Thừa Thiên Huế: Không để COVID - 19 làm gián đoạn đến kêu gọi đầu tư

Kinh tế - Ngày đăng : 15:34, 22/06/2021

(TN&MT) - Trong bối cảnh dịch bệnh COVID - 19 diễn biến phức tạp, để công tác kêu gọi, hỗ trợ đầu tư không bị gián đoạn, thời gian qua tỉnh Thừa Thiên Huế đã triển khai nhiều giải pháp nhằm thu hút các nguồn lực, kêu gọi những nhà đầu tư lớn để triển khai thực hiện các dự án trọng điểm, đảm bảo kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Kêu gọi đầu tư trực tuyến

Cũng như nhiều địa phương trong cả nước, việc phát triển kinh tế- xã hội của Thừa Thiên Huế thời gian qua gặp không ít khó khăn do đại dịch COVID - 19. Tuy nhiên, với nỗ lực “biến nguy thành cơ”, các cơ quan chức năng ở địa phương đã có những sáng tạo, đổi mới trong công tác, quản lý điều hành, phấn đấu hoàn thành mục tiêu kép, vừa phòng chống dịch, vừa phát triển kinh tế...

Để có được những kết quả khả quan trong công tác thu hút đầu tư, phù hợp với tình hình dịch bệnh, tỉnh đã có những thay đổi trong phương thức xúc tiến đầu tư. Thay vì việc tổ chức xúc tiến đầu tư trực tiếp như trước kia, nay đã được chuyển sang xúc tiến đầu tư trực tuyến, đặc biệt là vào thị trường trọng điểm, dự án trọng điểm.

Nhiều giải pháp thu hút đầu tư tại Huế

Cụ thể, để triển khai dự án đầu tư phát triển Khu kinh tế Chân Mây – Lăng Cô mà tỉnh Thừa Thiên Huế đã ký kết biên bản ghi nhớ với Tập đoàn Nhà đất Hàn Quốc – Korea Land & Housing Corporation (LH), do ảnh hưởng tình hình dịch bệnh COVID -19 ảnh hưởng đến việc đi lại, lãnh đạo tỉnh đã không ít lần tổ chức họp trực tuyến với Tập đoàn LH để đẩy nhanh kế hoạch nghiên cứu, khảo sát và lập hồ sơ các dự án; yêu cầu phía Tập đoàn phải thường xuyên cung cấp báo cáo kết quả nghiên cứu đầu tư, tiến độ triển khai cho UBND tỉnh để được hỗ trợ nhằm giúp dự án sớm được hoàn chỉnh, đạt hiệu quả cao nhất.

Sau các lần họp trực tuyến, Tập đoàn LH đã có báo cáo cuối kỳ về các dự án đề xuất nghiên cứu tại Khu Kinh tế Chân Mây Lăng Cô. Cụ thể giai đoạn 1 sẽ đầu tư KCN Chân Mây, diện tích khoảng 115ha (Tập đoàn đề xuất đặt tên là KCN HuKo (Huế - Korean)), tổng vốn đầu tư dự kiến khoảng 34,56 triệu đô la Mỹ, tương đương khoảng 829 tỷ đồng; Giai đoạn 2 sẽ đầu tư phát triển KCN kỹ thuật cao, diện tích khoảng 700 ha; Giai đoạn 3 sẽ đầu tư phát triển Khu đô thị, diện tích khoảng 1.000 ha.

Mới đây, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế và Công ty TNHH AEONMALL Việt Nam (AEONMALL Việt Nam) cũng đã tổ chức Lễ Ký kết Biên bản ghi nhớ về việc nghiên cứu đầu tư Trung tâm Thương mại (TTTM) AEON MALL tại tỉnh Thừa Thiên Huế dưới hình thức trực tuyến. Theo biên bản ghi nhớ thì UBND tỉnh Thừa Thiên Huế sẽ ủng hộ AEONMALL Việt Nam nghiên cứu, chuẩn bị hồ sơ thành lập dự án Trung tâm thương mại AEON MALL mới tại tỉnh theo quy định hiện hành; tổng vốn đầu tư dự kiến khoảng 150 triệu – 160 triệu đô la Mỹ.

Ông Nguyễn Đại Vui - Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết, trong điều kiện đi lại khó khăn giữa các quốc gia do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 thì việc xúc tiến đầu tư trực tuyến đang được xem như một “cứu cánh” trong công tác này. Ngoài việc hạn chế những nguy cơ lây lan dịch bệnh, các hội nghị xúc tiến đầu tư trực tuyến còn tiết kiệm chi phí, phù hợp với sự phát triển của công nghệ thông tin...

Lãnh đạo tỉnh kiểm tra các dự án lớn trên địa bàn

Triển khai nhiều giải pháp

Giai đoạn này, để vượt qua những khó khăn do dịch bệnh COVID - 19, tỉnh Thừa Thiên Huế đang xây dựng danh mục kêu gọi đầu tư giai đoạn 2021 - 2022 với nhiều nội dung: Tên dự án, địa điểm thực hiện, mục tiêu, ranh giới dự án, diện tích, hiện trạng sử dụng đất, kết nối hạ tầng, các thủ tục cần triển khai để đảm bảo kêu gọi đầu tư, thời gian dự kiến kêu gọi đầu tư, thời gian dự kiến khởi công để nhà đầu tư có thể nghiên cứu từ xa.

Theo ông Nguyễn Đại Vui, tỉnh đã xây dựng và vận hành phần mềm quản lý dự án, giúp nhà đầu tư theo dõi tiến độ dự án, là kênh kết nối nhà đầu tư với chính quyền. Thông qua phần mềm, nhà đầu tư có thể phản ánh những vướng mắc với chính quyền để cùng tháo gỡ, thúc đẩy tiến độ dự án. Ngoài ra, trang web ipa.thuathienhue.gov.vn thường xuyên cập nhật các nội dung mới nhất về đầu tư, pháp lý làm công cụ để nhà đầu tư có thể nghiên cứu, tìm hiểu. Cùng với đó là đẩy mạnh xúc tiến đầu tư thông qua kênh đại diện xúc tiến đầu tư của tỉnh tại Thái Lan, Hàn Quốc, Singapore để quảng bá cơ hội, môi trường đầu tư đến các nhà đầu tư nước ngoài.

“Để đảm bảo công tác xúc tiến đầu tư không bị gián đoạn, tỉnh đã sẵn sàng các dữ liệu, các kênh đối ngoại để đẩy mạnh kêu gọi đầu tư với nhiều hình thức. Các hình thức đều được đưa vào chương trình xúc tiến đầu tư năm 2021 để bảo đảm quảng bá cơ hội đầu tư đến các đối tác nước ngoài. Bên cạnh đó, tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành thực hiện công khai, minh bạch các thủ tục hành chính, thời gian giải quyết, các cơ chế, chính sách, quy hoạch ngành, lĩnh vực các dự án ưu tiên thu hút đầu tư của tỉnh trên các trang thông tin để các doanh nghiệp, nhà đầu tư có thể chủ động tìm hiểu, nắm bắt cơ hội đầu tư...”, ông Vui chia sẻ.

Văn Dinh