Những kỷ niệm khó quên
Xã hội - Ngày đăng : 08:07, 20/06/2021
Nhà báo Xuân Hợp (ngoài cùng bên phải) |
Nhà báo Xuân Hợp - Phó trưởng Phòng Báo điện tử:
Vinh dự được tác nghiệp tại Đại hội XIII của Đảng
Những ngày diễn ra Ðại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII (Ðại hội XIII) của Ðảng (từ 25/1đến 1/2/2021) là những ngày đội ngũ báo chí bận rộn nhất. Mỗi nhà báo như một người thư ký, truyền đi các hoạt động của Ðại hội đến với các tầng lớp nhân dân ở mọi miền Tổ quốc, kiều bào ở nước ngoài và bạn bè quốc tế, biến tinh thần, ý chí của Ðại hội thành sức mạnh của toàn dân để tiếp tục hành trình đổi mới đất nước và hội nhập quốc tế.
Đây là lần đầu tiên tôi được tác nghiệp ở kỳ Đại hội trọng đại của đất nước. Đó là một vinh dự lớn lao và đầy trách nhiệm. Tôi thực sự ấn tượng với lực lượng phóng viên hùng hậu gồm nhiều “binh chủng” khác nhau như: báo hình, báo in, báo nói, báo điện tử, báo Trung ương, báo địa phương, báo đa phương tiện… nhưng đều có một điểm chung là sở hữu kinh nghiệm nhất định trong tuyên truyền về sự kiện chính trị và các hoạt động của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Thuận lợi nhất khi tác nghiệp Đại hội Đảng XIII là chúng tôi được tác nghiệp trong một Trung tâm Báo chí được tổ chức bài bản, hoành tráng và hiện đại. Trong diện tích khoảng một ngàn mét vuông, Ban Tổ chức bố trí hợp lý, khoa học theo từng khu vực. Trung tâm Báo chí đã hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi cung cấp thông tin, tài liệu để chúng tôi theo dõi và đưa tin về Đại hội XIII một cách chính xác, kịp thời và hiệu quả.
Phải nói rằng, tác nghiệp ở một sự kiện mang tầm quốc gia chắc chắn có những khó khăn. Đơn cử, mỗi khi có một đại biểu xuất hiện tại khu vực báo chí, hàng trăm phóng viên lập tức vây kín. Đại biểu chỉ trả lời được vài ba câu là hết giờ giải lao. Chỉ những phóng viên nhanh tay ghi âm, chụp hình... mới có được thông tin. Trong khi, các tòa soạn đốc phải có bài phỏng vấn, thế là chúng tôi phải vận dụng đủ mọi kỹ năng giao tiếp để xây dựng các tác phẩm ưng ý nhất. Để có được kết quả đó, chúng tôi nhận thấy, sự đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau giữa phóng viên của các đài Trung ương và địa phương rất quan trọng. Trong đó, việc chia sẻ thông tin, chia sẻ hình ảnh, được xem là một yếu tố vô cùng thuận lợi để mỗi phóng viên tác nghiệp đưa tin về Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng một cách nhanh nhất, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ phải có bài gửi về từng ngày theo nội dung, diễn biến của Đại hội.
Dù khá vất vả, mệt mỏi nhưng vì nhiệm vụ, vì trách nhiệm, chúng tôi cũng như tất cả phóng viên đều nỗ lực hết mình để truyền tải thông tin một cách nhanh nhất về tòa soạn. Khi Đại hội vừa kết thúc, tại buổi họp báo tràn đầy hân hoan thành công, nồng ấm tình cảm, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã dành cho chúng tôi những lời ngợi khen và đánh giá cao vai trò của báo chí trong cuộc họp báo quốc tế. Những người “vừa quan sát, vừa viết, vừa nghe, vừa suy nghĩ” đã góp phần không nhỏ vào thành công của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII. Lời động viên đó thực sự là động lực khích lệ mỗi người làm báo chúng tôi luôn vững tin, cố gắng hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao trong thời gian tới.
Nhà báo Phan Thanh Đà Hải (ngoài cùng bên trái) |
Nhà báo Phan Thanh Đà Hải - Phó trưởng Văn phòng đại diện miền Trung:
Làm báo phải biết dấn thân
Tôi viết báo từ khá lâu (năm 1995), nhưng làm báo chuyên nghiệp khoảng 7 năm nay khi gia nhập Báo Tài nguyên & Môi trường.
Kỷ niệm sâu sắc đối với tôi là tác nghiệp tại Festival Huế 2014. Đây không phải là lần đầu tiên tôi tác nghiệp tại Festival Huế, mà đây là lần đầu tiên tác nghiệp dưới danh nghĩa phóng viên Báo Tài nguyên và Môi trường. Khu vực tác nghiệp của phóng viên được Ban Tổ chức bố trí khá xa sân khấu chính, khoảng 200 m. Để chụp được một tấm ảnh ưng ý đã là một việc khó khăn, phóng viên tác nghiệp lại đông nên phải chen chúc nhau chụp hình. Kết thúc đêm khai mạc, xe không vào khu vực Thành Nội được, tôi và phóng viên Lê Xuân Lam cuốc bộ tìm đường ra.
Đêm về khuya, sợ tin bài về Tòa soạn chậm, 2 anh em đến 1 khách sạn, xin nhờ chỗ ngồi và sóng Wifi của khách sạn để viết bài gửi về. Mặc dù mệt, nhưng sau đó về đến nơi nghỉ, vào báo Điện tử thấy bài viết của mình đã được đăng, tôi cảm thấy ấm lòng vì thành quả đạt được.
Sau lần đó, tôi cũng có nhiều chuyến đi tác nghiệp đầy thú vị như: tác nghiệp về biến đổi khí hậu tại Ninh Thuận, vùng đất khô hạn nhất nước; đến xã Cà Dy (huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam) để tìm hiều về Làng Rô, nơi che chở nuôi giấu nhà thơ Tố Hữu cùng nhiều chiến sĩ cách mạng trong những lần băng rừng vượt ngục; loạt bài điều tra quy tập hài cốt liệt sĩ giả ở Quảng Ngãi, khiến Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi chỉ đạo xác minh và yêu cầu di chuyển, xóa 46 phần mộ giả (không có hài cốt liệt sĩ) ra khỏi Nghĩa trang Liệt sĩ tỉnh… Trong lĩnh vực đất đai, với sự điều tra và đăng tải nhiều bài, đã đem lại công lý qua các vụ việc: ông Nguyễn Tiến Dân đòi lại đất cho mẹ là Mẹ Việt Nam anh hùng Trương Thị Thị ở xã Tịnh Hiệp, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi; trả lại quyền sử dụng đất cho HTX Chế biến gỗ 1/5 Quảng Ngãi hay thu hồi sổ đỏ đã cấp trái luật cho dự án Khu du lịch ven biển Hội An - Holiday…
Một ấn tượng khó phai trong đời làm báo là những giải thưởng báo chí đạt được. Với tôi chỉ tham gia giải báo chí 3 năm gần đây, nhưng đều đoạt giải cùng đồng nghiệp. Kỷ niệm khó quên nhất là lần đi nhận giải Đặc biệt xuất sắc giải “Báo chí về biển Đông” năm 2018 với loạt bài: “Chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc” tại Học viện Ngoại giao ngày 2/7/2019.
|
Nhà báo Phạm Văn Hoạch - Văn phòng đại diện miền núi phía Bắc:
Càng đi càng có thêm trải nghiệm
Nghề báo là nghề phải đối mặt với nhiều khó khăn, vất vả, thậm chí là phải chịu áp lực, từ việc đi thực tế để lấy thông tin, cho đến quá trình làm tin, bài, nộp theo đúng thời gian đăng ký. Nhất là trong bối cảnh hiện nay, để nâng cao uy tín, cũng như thu hút bạn đọc, mỗi tờ báo đều cạnh tranh để có được thông tin nhanh nhất, chính xác nhất trước một sự kiện.
Những chuyến đi cơ sở, thâm nhập thực tế, những lần gặp khó khăn, nguy hiểm khi tác nghiệp giúp cho tôi trưởng thành hơn. Kỷ niệm vui buồn trong nghề làm báo với gần 20 năm cầm bút khó mà kể hết được. Vui cùng niềm vui của những cảnh đời khó khăn vì đã giúp đỡ họ thông qua những bài viết của mình. Buồn cùng với nỗi mất mát của những cảnh đời bất hạnh, cũng như cùng chia sẻ với nỗi niềm đau đáu của người dân trước tình trạng khai thác đất trái phép hay chặt phá rừng đang diễn ra.
Còn nhớ, vào tháng 5 năm 2019, trước thông tin tại xã miền núi Hòa Bình, thuộc huyện Hoành Bồ (nay là TP. Hạ Long) Quảng Ninh xảy ra tình trạng chặt phá hàng chục ha rừng tự nhiên. Nhờ sự giúp đỡ của người dân địa phương, mất gần 2 giờ cuốc bộ, lội suối, băng rừng, tôi cùng các đồng nghiệp mới tiếp cận được hiện trường vụ chặt phá rừng. Sau khi quay phim, chụp ảnh hiện trường để làm bằng chứng, cũng như thu thập thông tin, phỏng vấn từ người dân, tôi đã gặp chính quyền địa phương và một số người liên quan để làm rõ các vấn đề. Tuy nhiên, quá trình làm việc với chính quyền xã và Công ty quản lý rừng tỏ thái độ không hợp tác, quanh co, không thừa nhận.
Chỉ đến khi bài báo được xuất bản, đã nhận được sự đồng tình ủng hộ của đông đảo người dân địa phương và bạn đọc, bằng sự vào cuộc tích cực của các cấp chính quyền, cơ quan chức năng, Công ty TNHH Một thành viên Lâm nghiệp Hoành Bồ Quảng Ninh đã thừa nhận những vi phạm trong quá trình trồng rừng thay thế và đã nhanh chóng khắc phục hậu quả, trả lại màu xanh của những cánh rừng.
Chuyện nghề và những kỷ niệm của người làm báo sẽ khó kể hết được, chỉ biết rằng, chúng tôi, những người cầm bút luôn vinh dự tự hào và luôn mong muốn có thêm nhiều tác phẩm hay góp phần xây dựng xã hội ngày càng tốt đẹp hơn.
Phóng viên Bích Hợp (bên trái) |
Phóng viên Bích Hợp - Văn phòng đại diện miền núi phía Bắc:
Trải nghiệm nhọc nhằn nhưng rất tự hào
Nhắc đến nghề báo, có lẽ nhiều sẽ nghĩ đây là một nghề đầy thú vị và hào quang. Điều đó có lẽ đúng nhưng chưa đủ. Với các phóng viên nữ thường trú tại các tỉnh vùng cao, biên giới thì công việc của họ còn chứa đựng nhiều nỗi nhọc nhằn, vất vả… mà chỉ có lòng yêu nghề mới có thể giúp họ vượt qua.
Còn nhớ, năm 2016, khi ấy tôi được Ban Biên tập giao nhiệm vụ thường trú tại Lào Cai. Lần đầu đi làm, tôi đã òa khóc khi chứng kiến chỉ sau một đêm mà mưa lũ đã khiến cho các gia đình sống trong cảnh tang thương. Cảnh người mẹ ngất lịm khi chứng kiến trận lũ kinh hoàng quét qua tổ ấm của mình, 3 đứa con thơ dại bị đất đá vùi lấp. Một gia đình khác, trong đêm tối mưa gió tơi bời, người đàn ông cùng một lúc cả vợ và con anh bị lũ cuốn trôi không tìm thấy xác. Trước nỗi đau quá bàng hoàng, người chồng, người cha ấy đứng bất động nhìn dòng nước chảy và gào thét trong đêm dông bão.
Càng trăn trở hơn, khi vào bản những ngày đông giá rét, nhiệt độ giảm sâu xuống chỉ còn 9 - 10 độ, những đứa trẻ nhỏ mặt nhem nhuốc, chân đất với mảnh áo rách không đủ che tấm thân gầy guộc. Càng đi nhiều, biết nhiều, tôi lại càng thấy mình may mắn và hạnh phúc hơn rất nhiều những mảnh đời khác!
Có những chuyến công tác đi về với bà con dân bản, tôi phải đi đến cả ngày đường, xe máy vượt hàng trăm cây số, vượt núi, băng rừng để tác nghiệp là điều không còn xa lạ với những người làm báo vùng cao như tôi.
Nhưng quả thật, “lửa thử vàng - gian nan thử sức”, mặc dù khó khăn, vất vả, những người làm báo như tôi vẫn ngày đêm hăng say với nghiệp “cầm bút”, vẫn dấn thân trên những vùng đất khó bằng tình yêu nghề mãnh liệt. Để rồi, khi những “đứa con” tinh thần ra đời được độc giả đón nhận, bao nỗi nhọc nhằn đều quên đi hết và tình yêu nghề lại được nhân lên gấp bội.
|
Nhà báo Thanh Tùng - Phòng Báo điện tử:
Chọn nghề báo là chọn công việc gắn liền với những chuyến đi
Nghề báo gắn liền với những chuyến đi. Mỗi chuyến đi là một kỷ niệm làm dầy thêm vốn sống, sự hiểu biết, lòng cảm thông, cho người làm báo cơ hội để hiểu mình và hiểu cuộc đời. Trong rất nhiều chuyến đi suốt gần 10 năm làm báo, chuyến công tác cùng đoàn phóng viên thăm Đài Khí tượng thủy văn (KTTV) Bắc Trung Bộ (TP. Vinh) và những người làm công tác khí tượng trên đảo Hòn Ngư để lại trong tôi nhiều ấn tượng khó quên.
Nói khó quên bởi đây là chuyến đi đầu tiên của tôi với ngành KTTV kể từ khi được phân công theo dõi. Hơn thế, chuyến đi này thực sự giúp tôi hiểu hơn về cuộc sống, công việc của những người làm công tác khí tượng nơi đảo tiền tiêu. Đảo Hòn Ngư chỉ nằm cách bờ biển Cửa Lò chừng hơn 4 km, nhưng để ra tới đảo, chúng tôi phải đi tàu hơn 40 phút. Do vậy, hành trình ra đảo Hòn Ngư trở nên khá gian nan với những phóng viên chưa quen sông nước. Lần đầu tiên tôi biết thế nào là say sóng!
Một điều đặc biệt là trong Đoàn chúng tôi, khá nhiều phóng viên có “duyên nợ” với ngành KTTV. Đó là anh Trần Thiện, phóng viên Thông tấn xã Việt Nam. Với Trần Thiện, về Đài KTTV Bắc Trung Bộ, về Hòn Ngư là về nhà, bởi anh là con cán bộ công tác ở Đài. Anh Thiện sinh ra, lớn lên và gắn bó với Đài Bắc Trung Bộ từ nhỏ và hiểu sâu sắc công việc của những người làm KTTV ở đây. Chị Hoàng Thanh Thủy, phóng viên Báo Công lý cũng vậy. Bố và chị gái chị đều công tác tại Đài khí tượng cao không và hiện đã nghỉ hưu. Em trai chị hiện là Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia. Chuyến đi giúp chị Thủy hiểu hơn về công việc của những người trong gia đình, hiểu hơn về giá trị của mỗi bản tin khi mùa bão về.
Đảo Hòn Ngư giờ vẫn chưa có điện và sóng điện thoại. Ngày 3 “ốp” lên vườn khí tượng trên đỉnh đồi và xuống trạm hải văn sát mặt biển lấy thông số thời tiết, khí hậu “đều như vắt tranh”, bất kể nắng mưa gió bão. Hoàn cảnh sống và làm việc của những quan trắc viên trên đảo Hòn Ngư khiến tôi hiểu hơn cái cảm giác “thèm người” của nhân vật “anh thanh niên” trong truyện ngắn “Lặng lẽ Sa Pa” của nhà văn Nguyễn Thành Long học thời phổ thông. Phóng viên Nguyễn Minh Phương, Báo Lao động Thủ đô đã liên tưởng công việc của các quan trắc viên trên đảo Hòn Ngư với công việc của những chiến sĩ ngoài Nhà giàn: vất vả, thiếu thốn, thiệt thòi, chỉ có sóng nước là bạn. Ai đến đảo Hòn Ngư có lẽ cũng thấy được điều đó.
Chọn nghề báo là chọn công việc gắn liền với những chuyến đi, và người làm báo cũng trưởng thành hơn sau những chuyến đi. Với tôi, chuyến công tác về đảo Hòn Ngư giúp tôi hiểu hơn về những người làm công tác khí tượng và cũng giúp tôi thấy yêu hơn công việc làm báo của mình.
Nhà báo Thanh Ngà (ngoài cùng bên phải) |
Nhà báo Thanh Ngà - Văn phòng đại diện miền núi phía Bắc:
Mỗi hành trình tác nghiệp là một lần tôi luyện và trưởng thành hơn
Đi nhiều, chứng kiến nhiều, cũng từng nhịn đói với đồng bào nên mỗi lần về cơ sở, tôi rất cảm thông và chia sẻ với đồng bào.
Trong chuyến công tác tại huyện Mù Cang Chải vào những tháng mưa bão, đường bị sạt, ô tô không đi được, một bên là suối lũ, một bên là vách núi dựng đứng đất đá đổ ầm ầm, vừa chạy bộ, vừa trên vai vác hành lý để “tăng bo” sang xe khác.
Không quản ngại khó khăn, lăn lộn với cơ sở, phản ánh đầy đủ mọi mặt của đời sống xã hội ở vùng cao, công việc của những phóng viên thường trú không chỉ vượt qua những trở ngại trong quá trình tác nghiệp, mà còn phải sát sao địa bàn để khai thác, “làm nóng” tin bài ở khu vực được gọi là “vùng lõm sự kiện”.
Những năm qua, phóng viên thường trú tại Yên Bái luôn có mặt ở tất cả các địa bàn khó khăn, xa xôi nhất để sống cùng từng sự kiện, hòa vào hơi thở của nhịp sống vùng cao. Có lần nhỡ chuyến xe khách, tôi phải đi nhờ xe tải, rồi chuyển xe ôm trên tuyến đường mà xe khách không chạy qua… Đó là chưa kể những chuyến đi dài ngày, cả tuần lễ, phải tính toán kĩ càng cho công việc gia đình. Khó khăn là vậy, song trong lòng vẫn tự nhủ phải cố gắng, vì mỗi sự kiện phải phản ánh chân thực, nhanh nhạy để đáp ứng yêu cầu thông tin tới độc giả.
Cảm ơn nghề báo, bởi mỗi hành trình đó là một lần được tôi luyện và trưởng thành hơn.
|
Nhà báo Lê Văn Hùng - Văn phòng đại diện miền Nam:
Duyên đến với nghề báo
Khi còn ngồi trên ghế giảng đường, mong ước của tôi là trở thành một giáo viên. Năm tôi tốt nghiệp ra trường, đang lúc loay hoay tìm việc, tình cờ tôi gặp một người anh đồng hương công tác tại một cơ quan báo chí khu vực ĐBSCL.
Sau những tâm sự của anh về nghề báo, tôi quyết tâm trở thành một phóng viên, dùng ngòi bút của mình đưa cuộc sống đời thường vào trang báo. Nghe lời khuyên của anh, tôi đã nộp đơn xin vào làm việc tại Báo Hậu Giang và được lãnh đạo cơ quan nhận ngay, vì thời điểm đó mới chia tách địa giới hành chính TP. Cần Thơ và tỉnh Hậu Giang nên còn thiếu phóng viên tác nghiệp trên địa bàn.
Thời gian đầu công tác tại Báo Hậu Giang, tôi rất bỡ ngỡ với công việc, song nhờ sự dìu dắt tận tình giúp đỡ của đồng nghiệp đi trước, tôi dần dần tiếp cận với công việc và hoàn thành các nhiệm vụ được cơ quan giao phó. Khi những tác phẩm đầu tay được đăng tải, nhân vật trong bài viết gọi điện cảm ơn cùng với sự động viên, khích lệ của đồng nghiệp, tôi thêm hăng say với nghề báo.
Sau hơn 7 năm công tác tại Báo Hậu Giang, với mong muốn thử sức mình ở một môi trường tác nghiệp rộng lớn hơn, năm 2010, tôi đã được Ban Biên tập Báo Tài nguyên và Môi trường nhận làm phóng viên phụ trách một số tỉnh, thành khu vực ĐBSCL. Trong những ngày đầu với môi trường tác nghiệp mới, tôi đã phải đối diện khá nhiều áp lực từ công việc trên địa bàn phụ trách rộng lớn cho đến yêu cầu của công việc đòi hỏi chuyên môn sâu về lĩnh vực tài nguyên và môi trường.
Tuy nhiên, với sự hỗ trợ, giúp đỡ, động viên, khích lệ của lãnh đạo Báo Tài nguyên và Môi trường cộng với sự cố gắng, nỗ lực của chính bản thân nên tôi đã dần bắt nhịp được với cường độ công việc và hoàn thành nhiệm vụ một cách thuận lợi. Đồng thời, tôi cũng từng bước đưa thông tin của Báo TN&MT đến với bạn đọc và thắt chặt mối quan hệ với các Sở, ban, ngành, đặc biệt là với Sở TN&MT các tỉnh, thành khu vực ĐBSCL.
Với vai trò là người làm báo, tôi sẽ tiếp tục tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền về tài nguyên và môi trường, vì đây là lĩnh vực “nóng” được các các địa phương thuộc khu vực ĐBSCL đặc biệt quan tâm.