Cao ốc mọc lên, hạ tầng “chịu trận”

Bất động sản - Ngày đăng : 10:12, 24/06/2021

(TN&MT) - Cao ốc mọc lên chi chít, hạ tầng oằn mình gánh chịu với nạn kẹt xe, tắc đường là chuyện không hề hiếm xảy ra tại TP.HCM. Áp lực dân số tạo ra từ các khu nhà ở chung cư cao tầng là rất lớn. Do vậy, việc TP.HCM không cấp phép mới cho các dự án chung cư cao tầng ở khu vực trung tâm thành phố là rất cần thiết để giải bài toán hạ tầng giao thông.

“Nghẹt thở” vì cao ốc

Trong những năm gần đây, hàng loạt các cao ốc, dự án bất động sản (BĐS)… ồ ạt mọc lên trên nhiều tuyến đường tại TP.HCM. Điều này đã và đang dần khiến giao thông, đường sá còn ít khoảng không “để thở”. Không khó để nhận thấy có những con đường “cõng” đến mấy chục cao ốc, dự án chung cư... Điển hình, mỗi ngày cứ đến giờ cao điểm, đường Phổ Quang (kéo dài gần 3 km từ quận Phú Nhuận qua quận Tân Bình) lại chật cứng dòng người, xe cộ. Trên nét mặt người đi đường, ai cũng căng thẳng, cố chen nhau để kịp giờ đi làm hay về nhà sau một ngày làm việc.

Anh Tuấn, ở quận Gò Vấp cho hay: “Chừng 5 năm trở lại đây, từ lúc các khu nhà cao tầng mọc lên, con đường như bị bóp lại. Chỉ một đoạn đường ngắn chừng 500 m, hàng loạt công trình nhà ở khủng mọc lên. Công trình đầu tiên là khu Sky Center, tiếp theo là Golden Mansion, The Botanica. Từ đường Phổ Quang đi tiếp một đoạn là gặp ngay tòa nhà Orchard Garden tại số 128 Hồng Hà cao 18 tầng; sát cạnh là Orchard Park View cao 24 tầng. Trên đoạn đường ngắn phải gánh trên 10.000 căn hộ. Vào giờ cao điểm, nhiều ô tô nhá đèn ra vào cao ốc gây ùn ứ, tắc đường”.

Cùng chung cảnh ngộ, tuyến đường Nguyễn Hữu Thọ nối quận 7 và huyện Nhà Bè, với hàng chục cao ốc san sát nhau khiến giao thông từ trung tâm về khu Nam TP.HCM luôn là nỗi ám ảnh với người dân, nhất là vào giờ tan tầm. Tương tự, một con đường chưa đầy 2 km là Bến Vân Đồn (quận 4) cũng “cõng” hàng loạt dự án BĐS quy mô lớn. Chưa kể gần con đường này có nhiều khu chung cư, trung tâm thương mại đã đưa vào sử dụng từ trước như: H1, H2, H3, Tôn Thất Thuyết, Galaxy 9...

Một “điểm nóng” về giao thông cũng cần phải kể đến là trên đường Hoàng Văn Thụ, gần nút giao Lăng Cha Cả - cửa ngõ ra vào sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất (quận Tân Bình), khi một loạt các cao ốc vừa mới đưa vào sử dụng. Thời gian qua, lượng xe ra vào các tòa nhà này đều gây xung đột với dòng phương tiện từ các tuyến đường Phạm Văn Hai, Hoàng Văn Thụ, Cộng Hòa… lưu thông qua đây. Ở nhiều thời điểm lễ, tết, kẹt xe tại khu vực này còn làm ảnh hưởng tới cả trục đường Trường Sơn kéo dài tới cổng sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất, khiến người đi đường ám ảnh vô cùng.

Cao ốc mọc lên ở khu vực nội đô TP.HCM đã khiến hạ tầng nhiều nơi quá tải (Ảnh minh họa)

Giải “bài toán” hạ tầng

Tình trạng hạ tầng giao thông quá tải do cao ốc mọc lên nhiều không chỉ là vấn đề bức xúc của người dân, mà còn là bài toán đối với các cơ quan, ban, ngành của TP.HCM. Vừa qua, tại những kỳ họp HĐND TP.HCM, có nhiều đại biểu đã lên tiếng lo ngại về tình trạng này, trong đó, nhiều ý kiến cho rằng nên giãn dân ra khu vực ngoại thành. Mới đây, UBND TP.HCM đã ban hành Quyết định về việc phê duyệt Đề án Xây dựng Chương trình phát triển nhà ở TP.HCM giai đoạn 2021 - 2030.

Theo Đề án này, đối với khu vực trung tâm gồm quận 1, quận 3 và 5 quận nội thành (gồm quận 4, 5, 6, 11 và Phú Nhuận) hiện hữu có dân số giảm trong 10 năm gần đây, TP.HCM sẽ không chấp thuận chủ trương đầu tư dự án phát triển nhà ở nếu không có kế hoạch xây dựng hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội tương ứng. Thay vào đó, thành phố sẽ chỉ đạo ưu tiên tăng chỉ tiêu dân số, hệ số sử dụng đất, mật độ xây dựng… cho các dự án cải tạo, xây dựng mới thay thế chung cư cũ trước năm 1975.

Đối với các quận 8, 10, Bình Thạnh, Tân Bình, Tân Phú và Gò Vấp, TP.HCM sẽ đẩy mạnh đầu tư hạ tầng kỹ thuật - xã hội để kêu gọi đầu tư các dự án nhà ở. Bên cạnh đó, khu vực TP. Thủ Đức và 3 quận nội thành (gồm quận 7, 12, Bình Tân) tuy được Thành phố định hướng ưu tiên phát triển các dự án nhà ở mới, chung cư cao tầng dọc các trục giao thông lớn, nhưng vẫn hạn chế chấp thuận chủ trương thực hiện các dự án nếu chưa có kế hoạch xây dựng hạ tầng kỹ thuật - xã hội tương ứng đảm bảo.

Riêng khu vực 5 huyện ngoại thành TP.HCM là Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh, Nhà Bè và Cần Giờ, thành phố sẽ chỉ đạo ưu tiên phát triển nhà ở theo dự án tại các thị trấn, khu dân cư nông thôn và khu vực đã có hệ thống hạ tầng kỹ thuật kết nối đồng bộ với những tuyến giao thông chính; đồng thời, tập trung phát triển các khu du lịch kết hợp sinh thái nghỉ dưỡng, khu đô thị mới, khu đô thị vệ tinh… của thành phố.

Theo các chuyên gia đô thị, giải pháp của Đề án Xây dựng Chương trình phát triển nhà ở TP.HCM giai đoạn 2021 - 2030 đề ra là cần thiết nhằm hạn chế tình trạng quá tải tại khu trung tâm thành phố hiện hữu. Tuy vậy, để các doanh nghiệp đầu tư và kéo giãn dân số ra vùng ngoại thành, TP.HCM phải có thêm các chính sách ưu đãi nhiều hơn cho các dự án, như: hỗ trợ vốn, ưu đãi về thuế, thời gian cấp phép. Điều này sẽ vừa góp phần làm giảm tình trạng ùn tắc giao thông, vừa phù hợp định hướng điều chỉnh quy hoạch chung của thành phố.

Thục Vy