Tập trung cảnh báo sớm trượt lở, lũ quét cho các điểm có nguy cơ cao
Ngành TN&MT - Ngày đăng : 16:42, 18/06/2021
Qua nghe báo cáo đề xuất các đề tài, dự án sẽ thực hiện trong thời gian tới, Thứ trưởng đề nghị các đơn vị thực hiện Đề án cần tập trung vào các xã trọng điểm, những điểm tập trung dân cư và có nhiều hoạt động kinh tế - xã hội, đặt mục tiêu giảm tỷ lệ sạt lở trong 10 năm tới.
Thứ trưởng Lê Công Thành chủ trì cuộc họp tại điểm cầu trực tuyến Bộ Tài nguyên và Môi trường |
Về tiến độ triển khai, ông Lê Quốc Hùng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam - đơn vị chủ trì Đề án cho biết, Ban Chỉ đạo đã tổ chức đánh giá tất cả các nhiệm vụ đã, đang và chuẩn bị triển khai, trên cơ sở này để phân chia công việc ưu tiên cần làm trong thời gian tới.
Cụ thể, qua tổng hợp từ các đơn vị, khoảng 70% khối lượng kết quả công tác điều tra tình trạng trượt lở, các thông tin liên quan đến địa chất, địa mạo, địa hình, đặc điểm đới phá hủy, địa chất thủy văn, địa chất công trình… đã được nộp về Bộ, là cơ sở để Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam đưa ra các điều tra đánh giá tổng hợp, xây dựng bản đồ phân vùng cảnh báo nguy cơ có độ tin cậy cao.
Trong đó, 2 dự án lớn đã thực hiện là: Dự án Phân vùng lũ quét do Viện Khoa học Khí tượng thủy văn và Biến đổi khí hậu (KTTV&BĐKH) chủ trì, chủ yếu làm cho 14 tỉnh miền núi phía Bắc tỷ lệ 1:100.000; nguy cơ lũ quét cho 23 lưu vực sông chính, 19 tỉnh miền Trung - Tây Nguyên tỷ lệ 1:50.000. Dự án Phân vùng sạt lở đất do Viện Khoa học Địa chất khoáng sản chủ trì, tỷ lệ 1:50.000 trên 25 tỉnh từ miền núi phía Bắc đến Quảng Ngãi; tỷ lệ 1:10.000 cho 64 xã trọng điểm.
Thực tế, đã có các hệ thống cảnh báo lũ quét, sạt lở đất của Ủy hội Sông Mê công quốc tế; hệ thống của 2 viện Khoa học KTTV&BĐKH và ĐCKS thực hiện, chồng với các lớp bản đồ. Tổng cục KTTV đang sử dụng các hệ thống này để thực hiện nghiệp vj cảnh báo lũ quét, sạt lở đất. Ngoài ra, một số tỉnh như Hà Giang, Sơn La, Mù Căng Chải, Hòa Bình, Lào Cai đã được hỗ trợ thí điểm hệ thống công trình cảnh báo sớm cho từ 1 - 3 xã có nguy cơ cao.
Trượt, sạt lở đất đá, lũ bùn đá, lũ ống, lũ quét là các loại hình thiên tai diễn biến nhanh và gây hậu quả nặng nề |
Tổng cục KTTV hiện nay đang đề xuất thực hiện Dự án Phân vùng rủi ro thiên tai và lập bản đồ cảnh báo lũ quét sạt lở đất, sụt lún đất do mưa tại khu vực trung du và miền núi, theo Quyết định 705 của Thủ tướng Chính phủ. Viện Khoa học KTTV&BĐKH cũng đang đề xuất với Bộ KH&CN Dự án tăng cường công tác nghiên cứu, áp dụng công nghệ hiện đại trong công tác cảnh báo sớm lũ quét, sạt lở đất, nguồn vốn sự nghiệp khoa học.
Trong Cương trình Khoa học công nghệ cấp Bộ giai đoạn 2021 - 2025 cũng có 6 nhiệm vụ liên quan, bao gồm: Nghiên cứu xây dựng bộ tiêu chí xác định các khu vực nhạy cảm lũ quét sạt lở đất chủ trì; Nghiên cứu cơ sở khoa học để lựa chọn hệ phương pháp, mô hình phân vùng cảnh báo chi tiết xác định ngưỡng mưa kích hoạt các hiện tượng; Nghiên cứu phân vùng rủi ro thiên tai lũ quét sạt lở đất; Nghiên cứu thiết kế xây dựng hệ thống quan trắc giám sát cảnh báo sớm theo thời gian thực các tỉnh miền núi Trung du Việt Nam; Nghiên cứu thiết kế xây dựng hệ thống thông tin cảnh báo sớm tượt lở đất đá, lũ quét; Nghiên cứu xây dựng quy trình phối hợp với các cơ quan nghiên cứu điều tra; Nghiên cứu thiết kế xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu lớn dùng chung.
Theo ông Lê Quốc Hùng, trước đây, các đề tài, nhiệm vụ khoa học công nghệ thường chia ra 2 khía cạnh trượt lở và lũ quét. Bây giờ, đây có thể xem như hiện tượng đa thiên tai cùng xảy ra trên bề mặt đất và chung yếu tố kích hoạt là mưa. Sau khi đánh giá hiệu quả và nhìn nhận lại các đề án, đề tài nói chung, Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam nhận định, Đề án “Cảnh báo sớm trượt, sạt lở đất đá, lũ bùn đá, lũ ống, lũ quét khu vực miền núi, trung du Việt Nam” nếu có sự kết hợp trượt lở và lũ quét sẽ đem lại hiệu quả cao hơn. Cách tiếp cận Đề án cũng thay đổi nhiều với sự hỗ trợ của công nghệ thông tin trong truyền tin, quản lý, tích hợp số liệu, dữ liệu 2 bên…
Tại cuộc họp, các thành viên Ban Chỉ đạo thuộc Tổng cục Khí tượng thủy văn, Viện Khoa học ĐCKS, Viện Khoa học KTTV&BĐKH cũng đã góp ý xung quanh các nhiệm vụ, đề án đề xuất thực hiện trong thời gian tới.
Thứ trưởng Lê Công Thành nhấn mạnh, Đề án “Cảnh báo sớm trượt, sạt lở đất đá, lũ bùn đá, lũ ống, lũ quét khu vực miền núi, trung du Việt Nam” là 1 gói tổng thể đảm bảo tính thực tiễn, giải quyết thể chế, tổ chức, khoa học và công nghệ. Phải đặt mục tiêu giảm được tỷ lệ sạt lở trong 10 năm tới, tập trung làm điểm chứ không làm trên diện rộng.
Thứ trưởng đề nghị, Ban Chỉ đạo Đề án tiếp tục rà soát để đầu năm sau có kết quả sơ bộ các điểm trọng điểm để tập trung triển khai. Các đề tài, nhiệm vụ thay vì nghiên cứu làm ra mô hình hệ thống cảnh báo sẽ mua các thiết bị để lắp thành các mô hình, từ đó đưa vào văn bản hướng dẫn các địa phương sử dụng. Tất cả các đề tài, dự án khi thực hiện đều phải có các đơn vị, đặc biệt là địa phương sử dụng được ngay. Từ mỗi sản phẩm đề tài, dự án phải ra được văn bản quản lý Nhà nước và phải được cơ quan quản lý Nhà nước chấp nhận.