Tận dụng thời cơ chuyển đổi số để phát triển xuất bản phẩm ngành TN&MT
Xã hội - Ngày đăng : 09:59, 24/06/2021
Chuyển đổi số là xu thế tất yếu
Nếu Uber, Grab “thay máu” ngành vận chuyển hành khách, Facebook làm “cách mạng” ngành báo chí và truyền hình, thì nội dung số cũng làm thay đổi ngành xuất bản. Về hình thức, ngoài sách giấy, hiện nhiều người lựa chọn sách điện tử, sách audio, sách tương tác, sách tóm lược... tùy theo sở thích và nhu cầu. Theo đó, hình thức phát hành sách cũng thay đổi, không chỉ là các hội sách trực tiếp, đường sách, cửa hàng mua bán sách mà các hội sách online, sàn sách trực tuyến, đặt sách qua website... đã trở nên vô cùng phổ biến.
Có thể thấy, đây chỉ là bước đầu của công cuộc chuyển đổi số trong lĩnh vực này. Trong cuộc làm việc với Cục Xuất bản, In và Phát hành mới đây, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng: “Trước đây chỉ có một cách đọc duy nhất là đọc sách. Bây giờ mọi người đã có rất nhiều cách đọc: Đọc báo, đọc tạp chí, đọc trang thông tin điện tử, mạng xã hội; thay vì tự đọc thì nghe người máy đọc; thay vì đọc chữ thì đọc truyện tranh; thay vì đọc trước để chuẩn bị cho lúc cần dùng thì bây giờ khi cần dùng mới đọc; đọc sách điện tử, sách mạng nhiều hơn; đọc infographic nhiều hơn...
Chuyển đổi số là xu thế tất yếu trên toàn cầu, mở ra cơ hội chưa từng có cho Việt Nam nói chung, các doanh nghiệp nói riêng để bứt phá vượt lên, thay đổi thứ hạng trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Với sản phẩm đặc thù là bản đồ và các xuất bản phẩm ngành Tài nguyên và Môi trường, Nhà xuất bản Tài nguyên Môi trường và Bản đồ Việt Nam cũng không thể nằm ngoài xu thế đó.
|
Xu thế thời đại số vào xuất bản phẩm tài nguyên môi trường
Nhận thức được thực tế đó, Nhà xuất bản Tài nguyên Môi trường và Bản đồ Việt Nam đã ưu tiên tập trung thực hiện, bắt đầu từ việc số hóa dữ liệu, số hóa khâu bán hàng… Đi sâu hơn, Nhà xuất bản đã thúc đẩy ứng dụng công nghệ vào trong hoạt động xuất bản, kinh doanh. Quy trình quản lý, quản trị hoạt động xuất bản cũng được thay đổi dựa trên ứng dụng công nghệ. Việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong xử lý các nội dung mà trước đây chỉ dành cho lao động trí tuệ cao như khâu biên tập, cũng đã được Nhà xuất bản thực hiện.
Một số mục tiêu cụ thể đang được Nhà xuất bản Tài nguyên Môi trường và Bản đồ Việt Nam xác định là đến năm 2025 đưa tỷ lệ xuất bản điện tử lên 15% về số đầu sách được xuất bản hằng năm; từng bước hình thành chuỗi kết nối giá trị đưa xuất bản phẩm đến với đông đảo bạn đọc trên cơ sở tăng cường liên kết giữa các nhà xuất bản, doanh nghiệp công nghệ; xây dựng hạ tầng kết nối chung để phát triển xuất bản điện tử, thực hiện chuyển đổi số…
Ngoài các sản phẩm thường xuyên là bản đồ và sản phẩm in ấn, Nhà xuất bản Tài nguyên Môi trường và Bản đồ đã và đang định hướng phát triển với mục tiêu và nhiệm vụ phục vụ không chỉ cho ngành Tài nguyên và Môi trường mà còn cho toàn xã hội; tiếp tục chú trọng trong việc xây dựng hệ thống xuất bản phẩm điện tử, các sản phẩm về thông tin địa lý ứng dụng trong nhiều lĩnh vực.
Để đạt được các mục tiêu trên, lãnh đạo Nhà xuất bản Tài nguyên Môi trường và Bản đồ Việt Nam cho rằng, trong thời gian tới sẽ có những bước đột phá về sản phẩm xuất bản, đẩy mạnh hơn nữa việc đưa ứng dụng của công nghệ hiện đại vào ngành xuất bản, xuất bản những đầu sách nói đặc biệt là sách tương tác và cung cấp, phát hành sản phẩm dịch vụ bản đồ số.
Cùng với đó, tăng cường xây dựng, thực hiện chương trình kế hoạch đào tạo cán bộ kỹ thuật, cán bộ quản lý, tiếp thu kỹ thuật công nghệ mới, ứng dụng công nghệ hiện đại vào việc tạo ra các sản phẩm mới của Nhà xuất bản. Đây là giải pháp đột phá nhằm biến các thách thức thành cơ hội cùng với các giải pháp kỹ thuật công nghệ.
Quan tâm đầu tư và ứng dụng công nghệ mới vào công tác biên tập xuất bản hướng tới tạo ra những sản phẩm dịch vụ dữ liệu số phù hợp với xu hướng phát triển của công nghệ thông tin như Atlas điện tử, bản đồ, sách tương tác đáp ứng cho nhu cầu phát triển xã hội hiện đại, phát triển và ứng dụng hệ thống thông tin địa lý.
Đồng thời, bên cạnh việc phát triển các loại hình sản phẩm theo công nghệ mới, Nhà xuất bản cũng mong rằng sẽ có sự vào cuộc tích cực của các cơ quan chức năng, tăng cường kiểm soát và có chế tài xử phạt thật mạnh để đảm bảo bản quyền chất xám và sự sáng tạo của những người biên tập - xuất bản chân chính, bảo vệ quyền lợi của những người kinh doanh - phát hành xuất bản phẩm đích thực.
Có một cái có thể làm ngay và dễ làm là hãy mang những xu thế của thời đại số, mà nhiều lĩnh vực khác đã áp dụng thành công cả chục năm nay, vào ngành xuất bản. Nếu chúng ta không làm nhanh thì các công ty công nghệ hoặc các công ty sử dụng công nghệ sẽ thay chỗ của chúng ta.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông