Công ty Giấy Lee & Man Việt Nam: Hưởng “quả ngọt” từ chiến lược tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm
Doanh nghiệp - doanh nhân - Ngày đăng : 14:44, 21/06/2021
Ông Chung Wai Fu - Tổng Giám đốc Công ty TNHH Giấy Lee & Man Việt Nam |
Đặc biệt, Công ty TNHH Giấy Lee & Man đã vươn lên dẫn đầu trong thị trường sản xuất giấy nội địa tại Việt Nam. Để hiểu rõ hơn về quá trình hình thành và vận hành Nhà máy Giấy Lee & Man, Phóng viên Báo TN&MT đã có cuộc trao đổi với ông Chung Wai Fu - Tổng Giám đốc Công ty TNHH Giấy Lee & Man Việt Nam.
PV: Cơ duyên nào đã đưa ông đến Việt Nam và chọn vùng đất Hậu Giang để đặt Nhà máy Giấy Lee & Man?
Ông Chung Wai Fu:
Tôi đến Việt Nam lần đầu tiên vào tháng 01/2014. Đặt chân đến sân bay Tân Sơn Nhất, tôi đã rất ấn tượng về đất nước và vùng đất này. Sự hiện đại và nhộn nhịp nơi đây có nét rất giống Quảng Đông, Trung Quốc. Trong chuyến thăm ngắn ngày đó, tôi có dịp di chuyển từ TP.HCM về miền Tây, nhìn thấy các cửa sông tại Cần Thơ, Hậu Giang thì trong đầu tôi lóe lên suy nghĩ đây là địa thế vô cùng thuận lợi để phát triển các hoạt động logistics.
Thêm vào đó, khu vực này khi đó là các vùng đất nông nghiệp rộng lớn, là lợi thế khi thiết kế các nhà máy quy mô lớn của Tập đoàn tại đây. Sau khi trở về, tôi lập tức báo cáo với trụ sở chính của Tập đoàn tại Hong Kong và thuyết phục Ban Quản trị tiến hành xây dựng Nhà máy tương lai của Lee & Man tại đây càng sớm càng tốt. Đó chính là sự khởi đầu của Nhà máy Giấy Lee & Man ngày hôm nay.
PV: Ông làm cách nào để thuyết phục Tập đoàn xây dựng Nhà máy Giấy Lee & Man tại Hậu Giang với quy mô hàng đầu Đông Nam Á?
Ông Chung Wai Fu:
Thứ nhất, Việt Nam là một đất nước trong Đông Nam Á đầu tiên mà Công ty Lee & Man chọn đặt nhà máy, do đó vai trò của nhà máy này rất quan trọng, là bước chân đầu tiên của chúng tôi để tiến vào thị trường Đông Nam Á với hơn nửa tỷ dân.
Thứ hai, văn hóa và con người là yếu tố quan trọng mà Lee & Man luôn mong muốn tìm kiếm ở mọi vùng đất. Tôi xác định nhà máy chỉ có thể thành công khi được vận hành bởi những con người sinh trưởng giữa vùng sông nước này, am hiểu tường tận mảnh đất, nhành cây hay chiếc lá.
Nguồn nhân lực chính là tài sản chủ chốt của Công ty. Chúng ta có thể mua các thiết bị di động, máy tính, máy móc, đồ nội thất…, nhưng không thể “mua” được kỹ năng quản lý hay sự tận tâm của con người khi vận hành những thiết bị đó.
Đó là lý do trong bản kế hoạch gửi Tập đoàn, tôi đã lên phương án nhân sự với tỷ lệ bản địa hóa đạt từ 50-60%, không chỉ là các nhân sự hiện trường và còn có các nhân sự nắm giữ vị trí điều hành. Bây giờ chúng tôi đã có nhiều hơn con số đó, thậm chí các nhân sự điều hành C-Level hiện cũng có hơn 50% là người bản địa.
Đội ngũ quản lý người Việt tại Công ty Giấy Lee & Man Việt Nam |
PV: Ông đánh giá như thế nào về những tố chất nhân sự người Việt tại Lee & Man Việt Nam?
Ông Chung Wai Fu:
Tôi đánh giá người Việt có khả năng tiếp nhận nhanh chóng các nền văn hóa khác, chẳng hạn như ngôn ngữ. Không ít bạn trẻ có thể giao tiếp bằng tiếng Trung chỉ sau vài tháng làm việc hay nhiều nhân sự đã học sẵn tiếng Anh, khi làm việc tại đây, họ có cơ hội trau dồi, phát triển như “diều gặp gió”. Thêm vào đó, họ còn có khao khát được phát triển và cống hiến hết mình. Đây cũng là lý do mà chúng tôi triển khai thành công chương trình đào tạo trao đổi, nâng cấp năng lực của toàn bộ đội ngũ của Công ty.
Ban đầu, khi nhà máy vừa mới vận hành, chúng tôi chưa thể có ngay dàn nhân sự người Việt “cứng” kỹ năng, vững chuyên môn. Thay vì để các chuyên gia nước ngoài đào tạo, chúng tôi chiêu mộ các nhân lực trình độ cao từ TP.HCM trong lĩnh vực cơ khí, năng lượng, trực tiếp hướng dẫn và mở các lớp kỹ năng cho sinh viên tại các cơ sở đào tạo kỹ thuật tại địa phương. Sau 02 năm, chúng tôi cho “ra lò” một nguồn lực lao động có trình độ ổn định, đảm bảo quá trình hoạt động của Công ty.
Tiếp nối đó, những nhân sự có kinh nghiệm lâu năm thì ngoài công tác chuyên môn, sẽ trực tiếp đảm nhận đào tạo cho nhân viên cấp dưới của mình. Họ có thể “cầm tay chỉ việc” hoặc giao thử thách, giám sát cấp dưới hoàn thành, bồi đắp sự gắn kết và thấu hiểu nhau hơn ngoài mối quan hệ cấp trên - cấp dưới. Ở Lee & Man Việt Nam, chúng tôi luôn khuyến khích nhân viên cùng nhau “chiến đấu” và phát triển các cột mốc sự nghiệp, thay vì cạnh tranh hiềm khích.
PV: Động lực nào khiến Lee & Man Việt Nam vươn lên dẫn đầu tại Việt Nam về sản xuất giấy chỉ sau 04 năm vận hành nhà máy, thưa ông?
Ông Chung Wai Fu:
Tôi tin chỗ đứng hiện tại của Công ty TNHH Giấy Lee & Man Việt Nam trong thị trường sản xuất giấy nội địa chính là “quả ngọt” từ chiến lược tập trung vào chất lượng sản phẩm. Với tầm nhìn này, chúng tôi chưa bao giờ so sánh mình với các công ty khác mà đang tự tạo ra những tiêu chuẩn cho thị trường.
Sản phẩm phải luôn giữ được chất lượng cao, đặc biệt là các dòng giấy cao cấp như: White Top Liner (đóng thùng hải sản) hay Top Liner (đóng thùng tủ lạnh, động cơ máy móc), vốn phải nhập khẩu từ nước ngoài. Từ khi đến Việt Nam, chúng tôi từng bước chinh phục thị trường trong nước.
Lượng hàng kinh doanh nội địa ngày càng tăng thêm, hiện chiếm 70-80% tổng công suất nhà máy. Các khách hàng nội địa cũng rất đón nhận bởi họ có thể mua hàng dễ dàng hơn, không cần mua bằng ngoại tệ, đối tác sản xuất lại có sẵn trong nước. Chỉ cần một cuộc điện thoại, hàng sẽ được chuyển đến tận nơi.
Dĩ nhiên, tỷ lệ thuận với các hoạt động đầu tư là mức giá của chúng tôi sẽ “nhỉnh” hơn các công ty khác, song không thể chỉ cạnh tranh về giá rồi bỏ quên các yếu tố về chất lượng sản phẩm và về môi trường. Khi có một “người dẫn đầu” tạo ra sự thay đổi, người mua sẽ kỳ vọng nhiều hơn, người bán sẽ thay đổi dần.
Chưa kể nếu Công ty chúng tôi “chạy” theo giá thành rồi giảm chất lượng sản phẩm, dần dà những nhân sự trong Công ty sẽ đánh mất niềm tin và họ sẽ không thể gắn bó lâu dài. Đó cũng chính là triết lý của chúng tôi về việc “phát triển bền vững”.
Nói đến bền vững, để có sản phẩm chất lượng, chúng ta phải có một dàn nhân sự đủ tâm huyết. Chúng tôi đã xây dựng khu nhà ở cho chuyên gia với chất lượng cao, có các tiện ích nội khu, như: sân bóng, sân thể thao, khu gym… để họ yên tâm với công việc của mình.
Công ty TNHH Giấy Lee & Man Việt Nam còn tự hào với quy trình sản xuất khép kín theo mô hình “kinh tế bền vững”. Trải rộng hàng chục hecta, Nhà máy Giấy Lee & Man tại Hậu Giang hoạt động, nhưng không hề có tiếng ồn, bụi hay đọng bẩn.
Mỗi năm, chúng tôi còn chi hàng triệu USD cho các hoạt động tôn tạo môi trường, cảnh quan phục vụ nhân viên và người dân. Điển hình là tháng 4/2021, chúng tôi đã trồng hơn 17.000 cây xanh, phủ xanh khu vực làm việc, kho bãi và các vùng lân cận.
PV: Trân trọng cảm ơn ông!