Sơn La: Xây dựng 2 phương án xuất khẩu nông sản ứng phó với dịch Covid-19

Kinh tế - Ngày đăng : 09:12, 24/06/2021

(TN&MT) - Để chủ động ứng phó, hạn chế tối đa tác động tiêu cực của dịch bệnh Covid-19, UBND tỉnh Sơn La đã ban hành Kế hoạch triển khai một số nhiệm vụ, giải pháp đẩy mạnh xúc tiến thương mại, tiêu thụ, xuất khẩu sản phẩm nông sản.

Tỉnh đoàn Sơn La kết nối tiêu thụ và quảng bá thương hiệu nông sản Sơn La đến với người tiêu dùng cả nước.

Theo đó, với phương án 1: Tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, một số tỉnh, thành phố phải thực hiện giãn cách xã hội, sản phẩm nông sản sẽ tập trung tiêu thụ tại thị trường trong nước, đảm bảo mục tiêu kép "vừa phòng, chống dịch bệnh, bảo vệ sức khoẻ nhân dân, vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trong trạng thái bình thường mới".

Mục tiêu phấn đấu đạt 50% kế hoạch xuất khẩu với giá trị khoảng 80 triệu USD, cơ bản tiêu thụ sản phẩm nông sản với mức giá hợp lý.

 

Cụ thể, đối với sản phẩm xoài tiêu thụ trên 65.000 tấn, trong đó: Xuất khẩu khoảng 8.000 tấn; tiêu thụ vào các siêu thị, trung tâm thương mại khoảng 1.000 tấn; tiêu thụ về các chợ đầu mối tại các tỉnh, thành phố Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Nghệ An; tiêu thụ nội tỉnh khoảng 17.000 tấn; tiêu thụ vào các nhà máy, cơ sở chế biến, bảo quản lạnh khoảng 30.000 tấn.

Sản phẩm nhãn tiêu thụ trên 98.000 tấn, trong đó: Xuất khẩu khoảng 8.000 tấn; tiêu thụ vào các siêu thị, trung tâm thương mại khoảng 2.000 tấn; tiêu thụ về các chợ đầu mối các tỉnh khoảng 48.000 tấn; đưa vào các nhà máy, cơ sở chế biến long nhãn, kho lạnh bảo quản khoảng 40.000 tấn.

Sản phẩm mận tiêu thụ khoảng 66.000 tấn chủ yếu đưa các sản phẩm quả tươi đi tiêu thụ tại Hà Nội và các tỉnh, đặc biệt các tỉnh khu vực phía Nam như: Đà Nẵng và thành phố Hồ Chí Minh. Ngoài ra, đưa khoảng 2.000 tấn vào chế biến thành mận sấy.

Các sản phẩm nông sản khác như: Chè, cà phê, tinh bột sắn… phấn đấu xuất khẩu đạt trên 50% kế hoạch; còn lại phải tập trung quảng bá, giới thiệu và kết nối tiêu thụ tại thị trường trong nước.

Chương trình Kết nối tiêu thụ nông sản được lực lượng đoàn viên thanh niên triển khai tại 12 huyện, thành phố.

Phương án 2: Trường hợp dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, phải giãn cách toàn xã hội, tỉnh Sơn La sẽ tập trung tiêu thụ nông sản, thực phẩm tại thị trường trong nước, đảm bảo mục tiêu kép "vừa phòng, chống dịch bệnh, bảo vệ sức khoẻ nhân dân, vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trong trạng thái bình thường mới". Đẩy mạnh hoạt động chế biến, bảo quản lạnh các sản phẩm nông sản nhằm nâng cao giá trị gia tăng, kéo dài thời gian tiêu thụ trong tình hình dịch bệnh.

Cụ thể, sản phẩm xoài tiêu thụ trên 65.000 tấn, trong đó: Tiêu thụ tại các siêu thị, trung tâm thương mại khoảng 1.000 tấn; các chợ đầu mối, thương lái khoảng 15.000 tấn; đưa vào các nhà máy chế biến khoảng 40.000 tấn.

 

Sản phẩm nhãn tiêu thụ hết khoảng 98.000 tấn, trong đó: Tiêu thụ tại các siêu thị, trung tâm thương mại khoảng 2.000 tấn; tiêu thụ tại các chợ đầu mối tại các tỉnh, thành phố khoảng 36.000 tấn; đưa vào các nhà máy, cơ sở chế biến, bảo quản lạnh khoảng 60.000 tấn.

Sản phẩm mận tiêu thụ trên 64.000 tấn chủ yếu đưa các sản phẩm quả tươi đi tiêu thụ tại Hà Nội và các tỉnh, đặc biệt các tỉnh khu vực phía Nam như: Đà Nẵng và thành phố Hồ Chí Minh; ngoài ra đưa khoảng 4.000 tấn vào chế biến thành mận sấy dẻo, rượu mận...

Các sản phẩm nông sản khác như chè, cà phê, tinh bột sắn... tập trung quảng bá, giới thiệu và kết nối tiêu thụ tại thị trường trong nước, đồng thời tăng cường giải pháp dự trữ, bảo quản chờ điều kiện thuận lợi để xuất khẩu.

Hỗ trợ người dân thu gom các sản phẩm nông sản.

UBND tỉnh Sơn La giao các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố chủ động theo dõi sát diễn biến dịch bệnh và các nội dung chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 để cập nhật, điều chỉnh Kế hoạch tổ chức các sự kiện xúc tiến tiêu thụ sản phẩm nông sản tỉnh năm 2021 diễn ra hiệu quả cũng như đảm bảo an toàn phòng, chống dịch.

Đảm bảo các điều kiện về an toàn phòng, chống dịch Covid-19 khi tổ chức sản xuất, sơ chế, thu gom triển khai tiêu thụ các sản phẩm theo vùng. Thành lập đội thu gom, vận tải của tỉnh để vận chuyển các sản phẩm hàng hóa nông sản đi tiêu thụ tại các tỉnh, thành phố; tổ chức tiêm vaccine phòng chống, dịch cho đội thu gom, vận tải.

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá trên các phương tiện thông tin đại chúng. Phối hợp với các sàn thương mại điện tử để hỗ trợ đưa các sản phẩm nông sản của tỉnh vào quảng bá, giao dịch và tiêu thụ. Sử dụng các kênh Facebook, Zalo, livestream... để quảng bá, kết nối tiêu thụ các sản phẩm...

Nguyễn Nga