Bình Định nỗ lực khống chế dịch bệnh viêm da nổi cục ở trâu, bò

Xã hội - Ngày đăng : 21:05, 22/06/2021

(TN&MT) - Bình Định đang đối mặt với dịch bệnh viêm da nổi cục ở trâu, bò. Tính đến ngày 16/6/2021, dịch bệnh đã xuất hiện tại 11 huyện, thị xã, thành phố với tổng số bò mắc bệnh là 6.882 con (chiếm tỷ lệ 2,1% tổng đàn trâu, bò của tỉnh) của 4.717 hộ thuộc 536 thôn ở 124 xã, phường, thị trấn.

Dịch bệnh viêm da nổi cục xuất hiện đầu tiên vào chiều ngày 27/4/2021 tại thôn Phú Trung, xã Cát Thành, huyện Phù Cát; sau đó, tiếp tục lây lan qua các địa phương.

Tính đến ngày 16/6/2021, dịch bệnh đã xuất hiện tại 11 huyện, thị xã, thành phố với tổng số bò mắc bệnh là 6.882 con (chiếm tỷ lệ 2,1% tổng đàn trâu, bò của tỉnh) của 4.717 hộ thuộc 536 thôn ở 124 xã, phường, thị trấn. Trong đó, tổng số bò đã điều trị khỏi triệu chứng là 3.724 con; số bò chết, xử lý tiêu hủy là 333 con; số bò đang chăm sóc, điều trị là 2.825 con.

Bình Định xuất hiện bệnh viên da nổi cục ở bò 

Toàn tỉnh Bình Định đang tập trung triển khai tiêm phòng vaccine viêm da nổi cục cho toàn đàn trâu, bò; một số bò đang mang mầm bệnh, trong giai đoạn nung bệnh, khi tiêm phòng sẽ dễ phát bệnh. Một số địa phương mới phát dịch từ đầu tháng 6/2021 đang là giai đoạn dịch bùng phát mạnh.

Mặt khác, từ đầu tháng 6/2021 đến nay, trâu, bò mắc bệnh xuất hiện thể nặng, các khối cục, u lớn xuất hiện ở vùng cổ, bụng, vùng khớp chân, gây khó khăn cho công tác điều trị. Thêm vào đó, tình hình nắng nóng gay gắt kéo dài, ảnh hưởng đến sức đề kháng của đàn gia súc, nhất là số bò, bê đang mắc bệnh, điều trị, dẫn đến kiệt sức, chết. Do đó, số lượng bò mắc bệnh và chết tăng cao. Nhận định tình hình dịch bệnh vẫn đang diễn biến khó lường, nguy cơ tiếp tục phát sinh dịch bệnh và xảy ra bò bệnh chết nhiều là rất cao.

Chuẩn bị vaccine viêm da nổi cục ở trâu, bò

Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, Sở Nông nghiệp - PTNT Bình Định đã chỉ đạo Tổ công tác tiếp tục kiểm tra công tác tổ chức, phòng chống dịch; tập trung kiểm tra, đôn đốc công tác tiêm phòng tại các địa phương. Thực tế, địa phương nào chủ động tiêm phòng vaccine cho trâu, bò tỷ lệ cao, đáp ứng bảo hộ đàn thì số mắc bệnh giảm dần và tỷ lệ bò chết thấp.

Chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y giao trách nhiệm các thành viên đứng chân duy trì bám sát địa bàn để đôn đốc, hướng dẫn, kiểm tra công tác tiêm phòng, điều trị xử lý bò bệnh tại các địa phương. Đồng thời, xuất cấp 5.000 lít thuốc sát trùng Benkocide (lũy kế 14.500 lít) hỗ trợ các địa phương tiêu độc sát trùng.

Đối với UBND các huyện, thị xã, thành phố, tập trung chỉ đạo tổ chức tiêm phòng vaccine viêm da nổi cục cho toàn đàn trâu, bò thuộc địa bàn. Đây là giải pháp phòng, chống bệnh hiệu quả nhất.

Kết quả tiêm phòng vaccine phòng bệnh cho trâu, bò (tính đến ngày 16/6/2021) thống kê chưa đầy đủ trên 125.868 con, đạt hơn 49% tổng đàn diện tiêm (bao gồm vaccine nhà nước hỗ trợ và người dân tự mua tiêm trước đây). Trong đó: Phù Cát 27.756 con, Phù Mỹ 45.208 con, Hoài Ân 13.065 con, An Nhơn 9.304 con, Tây Sơn 11.005 con, Tuy Phước: 4.940 con, Hoài Nhơn 5.676 con, Vĩnh Thạnh: 4.500 con, Vân Canh: 875 con, Quy Nhơn: 1.809 con.

Cán bộ thú y tiêm vaccine viêm da nổi cục cho toàn đàn trâu, bò

Trao đổi với PV Báo TN&MT về tình hình phòng chống dịch bệnh trong thời gian tới, ông Trần Văn Phúc – Giám đốc Sở Nông nghiệp - PTNT Bình Định cho biết: Hiện nay, các địa phương đang tiếp tục huy động lực lượng tổ chức tiêm phòng, đảm bảo tỷ lệ tiêm phòng đạt trên 80% tổng đàn trâu, bò thuộc diện tiêm. Phấn đấu hoàn thành tiêm phòng vào cuối tháng 6/2021.

Sở tiếp tục chỉ đạo các địa phương tăng cường kiểm tra, giám sát, phát hiện và xử lý kịp thời tình hình dịch bệnh. Phát huy hoạt động Tổ hướng dẫn, điều trị triệu chứng bò bệnh, hạn chế thấp nhất tỷ lệ bò chết. Đồng thời, chuẩn bị đầy đủ các điều kiện xử lý bò bệnh, chết theo đúng quy định. Đẩy mạnh tuyên truyền trên Đài truyền thanh cấp huyện, cấp xã, vận động người chăn nuôi chủ động tiêm phòng và hợp tác khai báo với chính quyền cơ sở khi phát hiện trâu, bò nghi mắc bệnh.

Đồng thời, duy trì tổ chức phun thuốc tiêu độc khử trùng tiêu diệt mầm bệnh và côn trùng trong môi trường 2 ngày/lần tại các thôn đang xảy ra dịch và 2 lần/tuần tại các địa bàn còn lại của xã. Kết quả đã sử dụng 13.500 lít thuốc sát trùng Benkocide cho công tác tiêu độc sát trùng tại các địa phương. Các giải pháp tổ chức phòng chống dịch và tiêm phòng đang được các địa phương tích cực triển khai.

Mỹ Bình