Hà Nội phải đảm bảo an toàn trong nới lỏng

Xã hội - Ngày đăng : 23:17, 22/06/2021

(TN&MT) - Đó là quan điểm của Hà Nội khi thực hiện mở cửa lại một số hoạt động kinh doanh thiết yếu nhằm đáp ứng nhu cầu sinh hoạt, thói quen sinh hoạt của người dân và tạo điều kiện cải thiện cuộc sống cho những người làm nghề buôn bán kinh doanh trên địa bàn thành phố.

Hà Nội của những ngày vắng vẻ

Từ sáng sớm ngày 22/6/2021, đã có một Hà Nội đông đúc hơn, sôi động hơn sau khi thành phố cho phép nới lỏng một số hoạt động dịch vụ thiết yếu. Tuy nhiên, dịch bệnh luôn tiềm ẩn nguy cơ. Vì vậy, chủ trương của thành phố Hà Nội là: Kiên quyết không lơi lỏng. Nới lỏng nhưng không lơi lỏng.

Dù quán chỉ có 2 người chuẩn bị cho việc mở cửa nhưng vẫn tuân thủ nguyên tắc phòng chống dịch

Hà Nội ngày đầu nới lỏng

Từ sáng 3, 4 giờ sáng, những âm thanh quen thuộc tại các quán ăn, quán cà phê để chuẩn bị cho ngày mở cửa sau một tháng im lìm đã trở lại. Sáng 22/6 phố phường đã mang một dáng vẻ khác, đông đúc hoạt náo hơn. Ở một số quán ăn sáng trên đường Bát Đàn, Tôn Đức Thắng, Hai Bà Trưng, Hàng Vải... và nhiều quán cà phê, cắt tóc, khá đông người dân có mặt uống cà phê và ăn sáng tại chỗ.

Tâm lý chung của những người dân có mặt tại các quán ăn sáng và cà phê là sự vui vẻ thoải mái sau thời gian thực hiện hạn chế dịch vụ để phòng chống dịch. Nhiều người dân Hà Nội không quen với việc ăn món khô nên khá hài lòng khi được trở lại thú vui hàng sáng của mình, gọi một tô phở hoặc món nước nào đó tùy theo ý thích, một ly cà phê, nhâm nhi chút không khí mát dịu đầu ngày để tiếp năng lượng khởi động. Cũng có nhiều người có thói quen tụ tập bạn bè ăn sáng. Vì thế, mua một tô phở hoặc bún mang về không thể giải quyết được cơn nghiện tụ tập bạn bè, cũng không thể ngon hoặc thấy thú như khi ăn tại quán.

Thực hiện nghiêm quy định vách ngăn giãn cách

Tuy nhiên, tâm lý thoải mái của một số người không đơn thuần là giải quyết nhu cầu ăn uống tóc tai mà đằng sau đó còn là cảm giác thành phố đã yên ổn trở lại, nguy cơ dịch bệnh đã được kiểm soát chặt chẽ hơn.Tại các tiệm cắt tóc gội đầu, tình trạng khách xếp hàng chờ đến lượt cũng đông không kém. Phở bún có thể giải quyết tại nhà, nhưng cắt tóc, làm các dịch vụ cao cấp từ tóc thì chỉ có thể ra tiệm. Phở bún chỉ thao tác trong vài phút là có, nhưng các dịch vụ về tóc thì rõ ràng phải thực hiện từ 30 phút đến cả tiếng đồng hồ. Vì thế, cảnh chờ đợi tại các tiệm cắt tóc gội đầu cũng là đương nhiên.

Bên cạnh đó, vẫn còn một số hàng quán chưa sẵn sàng mở cửa lại, một số hàng ăn vẫn thực hiện bán mang về, nguyên nhân là do nhân viên phục vụ sau đợt nghỉ dài chưa kịp trở lại hoặc chủ quán còn dè dặt nghe ngóng tình hình tiêu thụ hoặc do vẫn còn đề phòng dịch biết đâu lại trở lại, hàng quán vừa đầu tư trở lại đã vội đóng thì không đủ lực đáp ứng nổi.

Nới lỏng không có nghĩa là lơi lỏng

Cùng với cho hoạt động trở lại một số dịch vụ, Thường trực Thành ủy Hà Nội đã yêu cầu các cấp, các ngành thành phố phải quán triệt, thực hiện nghiêm Kết luận số 07-KL/TƯ ngày 11/6/2021 của Bộ Chính trị về “Một số nhiệm vụ trọng tâm tăng cường công tác phòng, chống dịch Covid-19 và phát triển kinh tế - xã hội”, các văn bản chỉ đạo của Trung ương, thành phố; tiếp tục coi phòng, chống dịch Covid-19 là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu; tuyệt đối không được thỏa mãn với những kết quả bước đầu đạt được.

Vì vậy, yêu cầu đặt ra là là cấp ủy các cấp từ thành phố đến cơ sở, xã, phường, nhất là người đứng đầu phải tiếp tục chủ trì và chịu trách nhiệm lãnh đạo công tác phòng, chống dịch trên địa bàn; không vì nới lỏng mà lơi lỏng nhiệm vụ này. Quá trình thực hiện quy định mới phải gắn liền các biện pháp kiểm tra, giám sát chặt chẽ, tuyệt đối không chủ quan, mất cảnh giác. Bởi vì, theo Bí thư Hà Nội Đinh Tiến Dũng: “Chúng ta mới bước đầu kiểm soát được dịch. Tình hình diễn biến trên cả nước và các tỉnh xung quanh vẫn rất phức tạp. Hà Nội lại là trung tâm giao lưu, trao đổi... Nguy cơ lây nhiễm Covid-19 còn rất cao”.

Theo Bí thư Thành ủy, các cơ sở kinh doanh dịch vụ khi được hoạt động trở lại cần chủ động, tự giác thực hiện nghiêm, chặt chẽ các biện pháp phòng, chống dịch, nhất là phương châm “5K”; có trách nhiệm giám sát, tuyên truyền để mọi nhân viên, khách hàng tuân thủ các quy định phòng, chống dịch. Các cơ sở dịch vụ chưa được mở cửa trở lại hoặc chỉ được bán hàng mang về tiếp tục xác định việc tuân thủ quy định phòng, chống dịch không chỉ là trách nhiệm với cộng đồng mà còn là bảo vệ chính bản thân, gia đình mình.

Mục tiêu cao nhất của Hà Nội là bảo vệ an toàn sức khoẻ và tính mạng người dân, vì vậy, người đứng đầu Hà Nội tha thiết kêu gọi nhân dân thành phố tiếp tục đồng hành, ủng hộ chủ trương, chính sách, quy định của thành phố; phát huy tinh thần trách nhiệm, bản lĩnh, sẵn sàng hy sinh những lợi ích trước mắt, của bản thân vì mục tiêu chung, vì an toàn cho mình, gia đình mình và cả xã hội.

Thực tế đợt bùng phát dịch Covid-19 từ cuối tháng 4/2021 đến nay diễn biến rất phức tạp, khó lường. Hà Nội là một trong những nơi có nhiều ca bệnh. Nhưng bằng kinh nghiệm và nỗ lực vượt bậc, thành phố đã chủ động thực hiện phương châm “3 trước”, “4 tại chỗ”, phong tỏa điểm nhỏ, khóa chặt nguồn lây, cách ly “3 lớp”. Nhờ đó, 16 chùm ca bệnh đã được khống chế và kiểm soát; 97/106 điểm phong tỏa đã được gỡ bỏ. Gần 10 ngày qua, Hà Nội chưa ghi nhận ca mắc mới trong cộng đồng...

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện “nhiệm vụ kép” vừa phòng, chống dịch hiệu quả, vừa duy trì phát triển kinh tế - xã hội, Hà Nội đã áp dụng nghiêm quy định phòng chống dịch một cách linh hoạt, không cực đoan. Đã nỗ lực thực hiện tiết kiệm chi ngân sách, nhất là chi thường xuyên để bảo đảm đủ nguồn lực cho phòng, chống dịch; tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để hỗ trợ, duy trì, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, không để gián đoạn sản xuất. 6 tháng đầu năm, tổng sản phẩm nội địa trên địa bàn (GRDP) tăng gần 6% so với cùng kỳ năm trước.

Thành quả đó là nhờ sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ thành phố xuống cơ sở, nhất là đóng góp ngày đêm của các lực lượng tuyến đầu như y bác sĩ, công an, quân đội, của hàng nghìn tổ Covid-19 cộng đồng, đặc biệt là sự chung sức, chung lòng của nhân dân. Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 thành phố và các địa phương đã phát huy tốt vai trò, trách nhiệm, luôn bám sát tình hình diễn biến dịch bệnh trên địa bàn, triển khai tổ chức thực hiện công tác phòng, chống dịch khoa học, bài bản, kịp thời và hiệu quả cao. Vì vậy, càng trân trọng những đóng góp, hy sinh cho công tác phòng, chống dịch của các lực lượng và nhân dân bao nhiêu, Hà Nội càng phải nỗ lực cao hơn nữa để giữ vững thành quả đã đạt được mà một trong những yếu tố đóng vai trò thành bại đó là ý thức của người dân.

Hàng quán Hà Nội đã mở lại và đảm bảo giãn cách

Quan điểm của những người đứng đầu thành phố được nhiều công dân Hà Nội đồng tình ủng hộ, đáp ứng. Nhiều hàng quán đã thực hiện nghiêm các quy định phòng dịch như bố trí tấm chắn, khoảng cách, không tụ tập quá quy định… Tuy nhiên, bên cạnh đó, vẫn còn một số nhà hàng quán ăn và khách hàng vô tư cởi mở như chưa từng có đợt dịch nào chạy qua thành phố. Vì vậy, Nguyễn Đức Thuần, một công dân Hà Nội đã dè dặt bày tỏ: “Nới lỏng thì tốt nhưng nguy cơ bùng phát lây nhiễm cộng đồng cao lắm vì không phải nhà hàng quán ăn và khách hàng nào cũng chấp hành đúng quy định phòng dịch, trong khi đó thời gian vừa qua ta đang làm rất tốt”.

Bài học từ Đà Nẵng là một ví dụ rất rõ ràng, chỉ cần lơi lỏng một mắt xích thì công sức của đội ngũ cán bộ các cấp và lực lượng phòng chống dịch sẽ đổ sông bể, vậy nên để có một Hà Nội dễ thở hơn, mỗi người dân cần ý thức hơn và đội ngũ cán bộ, lực lượng phòng chống dịch sẽ phải “mỏi chân đi phòng và tinh mắt tinh tai hơn” để giữ vững thành quả chống dịch mà Hà Nội đang đạt được và quan trọng nhất là đảm bảo cho một Hà Nội an toàn trước dịch.

Căn cứ tình hình thực tế và đề xuất của các đơn vị, từ 0h ngày 22/6/2021, thành phố Hà Nội cho phép mở cửa trở lại: Dịch vụ cắt tóc, gội đầu; dịch vụ ăn, uống trong nhà; bảo đảm khoảng cách, có tấm chắn giữa người với người, ngồi không quá 50% công suất chỗ ngồi và không quá 20 người, đóng cửa trước 21h hằng ngày (nhà hàng rượu, quán rượu, bia, bia hơi chỉ được phép bán hàng mang về).
Chủ các cơ sở dịch vụ phải bảo đảm thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch. Các lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra, đôn đốc, nhắc nhở việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm các quy định trong công tác phòng, chống dịch.

 

Việt Hải