Đồng Nai quyết tâm giữ vững sản xuất, bảo vệ môi trường gắn phòng chống dịch hiệu quả

Kinh tế - Ngày đăng : 20:50, 24/06/2021

(TN&MT) - Trước tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, đặc biệt, Đồng Nai là tỉnh có lượng lớn người lao động ở Bình Dương và TP. Hồ Chí Minh đến làm việc, tỉnh đã chủ động thực hiện nhiều biện pháp nhằm đảm bảo “mục tiêu kép” vừa chống dịch hiệu quả vừa ổn định sản xuất.

Đeo khẩu trang khi làm việc là yêu cầu bắt buộc đối với mỗi người lao động

Quyết liệt phòng dịch trong doanh nghiệp, khu công nghiệp

Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng cho biết: Đồng Nai là một trong những tỉnh thành có số lượng công nhân đông nhất trên cả nước với tổng số khoảng 1,2 triệu công nhân trong đó có khoảng 600.000 công nhân làm việc trong các khu công nghiệp. Do đó việc chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch trong cộng đồng, khu sản xuất, khu công nghiệp là vô cùng quan trọng.

Về công tác phòng, chống dịch tại các cơ sở sản xuất, khu công nghiệp, UBND tỉnh đã thực hiện nhiều biện pháp cũng như ban hành nhiều công văn nhằm kiểm soát chuyên gia, người lao động đang cư ngụ tại TP. Hồ Chí Minh đến làm việc tại Đồng Nai.

Theo đó, các chuyên gia, công nhân, người lao động tại các công ty, xí nghiệp nếu đi xe đưa đón thì yêu cầu doanh nghiệp thực hiện đăng ký số xe cho Công an tỉnh; đăng ký danh sách công nhân trên từng xe, đăng ký điểm dừng đón, dừng trả công nhân trên địa bàn tỉnh; thực hiện đo thân nhiệt, khai báo y tế cho toàn bộ người trên xe khi qua chốt kiểm dịch. Người trên xe phải thực hiện nghiêm quy định 5K về phòng, chống dịch bệnh, mỗi xe không chở quá 50% số lượng người so với số lượng người quy định; thực hiện khử khuẩn xe sau mỗi ngày vận chuyển.

Trường hợp chuyên gia, công nhân, người lao động tự do di chuyển bằng phương tiện cá nhân phải tuân thủ nghiêm việc đo thân nhiệt, khai báo y tế tại chốt kiểm dịch. Nếu chuyên gia, người lao động nào vi phạm quy định, lực lượng chức năng sẽ yêu cầu thực hiện cách ly 21 ngày theo quy định.

Bên cạnh đó, theo TS. BS Phan Huy Anh Vũ, Giám đốc Sở Y tế Đồng Nai, công tác phòng chống dịch bảo vệ sản xuất đã được bản thân các doanh nghiệp, khu công nghiệp chủ động thực hiện ở mức độ cảnh giác cao. Các đơn vị đã chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo hướng dẫn của các cơ quan chức năng, nhiều công ty cũng đã thực hiện cho công nhân lưu trú tại công ty để đảm bảo an toàn phòng chống dịch, đảm bảo sản xuất.

Chú trọng công tác bảo vệ môi trường

Cùng với công tác phòng chống dịch, công tác bảo vệ môi trường cũng được tỉnh Đồng Nai và các doanh nghiệp hết sức chú trọng. Theo đánh giá của ông Đặng Minh Đức, Giám đốc Sở TN&MT Đồng Nai, công tác quản lý, bảo vệ môi trường tại các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh đang có những chuyển biến tích cực. Ngành TN&MT đã chủ động kiểm soát, giám sát, phòng ngừa được các sự cố gây ô nhiễm môi trường từ hoạt động sản xuất công nghiệp.

Công trình xử lý nước thải tại Khu công nghiệp Long Bình, TP. Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai

“Tính đến thời điểm hiện tại, Đồng Nai không còn cơ sở trong danh sách “đen” về môi trường. Các cơ sở vi phạm quy định về môi trường trước đây đã hoàn thành khắc phục hậu quả, được tỉnh đưa ra khỏi danh sách cơ sở gây ô nhiễm. Sở TN&MT và Ban Quản lý các khu công nghiệp Đồng Nai đang phối hợp kiểm tra, giám sát; thu mẫu chất thải, nước thải, khí thải định kỳ và đột xuất đối với các cơ sở sản xuất, cơ sở từng gây ô nhiễm môi trường, cơ sở có nguy cơ gây ô nhiễm cao nhằm nâng cao ý thức phòng tránh của doanh nghiệp và đề ra giải pháp ứng phó khi có sự cố” - ông Đức chia sẻ.

Về xử lý nước thải, hiện 31/31 khu công nghiệp đã hoàn thành xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung. Hơn 77% lượng nước thải của các doanh nghiệp trong các khu công nghiệp được thu gom, xử lý tập trung. Số còn lại là doanh nghiệp được cấp phép tự xử lý, được xả thải trực tiếp. Hiện chỉ còn hơn 10 doanh nghiệp chưa được đấu nối hệ thống xử lý nước thải tập trung do chưa đồng bộ hạ tầng nước thải. Năm 2020 và 5 tháng đầu năm 2021, tại 25 khu xử lý nước thải tập trung có hệ thống quan trắc tự động nước thải không phát hiện vi phạm nghiêm trọng.

Cũng theo đánh giá của Sở TN&MT, hiện nay 100% chất thải rắn công nghiệp (hơn 1,1 ngàn tấn/ngày) đã được thu gom, xử lý đúng quy trình. Đối với rác thải công nghiệp thông thường có giá trị, doanh nghiệp tái sử dụng hoặc bán lại cho đối tác tái chế. Chất thải rắn sinh hoạt, doanh nghiệp ký hợp đồng thu gom, xử lý với các nhà máy xử lý chất thải. Riêng với chất thải nguy hại, 100% doanh nghiệp ký hợp đồng thu gom, xử lý với đơn vị có đủ chức năng được Bộ TN&MT cấp phép hoạt động trên địa bàn tỉnh.

 

 

Khánh Linh