IMF: Giá sàn carbon toàn cầu sẽ hạn chế sự nóng lên toàn cầu

Thế giới - Ngày đăng : 10:22, 19/06/2021

(TN&MT) - Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) ngày 18/6 cho biết, thỏa thuận của một số hoặc tất cả Nhóm 20 quốc gia về mức giá sàn carbon toàn cầu linh hoạt sẽ giúp kiềm chế nhiệt độ của Trái Đất tăng 2 độ C.

Khói bay lên trời tại một nhà máy lọc dầu ở Wilmington, California, Mỹ. Ảnh: Reuters

“Một thỏa thuận như vậy sẽ liên quan đến một tỷ lệ lớn lượng khí thải carbon dioxide toàn cầu, đánh dấu một bước quan trọng đối với việc cắt giảm khí nhà kính cần thiết. Mức giá sàn carbon chung sẽ ít gây chia rẽ hơn và hiệu quả hơn nhiều so với việc đơn phương áp đặt các điều chỉnh carbon ở biên giới”, Giám đốc điều hành IMF, bà Kristalina Georgieva cho biết trong một sự kiện do Viện Brookings (Mỹ) tổ chức mới đây.

Bà Georgieva nói: “Để góp phần cứu hành tinh, chúng ta phải cùng nhau nỗ lực để ngăn chặn một cuộc khủng hoảng khí hậu biến thành thảm họa. Chúng ta coi giá sàn carbon chung là một lựa chọn khả thi và mang lại một triển vọng thực tế nhằm ứng phó với tình trạng biến đổi khí hậu”.

Ông Victor Gaspar, Giám đốc Tài chính của IMF và ông Ian Parry, đồng tác giả báo cáo trên cho rằng, việc các nước gây ô nhiễm hàng đầu thế giới hành động đồng thời nhằm nâng giá carbon vừa có thể là hành động tập thể chống biến đổi khí hậu vừa giúp giải quyết mối lo ngại về cạnh tranh.

Các chuyên gia cho rằng lượng khí thải phải giảm từ 1/4 đến 1/2 để hạn chế nhiệt độ toàn cầu tăng đến 2 độ C. IMF đã tăng cường nỗ lực về biến đổi khí hậu. Bà Georgieva và các quan chức IMF khác cho rằng các chính sách khí hậu phù hợp cũng có thể mang lại cơ hội to lớn cho các khoản đầu tư, tăng trưởng kinh tế và việc làm xanh.

Báo cáo của IMF đã đưa ra các mô hình khác nhau, đồng thời cho rằng các mức giá sàn carbon chia theo 3 cấp gồm 75 USD, 50 USD và 25 USD/tấn được áp dụng lần lượt đối với các nước phát triển, các nước có thu nhập cao và các nước có thu nhập thấp. Các mức giá này có thể giúp đạt mục tiêu giảm 23% lượng khí phát thải gây hiệu ứng nhà kính vào năm 2030.

Theo IMF, kế hoạch này có thể áp dụng trước tiên ở Nhóm Các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20), sau đó mở rộng sang các nước khác. Mục tiêu ban đầu là hiện thực hóa mục tiêu của Ủy ban Liên chính phủ về biến đổi khí hậu về việc giảm lượng khí phát thải từ 25-50% vào cuối thập kỷ này.

Mai Đan