám đốc điều hành ITC, bà Pamela Coke-Hamilton cho biết: “Đại dịch đã cho thấy khả năng phục hồi của các doanh nghiệp là vấn đề quan trọng”.
Bài học từ đại dịch COVID-19
Mặc dù, các doanh nghiệp nhỏ chiếm hơn 50% lượng khí thải toàn cầu, nhưng chỉ có 38% đầu tư vào thích ứng với môi trường, so với 60% của các doanh nghiệp lớn.
“Các nước phát triển có các phương tiện tài chính để duy trì nền kinh tế của họ và bảo vệ những người dễ bị tổn thương nhất. Trong khi đó, hầu hết các nước đang phát triển và kém phát triển nhất đều không thể làm như vậy”, bà Coke-Hamilton nói.
Theo bà Coke-Hamilton, nếu khả năng phục hồi giữa các doanh nghiệp siêu nhỏ và nhỏ là cần thiết trong đại dịch, “nó sẽ còn quan trọng hơn trong việc giải quyết biến đổi khí hậu”.
Trình bày báo cáo mới nhất của ITC, với tên gọi “Khả năng Cạnh tranh Doanh nghiệp vừa và nhỏ 2021: Trao quyền cho Sự Phục hồi Xanh”, Nhà kinh tế trưởng của ITC, bà Barbara Ramos nhấn mạnh, các quốc gia cần hiểu rõ mức độ dễ bị tổn thương của các doanh nghiệp nhỏ trong năm đầu tiên của đại dịch.
Bà nói: “Chúng ta cần rút ra bài học từ đại dịch COVID-19 để tăng khả năng phục hồi của các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ đã bị ảnh hưởng mạnh mẽ bởi đại dịch. Cứ 4 công ty siêu nhỏ, có 1 công ty có nguy cơ đóng cửa trong vòng 3 tháng và con số này được so sánh với một trong 10 công ty lớn”.
“Điều này rất quan trọng bởi vì các công ty đã cố gắng chống chọi với sự suy thoái kinh tế do đại dịch gây ra và “sa thải nhân viên ít hơn gấp 5 lần trong cuộc khủng hoảng. Hơn nữa, thực tế là các doanh nghiệp vừa và nhỏ sử dụng một phần lớn lực lượng lao động trên thế giới nên khả năng phục hồi của họ thực sự ý nghĩa”, bà Ramos nhấn mạnh.
Quan hệ đối tác là chìa khóa
Để giúp các doanh nghiệp nhỏ phục hồi sau đại dịch và chuẩn bị ứng phó với cuộc khủng hoảng khí hậu trong cùng một khoảng thời gian, bà Coke-Hamilton khẳng định, họ sẽ cần sự hỗ trợ của một mạng lưới các đối tác tư nhân và nhà nước nhằm tăng cường khả năng chống chọi với những “cú sốc” trong tương lai.
Để làm được như vậy, báo cáo của ITC đã đưa ra Kế hoạch phục hồi xanh gồm 20 điểm nhằm giúp các doanh nghiệp nhỏ trở nên cạnh tranh hơn, kiên cường hơn và “xanh” hơn.
“Trong thời kỳ đại dịch, thanh khoản của các ngân hàng, đặc biệt là ở vùng Caribe lên tới 9 tỷ USD, nhưng các ngân hàng này thiếu khả năng quy giá trị cho quá trình chuyển đổi xanh”, bà Coke-Hamilton cho biết trước khi thúc giục các chính phủ kêu gọi các tổ chức tài trợ để giúp ngân hàng hiểu được chiến lược dài hạn và sự cần thiết phải đầu tư.
Theo ITC, gần 60% các công ty ở châu Phi đầu tư vào việc xanh hóa doanh nghiệp của họ cho rằng điều này giúp các sản phẩm của họ mới hơn, chất lượng cao hơn và nhiều hơn. Tiếp cận thị trường mới cũng là một kết quả tích cực của khoản đầu tư này, cùng với chi phí thấp hơn.