Những nẻo đường tác nghiệp

Xã hội - Ngày đăng : 08:11, 20/06/2021

(TN&MT) - Cũng như bao nghề, nhưng có lẽ nghề báo - một nghề mà chỉ nói tới thôi, người ta đã có thể nhận ra không phải hoa hồng và càng không phải thảm đỏ, mà đó là cả một sự phấn đấu bằng trí tuệ, sức lực, thậm chí có cả máu và nước mắt của những người làm báo. Nhưng nghề báo mãi luôn là một nghề trân quý mà những người làm báo ngành Tài nguyên và Môi trường luôn tự hào.

 

Nhà báo Phạm Thiệu:

Nỗi khắc khoải mang tên “đất”

Từ ngàn đời nay, đất đai không chỉ là một thứ tài sản được trao truyền từ thế hệ này tới thế hệ khác mà còn có giá trị tâm linh kết nối con người với vũ trụ. Ông bà xưa có câu “người ta là hoa đất” để ví von cho sự huyền nhiệm về mối quan hệ giữa đất đai và con người. Chính vì thế, khi mà kinh tế mở cửa, đất đai tăng giá, thì những tranh chấp phát sinh từ đất cũng nhiều lên tương ứng. Không phải ngẫu nhiên mà hầu hết thống kê của các cơ quan Nhà nước đều cho biết, 70% khiếu kiện hiện nay liên quan tới đất đai - một con số biết nói.

Nguyên nhân của khiếu kiện thì nhiều. Là một người thường xuyên được tiếp xúc với các vụ việc tranh chấp đất đai, gặp gỡ với những khổ chủ…, tôi lúc nào cũng có băn khoăn mà chưa tìm được lời giải thích. Tại sao đa phần chủ nhân của những vụ khiếu kiện đất đai kéo dài là những người nghèo, thậm chí rất nghèo? Tại sao những người đến tiền ăn còn không đủ nhưng họ vẫn quyết tâm bao nhiêu năm vác đơn đi kiện? Và điều gì đã tiếp sức cho họ không gục ngã trong một cuộc chiến pháp lý vừa tốn thời gian, vừa tốn tiền bạc, công sức?

Tôi nhớ mãi vụ việc khiếu kiện đất đai tập thể kéo dài ở huyện Thanh Trì, Hà Nội. Hôm tôi xuống gặp dân lấy thông tin, khoảng 30 người dân lấm lem ngồi đợi đầy hy vọng để được giãi bày, trao đổi. Họ - những người nông dân giống hệt cha mẹ tôi, cô chú tôi ở quê với chiếc áo bạc màu sờn rách, khuôn mặt gầy guộc và khắc khổ đã nhiều năm qua đấu tranh đòi lại ít đất màu mà họ cho rằng bị một công ty làm giả hồ sơ để chiếm đoạt. Tôi vẫn rất nhớ câu nói của một người dân: “Tôi già rồi, sống cũng chẳng được bao lâu nữa nhưng vẫn phải đấu tranh đến cùng. Đất của tôi, tôi phải để lại cho con cháu có chỗ mà cắm dùi”.

 

Nhà báo Anh Tú:

Cần kiên trì và bản lĩnh

Tôi vẫn còn nhớ như in mùa hè năm 2018, nhận được đơn thư của ông Mạc Văn Tuyên đã 90 tuổi ở xã Ninh Nhất, TP. Ninh Bình phản ánh về việc thửa đất của gia đình bị cá nhân ông Chủ tịch xã tự ý vẽ đường cắt ngang thửa đất. Chỉ từ một lá đơn với một nội dung như vậy, thế nhưng với sự kiên trì, bản lĩnh và kinh nghiệm sau hơn 1 năm với loạt bài điều tra, những sai phạm về đền bù, tái định cư có liên quan đến vị Chủ tịch xã này đã bị phanh phui, nhiều cán bộ có liên quan bị kỷ luật…

Thời điểm đó, cụ ông Mạc Văn Tuyên muốn xây tường bao quanh khu đất của gia đình vừa bảo vệ tài sản vừa yên tâm sinh sống. Trước khi xây tường đã báo cáo xã, địa chính để cắm mốc giới, thế nhưng khi triển khai xây thì cá nhân ông Chủ tịch xã thời điểm đó là Nguyễn Như Bằng ngăn cấm vì cho rằng ở đây có đường. Thực ra, con đường này là do ông Bằng tự vẽ cắt qua đất nhà ông Tuyên chạy thẳng vào thửa đất phía sau mà bố ông Bằng đang canh tác.

Ngay sau khi tiếp cận vụ việc, nhận thấy đây không chỉ là vụ việc tranh chấp đất đai đơn thuần mà rất có thể là lợi dụng chức quyền để làm việc sai trái, tôi đã làm việc tiếp cận thông tin, ghi nhận từ những cụ cao niên trong thôn thì được biết: “Chủ tịch xã nhiều đất lắm, cách đây chục năm tỉnh làm dự án đường tránh thành phố Ninh Bình chạy qua chỉ mất tý đất ao mà được đền bù những mấy lô đất tái định cư liền”.

Chỉ từ một câu nói đó, tôi đứng ngồi không yên, đã lần tìm những manh mối đầu tiên vào cuối năm 2018, lần tìm những thông tin cách đây cả chục năm thực sự như “mò kim đáy biển”. Chính nhờ sự kiên trì, tôi đã gặp gần hết các hộ bị ảnh hưởng bởi dự án thời điểm đó, thu thập, phân loại hàng trăm mảnh giấy nhàu nát về đền bù, diện tích đất bị mất của các hộ năm 2009. Cũng từ đây, hàng loạt những sai phạm về bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng, tái định cư Dự án đường ĐT477 được đưa ra “ánh sáng” trên Báo Tài nguyên và Môi trường và đã nhận được sự đón nhận của đông đảo bạn đọc.

Sau những loạt bài đầu tiên, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Ninh Bình đã vào cuộc kiểm tra. Cũng từ đây tôi chịu sự tác động vô cùng lớn với những sự gạ gẫm, đánh đổi để dừng loạt bài điều tra này. Thế nhưng, với sự chỉ đạo xuyên suốt của Ban Biên tập, cùng bản lĩnh, tôi đã đi đến tận cùng của sự việc sau hơn 1 năm đấu tranh.

Đến tháng 10/2019, hàng trăm triệu đồng tiền đền bù và 3 lô đất tái định cư cho 2 anh em nhà Chủ tịch xã Ninh Nhất vào năm 2009 đã bị thu hồi về cho Nhà nước, đồng thời 3 cán bộ, lãnh đạo cùng 1 cán bộ địa chính bị kỷ luật. Con đường tự vẽ trên bản đồ cắt qua nhà ông Tuyên cũng bị xóa bỏ.

Điều này khiến bạn đọc, người dân vô cùng tin tưởng. Đây cũng chính là động lực quan trọng nhất để tôi luôn luôn vững tin với nghề báo.

 

Phóng viên Văn Duy:

Sự lì lợm tạo nên bản lĩnh

Thời điểm năm 2019, tôi vừa “chân ướt, chân ráo” tiếp cận đề tài phóng sự điều tra, bước chân đi trên nẻo đường tìm hiểu về các điểm “nóng” khai thác khoáng sản.

Ngày 18/7/2019, tôi liên tiếp nhận được cuộc gọi của người dân xã Thiệu Thịnh (Thiệu Hóa, Thanh Hóa) phản ánh về tình trạng khai thác cát trái phép tại khu vực sông Mã. Qua điện thoại, người dân không quên dặn tôi: “Vì giành giật lợi nhuận nên các đối tượng khai thác cát rất liều lĩnh, sẵn sàng “hạ thủ” bất kỳ ai nếu như động vào “miếng cơm manh áo” của họ, ban đêm anh đi đứng cho cẩn thận, nếu thấy khó quá thì thôi”.

Suy nghĩ thật kỹ thiệt hơn, 19h cùng ngày, tôi có mặt tại thôn 2, xã Thiệu Thịnh. Để thuận tiện cho việc “mật phục” ghi hình hoạt động của “cát tặc” vào ban đêm, tôi đã “núp bóng” thành người dân địa phương tìm vật nuôi bị thất lạc ở bãi sông Lợi Hà. Việc này nhằm tránh sự chú ý và “rút dây động rừng”, bởi lẽ theo người dân địa phương: “Trước khi bắt đầu hút cát, họ thường bố trí người canh gác, nếu thấy có động tĩnh hay người lạ xuất hiện, chúng sẽ dừng việc hút cát và cử người “máu mặt” lên bờ lùng người”.

Đồng hồ điểm đúng 2h đêm (ngày 19/7), tôi quay lại “điểm nóng” ngồi dưới tán cây ngay mép sông, nước ngập gần đầu gối, dưới ánh trăng sáng, các tàu hút cát hiện lên rõ như in: 3 tàu đang sử dụng vòi rồng cắm sâu vào xuống nước “ra sức rút ruột” sông Mã, tiếng động cơ “gầm rú” văng vẳng như “xé toang” không gian yên tĩnh của đêm vắng. Trên tàu hút, 2 người đàn ông sử dụng đèn pin để kiểm soát lượng cát được hút lên. Phía trên cabin được lắp đặt một đèn pha cao áp, cứ chừng 3 đến 5 phút đèn pha được bật một lần, người điều khiển rọi đèn xung quanh khu vực sông Mã và phía trên bờ, nhằm phát hiện sự kiểm tra cơ quan chức năng và sự xuất hiện của người lạ.

Đến 3h50 phút sáng, khi “cát tặc” vẫn lộng hành như “chốn không người”, tay tôi run rẩy cầm điện thoại gọi điện trực tiếp cho ông Nguyễn Văn Phúc - Phó Chủ tịch UBND huyện Thiệu Hóa để phản ánh tình trạng trên. Trả lời qua điện thoại, ông Phúc cho biết “tôi sẽ cử lực lượng Công an xuống kiểm tra”.

Hơn 1 giờ đồng hồ trôi qua, khi mà quần áo đã ướt sũng, đôi mắt đã mỏi vì căng lên để ghi hình “cát tặc”, tôi vẫn không dám rời khỏi vị trí “án ngữ” để chờ động thái kiểm tra của cơ quan chức năng, cùng với hy vọng lực lượng Công an sẽ xuống hiện trường bắt quả tang, qua đó “cất lưới” tóm gọn “cát tặc”, trả lại sự yên bình cho người dân.

Với quyết tâm đi đến tận cùng của sự việc, tôi đã hoàn thành loạt bài viết “Thiệu Hóa (Thanh Hóa): Cát tặc xuyên đêm “rút ruột” sông Mã”. Sau khi bài viết được đăng tải. UBND tỉnh Thanh Hóa, Sở Tài nguyên và Môi trường và các cơ quan chức năng đã khẩn trương vào cuộc để ngăn chặn nạn “cát tặc”, đồng thời làm rõ trách nhiệm của các cá nhân, tổ chức có liên quan.

 

Phóng viên Văn Dinh:

Tuổi trẻ, ngại gì gian khó!

Mơ ước làm phóng viên sục sôi trong tôi từ khi còn nhỏ, để giờ đây khi đã thành hiện thực, tôi hiểu rằng, để có thể cầm bút vững vàng, cần cố gắng và xông pha nhiều hơn nữa. Còn trẻ, còn khỏe, tôi ngại gì gian khó, cứ “cháy” hết mình với đam mê...

Ra trường tròn 4 năm, đó cũng là khoảng thời gian tôi nỗ lực cộng tác để trở thành phóng viên chính thức của Báo Tài nguyên và Môi trường. Để được như hôm nay, chưa hẳn đã thành công so với nhiều người nhưng tôi có thể tự hào về con đường mình đã chọn.

Thú thực, phóng viên trẻ như tôi không phải không có lúc thấy chán nản, đơn cử như việc bị từ chối cung cấp thông tin, bị áp lực thời gian hay bị “ý kiến” vì những bài viết… Nhưng xét cho cùng, nghề nào chẳng có cái khó, cái nhọc nhằn. Người đi trước có dạy tôi rằng “nghề có phụ ai bao giờ”. Một khi còn sức trẻ và còn nhiệt thành thì cứ cố gắng đổ mồ hôi, nước mắt xông pha.

Tôi hiểu, cái hay dở và đúng sai trong bài viết của mình đều ảnh hưởng rất nhiều tới uy tín của cơ quan, cũng như niềm tin của độc giả. Phóng viên trẻ là người non nớt trong trải nghiệm làm nghề, thiếu kỹ năng làm báo nên điều cần thiết trước hết là phải trau dồi, học hỏi. Những năm qua, tôi đã có hàng trăm chuyến đi, được tiếp xúc với nhiều người, nhiều đề tài ở những môi trường khác nhau. Mỗi lần là một câu chuyện, sự trải nghiệm, là “hơi thở” cuộc sống, ở đó không chỉ là công việc bắt buộc mà còn giúp tôi tích lũy vốn sống và dạy cho bản thân nhiều điều ý nghĩa. Những kỷ niệm buồn, vui trong nghề xem như là những thước phim quay chậm kết nối hiện tại với ký ức...

Đã làm báo, ai cũng có “cái tôi”, cái chất riêng. Nhưng với tôi, học hỏi, âm thầm cố gắng là “kim chỉ nam” mà mình hướng đến. Như chú chim non đang tập những lần bay đầu tiên, tôi hiểu chỉ mới ít năm theo nghề không bao giờ là đủ, bởi nghề báo vốn khắc nghiệt, thậm chí, cho đến khi đã gạo cội vẫn gặp gian nan, rủi ro.

Năm vừa qua, bản thân tôi cực kỳ hạnh phúc bởi may mắn đạt được nhiều thứ trong nghề. Những lần như vậy tôi xem đó là động lực để phấn đấu hơn nữa, chứ không vì thế mà ảo tưởng, mà ỷ lại. Tôi yêu nghề báo, xem cơ quan mình như là “ngôi nhà thứ hai” bởi ở đây luôn có những người chỉ huy thấu hiểu, động viên và có những đồng nghiệp thân tình chia sẻ.

Trong dòng chảy của cuộc sống hiện đại ngày nay, báo chí cũng đang thay đổi từng ngày, từng giờ và cạnh tranh khốc liệt về thông tin. Tự nhủ rằng còn trẻ, khỏe, còn nhiệt huyết với nghề, tôi không bao giờ chùn bước, cần lăn lộn hơn nữa, nỗ lực trau dồi về chuyên môn, học hỏi tôn trọng đồng nghiệp, cố gắng bản thân luôn “mắt sáng, lòng trong, bút sắc” để xứng đáng với nghề.

Con đường vẫn còn dài ở phía trước, hôm nay, đêm mai hay những ngày tháng sau nữa, tôi vẫn sẽ lên đường, nỗ lực hết mình để hoàn thành nhiệm vụ được giao…

 

Nhà báo Trần Tuấn:

Săn “cát tặc”

Những năm gần đây, ở Hải Dương nổi lên việc khai thác cát, đất cao lanh, đất đồi trái phép. “Cát tặc”, “đất tặc” câu kết với cán bộ quản lý pháp luật, quản lý tài nguyên, chính quyền cơ sở đã tha hóa, vì tiền bạc đã bảo kê, bỏ buông, thờ ơ với sai phạm. Họ tổ chức bằng cách bảo kê cho các con tàu hút cát ở tỉnh khác có tải trọng từ 300 đến 1.000 tấn tới mặc sức hút cát, đầy tàu, tính tiền theo tải trọng. Có những đêm, chúng tôi chứng kiến gần 20 tàu lao đến bãi bồi trên sông Kinh Thầy để hút cát. Trên bờ đê, mỗi km có 2 người cảnh giới. Trên sông có ca nô đi lại tuần tra. Việc điều tra cát tặc có chỉ đạo từ Chính phủ, sự vào cuộc của Tổng cục Tình báo, Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (Bộ Công an). Phóng viên được hỗ trợ, ghi hình trực tiếp các tàu đang hút cát.

Các chiến sĩ trong lực lượng của Bộ Công an bố trí cho chúng tôi tiếp cận từ nhiều hướng. “Cát tặc” hoạt động mạnh lúc 12 giờ đêm, nhưng một mũi cơ động đến bãi ngô ven sông từ 5 giờ chiều, bí mật mang theo máy quay phim, máy ảnh. Trên đê, đúng thời điểm các tàu khai thác đông nhất, sử dụng một xe ô tô biển số quen để các đối tượng bảo kê có thể gọi điện. Máy quay phim, máy ảnh, máy ghi âm luôn sẵn sàng. Các đối tượng gọi điện đến là quay rõ số máy, tên người, nội dung cuộc trao đổi. Dưới sông, một tàu giả dạng hút cát với đầy đủ trang thiết bị, đi sát các tàu như tìm điểm hút, nhưng bên trong buồng máy, các nhà báo đã có tư liệu đắt giá. 

Ở nhiều điểm trên các tuyến sông khác, khi tác nghiệp, chúng tôi được bà con mất đất canh tác giấu trong nhà, trong chòi, để đêm đến ra bờ bãi ven sông quay phim, ghi hình. Với đèn pin, gậy gộc, những vũ khí thô sơ, họ bảo vệ các nhà báo, những người đã giữ đất, giữ bãi bồi cho dân.

Từ 2019 trở lại đây, các tuyến sông ở Hải Dương đã bình yên vì Chính phủ chỉ đạo quyết liệt, các cấp, các ngành trong tỉnh đã đồng sức, đồng lòng triệt xóa được nạn “cát tặc”, trong đó có sự đóng góp của lực lượng công an và lực lượng báo chí.

Báo TN&MT