Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy Khánh Hòa Nguyễn Khắc Toàn: Lấy kinh tế biển làm trọng tâm phát triển
Tài nguyên - Ngày đăng : 12:00, 18/06/2021
Đoàn công tác của Ban Kinh tế Trung ương do ông Trần Tuấn Anh, Uỷ viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương khảo sát thực địa tại Khánh Hoà |
Để làm rõ hơn những chủ trương mà tỉnh hướng tới, phóng viên Báo Tài nguyên và Môi trường đã có cuộc phỏng vấn ông Nguyễn Khắc Toàn - Phó Bí thư trường trực Tỉnh ủy Khánh Hòa về vấn đề này.
PV: Ông đánh giá như thế nào về kinh tế biển, chiến lược phát triển kinh tế biển thời gian qua của Việt Nam? Khánh Hòa đã có những chủ trương, đường hướng phát triển kinh tế biển trong thời gian qua như thế nào?
Ông Nguyễn Khắc Toàn:
Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 4, khóa X về Chiến lược biển Việt Nam, kinh tế biển, các vùng biển và ven biển của Việt Nam đang trở thành động lực để phát triển đất nước. Hệ thống kết cấu hạ tầng đang được quan tâm đầu tư, đời sống vật chất, tinh thần của người dân vùng biển được cải thiện. Nhận thức của toàn hệ thống chính trị, nhân dân về vai trò của biển, đảo đối với phát triển kinh tế, bảo vệ chủ quyền quốc gia đã được nâng lên rõ rệt. Các nghiên cứu khoa học, điều tra cơ bản, quản lý, khai thác, sử dụng, bảo vệ tài nguyên, môi trường biển đã được chú trọng; hệ thống chính sách pháp luật, bộ máy quản lý Nhà nước về biển, đảo từng bước được hoàn thiện và phát huy hiệu quả...
Ông Nguyễn Khắc Toàn - Phó Bí thư trường trực Tỉnh ủy Khánh Hòa |
Nhằm triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) về Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Khánh Hòa đã ban hành Chương trình hành động số 11-Ctr/TW ngày 18/4/2007 của Tỉnh ủy về triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) về Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020 trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa. Đồng thời, chỉ đạo Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh xây dựng Chương trình hành động triển khai thực hiện với những nhiệm vụ cụ thể; phê duyệt các quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và quy hoạch phát triển các ngành kinh tế biển của tỉnh theo đúng quan điểm, mục tiêu, định hướng chiến lược của Nghị quyết 09-NQ/TW về Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020 trên địa bàn tỉnh.
Điều này đã mở hướng đi và lộ trình thực hiện, tạo điều kiện thuận lợi trong quá trình điều hành phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh và thúc đẩy các ngành, địa phương trong tỉnh khai thác tiềm năng, thế mạnh về biển. Từ đó, tạo niềm tin và cơ hội nhằm thu hút đầu tư từ các thành phần kinh tế, nhà đầu tư trong nước và quốc tế tham gia đầu tư vào các ngành kinh tế biển và là tiền đề để Khánh Hòa trở thành tỉnh phát triển về kinh tế biển.
Kết quả thực hiện Chương trình hành động số 11-CT/TW ngày 18/4/2007 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Khánh Hòa đã cho thấy phần lớn các lĩnh vực kinh tế biển được xác định ưu tiên như cảng biển, đóng và sửa chữa tàu biển; du lịch biển; phát triển các khu kinh tế, khu công nghiệp và các cụm công nghiệp gắn với đô thị; kinh tế thủy sản đã được thực hiện theo đúng định hướng đã đề ra, góp phần đưa kinh tế - xã hội ở Khánh Hòa phát triển. Kết cấu hạ tầng vùng biển và đô thị ven biển từng bước được đầu tư. Hệ thống điện lưới quốc gia ven biển đã được chú trọng đầu tư, cải tạo và nâng cấp. Công tác bảo vệ môi trường thực hiện theo đúng quy định của pháp luật, tài nguyên và môi trường biển ổn định. Điều kiện sống của người dân vùng biển từng bước được cải thiện; phát triển kinh tế gắn với củng cố quốc phòng an ninh vùng biển; tình hình an ninh, trật tự, an toàn xã hội cơ bản được đảm bảo, an ninh biển đảo được giữ vững.
Khánh Hòa là một tỉnh có nhiều lợi thế biển, đảo, chiều dài bờ biển tính theo mép nước khoảng 385 km; có gần 200 đảo lớn, nhỏ gần bờ và 3 vịnh nổi tiếng là vịnh Nha Trang, Vân Phong và Cam Ranh. Đây là những điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế, du lịch và dịch vụ biển.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, còn một số vấn đề về kinh tế vận tải biển; thăm dò, khai thác dầu khí, khoáng sản chưa được thực hiện hoặc thực hiện chưa tốt. Việc khai thác tiềm năng, lợi thế để phát triển kinh tế biển vẫn còn bộc lộ những tồn tại, hạn chế như: Việc kêu gọi, thu hút vốn đầu tư cho phát triển kinh tế biển, nghiên cứu khoa học, điều tra cơ bản và bảo vệ tài nguyên, môi trường biển Khánh Hòa còn hạn chế. Nguồn vốn đầu tư cho phát triển hạ tầng, du lịch biển còn dàn trải, thiếu trọng tâm, trọng điểm. Công tác bảo vệ môi trường và bảo vệ tài nguyên biển theo hướng bền vững chưa được nhận thức và hành động một cách đầy đủ, đúng đắn. Phát triển du lịch chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế và kỳ vọng của tỉnh. Công tác tuyên truyền về biển và hải đảo còn đơn điệu. Các nghiên cứu, điều tra cơ bản để xác lập luận cứ khoa học phục vụ công tác quản lý Nhà nước, phát huy tiềm năng, lợi thế về biển và chủ động giảm thiểu tác động và ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai còn hạn chế. Sự tham gia của cộng đồng trong công tác bảo vệ môi trường biển và hải đảo còn mang tính hình thức, phong trào, chưa tạo được thói quen, các mô hình cộng đồng quản lý môi trường biển và hải đảo chưa nhiều, chưa bền vững.
Ông Nguyễn Khắc Toàn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ Khánh Hoà quyên góp ủng hộ đồng bào bị thiệt hại do lũ lụt |
PV: Người Việt thường tự hào với rừng vàng, biển bạc, đất phì nhiêu. Thế nhưng thực trạng hiện nay cho thấy, nếu không thực sự mở cửa hướng ra biển, chúng ta sẽ tụt hậu. Ông nghĩ như thế nào về ý kiến này?
Ông Nguyễn Khắc Toàn:
Cá nhân tôi đồng ý với quan điểm này. Vì như đã nói ở trên, Việt Nam là quốc gia có biển với bờ biển dài, có tiềm năng lớn để phát triển các ngành kinh tế biển như: giao thông vận tải biển; khai thác và chế biến khoáng sản; khai thác, nuôi trồng và chế biến hải sản, phát triển du lịch biển… Đặc biệt, nước ta có lợi thế về giao thông đường biển khi gần các tuyến đường hàng hải quốc tế và khu vực. Đây là điều kiện thuận lợi để Việt Nam phát triển ngành hàng hải, công nghiệp tàu thủy và logistics. Sự hình thành mạng lưới cảng biển cùng các tuyến đường bộ, đường sắt ven biển và nối với các vùng sâu trong nội địa cho phép vận chuyển nhanh chóng, thuận lợi hàng hóa nhập khẩu tới mọi miền của đất nước cũng như đi đến các nước trong khu vực và thế giới. Bờ biển dài với nhiều cửa sông, vịnh nước sâu ven bờ (vũng, vịnh, đầm phá chiếm 60% chiều dài đường bờ biển) có thể xây dựng các cảng biển lớn. Vùng biển Việt Nam nằm tại khu vực có tốc độ phát triển kinh tế cao và là cầu nối giữa nhiều cường quốc kinh tế và chính trị trên thế giới.
Vị trí thuận tiện cho giao thông như vậy rất thuận lợi cho Việt Nam giao thương với thế giới để phát triển. Bên cạnh đó, các tỉnh thành ven biển của nước ta rất thuận lợi để phát triển các khu kinh tế, thu hút đầu tư của nước ngoài để phát triển kinh tế của đất nước. Các nghiên cứu đã cho thấy vùng biển nước ta có nhiều loại hình khoáng sản với trữ lượng khai thác khác nhau thuộc các nhóm: nhiên liệu, kim loại, vật liệu xây dựng, đá quý và bán quý, khoáng sản lỏng. Đặc biệt, dầu khí được khai thác trong những năm qua luôn giữ vai trò quan trọng trong kinh tế biển nói riêng và nền kinh tế của đất nước nói chung.
Khánh Hòa sẽ đẩy nhanh tiến độ xây dựng, quy hoạch phát triển của tỉnh phù hợp với quy hoạch của quốc gia, vùng, làm cơ sở cho định hướng cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong thời gian tới. Trong đó xác định rõ vị trí, vai trò của của Khánh Hòa trong liên kết vùng miền Trung - Tây Nguyên và hành lang kinh tế Đông - Tây. Tập trung phát triển công nghiệp, du lịch biển chất lượng cao và đẩy mạnh phát triển 3 vùng kinh tế trọng điểm của tỉnh và Khu kinh tế Vân Phong... đặc biệt là ưu tiên thu hút các dự án đầu tư sử dụng công nghệ cao, công nghệ mới, thân thiện môi trường.
Ngoài ra, các dạng năng lượng biển như: năng lượng thủy triều, năng lượng sóng… là những tiền đề chúng ta có thể khai thác để phát triển đất nước. Nguồn lợi hải sản trong vùng biển nước ta rất phong phú với nhiều đặc sản có giá trị kinh tế như: tôm, cua, mực, hải sâm, rong biển… Các vũng, vịnh, đầm phá ven biển là môi trường rất thuận lợi để phát triển nuôi các loại đặc sản biển. Đường bờ biển dài với những bãi biển đẹp và hàng nghìn hòn đảo ven bờ đã tạo điều kiện thuận lợi cho Việt Nam phát triển du lịch biển. Sự phong phú, đa dạng về tài nguyên tự nhiên và văn hóa đặc trưng vùng biển, đảo đã tạo ra những tiềm năng to lớn và lợi thế so sánh cho du lịch biển Việt Nam. Những năm gần đây, ngành du lịch biển, hải đảo Việt Nam đang trên đà phát triển, thu hút ngày càng nhiều khách du lịch trong và ngoài nước. Với những lợi thế về đặc điểm địa lý của Việt Nam như vậy, việc mở cửa ra hướng biển là tận dụng và phát huy những tiềm năng, lợi thế về biển để phát triển kinh tế xã hội của đất nước, tránh tụt hậu so với các nước trong khu vực và trên thế giới là định hướng đúng đắn mà Đảng và Chính phủ Việt Nam đã và đang thực hiện.
Ông Nguyễn Khắc Toàn thăm, chúc Tết các gia đình chính sách, hộ nghèo huyện Khánh Sơn |
PV: Thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) về “Chiến lược phát triển kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn năm 2045”, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Khánh Hòa đã đặt ta mục tiêu gì, thưa ông?
Ông Nguyễn Khắc Toàn:
Để triển khai thực hiện có hiệu quả các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp tại Nghị quyết số 36-NQ/TW, Đảng bộ tỉnh Khánh Hòa xây dựng Chương trình hành động số 31-CTr/TW ngày 5/7/2019 với mục tiêu cơ bản đến năm 2030 đưa kinh tế biển và vùng ven biển, đảo của tỉnh Khánh Hòa phát triển mạnh, giữ vai trò, vị trí quan trọng và chủ đạo trong nền kinh tế của tỉnh gắn với củng cố quốc phòng an ninh, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo.
Xây dựng vùng ven biển của tỉnh thành trung tâm du lịch, dịch vụ - công nghiệp - đô thị của tỉnh. Cải thiện, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân vùng ven biển, đảo; đảm bảo an toàn đời sống dân cư và các thành phần kinh tế hoạt động trên biển, ven biển, đảo. Phục hồi và bảo tồn các hệ sinh thái biển quan trọng, ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng; góp phần cùng cả nước thực hiện thắng lợi Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam.
Đến năm 2045, kinh tế của tỉnh Khánh Hòa phát triển bền vững; duy trì chất lượng môi trường đi đôi với phát triển kinh tế - xã hội. Kinh tế biển của tỉnh thay đổi về cơ cấu ngành, nghề theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển du lịch biển, đảo chất lượng cao và các đô thị biển gắn với bảo vệ chủ quyền biển, đảo; đời sống nhân dân vùng biển, đảo được cải thiện và nâng cao chất lượng toàn diện; sử dụng hiệu quả và bền vững tài nguyên biển, đảo; thực hiện đồng bộ các giải pháp để ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu, nước biển dâng.
Khu kinh tế Vân Phong |
PV: Khánh Hòa là tỉnh có tiềm năng rất lớn về biển, theo ông, chúng ta đã thực sự khai thác hết những tiềm năng này?
Ông Nguyễn Khắc Toàn:
Trong số các tỉnh, thành phố có biển, bờ biển Khánh Hòa có những nét đẹp riêng và độc đáo, bờ biển dài với nhiều bãi biển đẹp, nhiều vịnh biển đẹp, sâu và kín gió như Nha Trang, Cam Ranh và Vân Phong. Các vịnh biển của Khánh Hòa đều hội tụ đầy đủ những ưu thế để phát triển ngành kinh tế biển, gồm: cảng biển, giao thông vận tải hàng hải, nghề cá, nuôi trồng thủy sản, du lịch - nghỉ dưỡng - giải trí trên biển. Đặc biệt, một trong những thế mạnh của các vịnh biển ở Khánh Hòa là hệ thống các đảo đa dạng, nhiều đảo đẹp cả cảnh quan trên bờ và dưới nước với các hệ sinh thái biển đặc trưng như san hô, cỏ biển, rừng ngập mặn… để phát triển du lịch sinh thái biển, đảo chất lượng cao.
Các vịnh Cam Ranh, Nha Trang, Vân Phong đều là vịnh sâu, kín gió, cảnh quan đẹp cùng với các đô thị ven biển có tiềm năng phát triển đa ngành, đa lĩnh vực, với cảng trung chuyển container quốc tế, công nghiệp lọc hóa dầu, kết hợp phát triển kinh tế du lịch, dịch vụ, công nghiệp, nuôi trồng hải sản và các ngành kinh tế khác. Vì vậy, các Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Khánh Hòa qua các nhiệm kỳ đều nhấn mạnh vai trò, vị trí, tầm quan trọng của kinh tế biển. Từ đó, tỉnh đã triển khai nhiều chủ trương, chính sách để khai thác có hiệu quả tiềm năng này.
Trong đó tập trung phát triển 3 vùng kinh tế trọng điểm là khu vực vịnh Cam Ranh, Nha Trang và Vân Phong. Tuy nhiên, cho đến nay, Khánh Hòa vẫn chưa khai thác hết các tiềm năng, lợi thế về vị trí địa lý, tài nguyên biển, đảo của tỉnh. Việc phát triển Khu kinh tế Vân Phong chưa đạt được như kỳ vọng đặt ra. Vì vậy, tại Đại hội Đảng bộ tỉnh Khánh Hòa lần thứ XVIII (nhiệm kỳ 2020 - 2025), Nghị quyết Đại hội đã đặt ra mục tiêu đến năm 2025, Khánh Hòa trở thành trung tâm kinh tế biển, trung tâm du lịch, dịch vụ lớn của cả nước.
PV: Trong Chương trình hành động của BCH Đảng bộ tỉnh, thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW có nhấn mạnh đến một số yếu tố như: Quy hoạch một số ngành kinh tế biển chưa đồng bộ, thiếu khả thi; việc huy động các nguồn lực từ các thành phần kinh tế để phát triển kinh tế biển, nghiên cứu khoa học, bảo vệ tài nguyên môi trường biển Khánh Hòa còn hạn chế. Ông có thể nêu cụ thể hơn về vấn đề này?
Ông Nguyễn Khắc Toàn:
Như đã nói ở trên, kết quả thực hiện Chương trình hành động số 11-CT/TW ngày 18/4/2007 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Khánh Hòa đã cho thấy phần lớn các nội dung phát triển kinh tế biển như: cảng biển, đóng và sửa chữa tàu biển; du lịch biển; phát triển các khu kinh tế, khu công nghiệp và các cụm công nghiệp gắn với đô thị; kinh tế thủy sản... đã được thực hiện theo đúng định hướng đã đề ra.
Tuy nhiên, một số ngành kinh tế biển như: Vận tải biển; thăm dò, khai thác dầu khí, khoáng sản đưa vào quy hoạch phát triển nhưng chưa đánh giá được thực trạng, nhu cầu nên trong quá trình triển khai không thực hiện được. Chưa có cơ chế, chính sách nên việc kêu gọi, thu hút vốn đầu tư cho phát triển kinh tế biển, nghiên cứu khoa học, điều tra cơ bản và bảo vệ tài nguyên, môi trường biển Khánh Hòa chưa được thực hiện. Nguồn vốn đầu tư cho phát triển hạ tầng, du lịch biển còn dàn trải, thiếu trọng tâm. Công tác bảo vệ môi trường và bảo vệ tài nguyên biển theo hướng bền vững chưa được nhận thức và hành động một cách đầy đủ, đúng đắn. Công tác tuyên truyền về bảo vệ tài nguyên, môi trường biển, đảo còn đơn điệu. Sự tham gia của cộng đồng trong công tác bảo vệ môi trường biển và hải đảo còn mang tính hình thức, phong trào, chưa tạo được thói quen, các mô hình cộng đồng quản lý môi trường biển và hải đảo chưa nhiều, chưa bền vững.
PV: Vậy các giải pháp để đạt được mục tiêu phát triển kinh tế biển của Khánh Hòa đã được định hướng như thế nào, thưa ông?
Ông Nguyễn Khắc Toàn:
Để đạt được các mục tiêu phát triển kinh tế biển của Khánh Hòa, Đại hội Đảng bộ tỉnh Khánh Hòa lần thứ XVIII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã xác định các giải pháp chính như sau: Tiến hành quy hoạch tổng thể và quy hoạch chi tiết về sử dụng vùng biển, bờ biển, tài nguyên biển của tỉnh để làm cơ sở cho quá trình triển khai xây dựng chiến lược phát triển của các ngành, lĩnh vực kinh tế biển.
Toàn cảnh bờ biển TP. Nha Trang |
Tiếp tục đẩy mạnh phát triển các ngành kinh tế biển nhằm phát huy các lợi thế, tiềm năng của tỉnh và bảo vệ chủ quyền biển đảo, tập trung vào các ngành: dịch vụ du lịch biển, đảo chất lượng cao; công nghiệp, cảng biển, vận tải biển - hàng không; kinh tế đảo; nuôi trồng, khai thác, chế biến thủy sản gắn với xây dựng nông thôn mới. Xây dựng các khu công nghiệp gắn với phát triển các khu đô thị ven biển; phát triển dịch vụ hậu cần nghề cá.
Khánh Hòa cũng sẽ đẩy mạnh công tác quy hoạch, gắn với đầu tư đồng bộ kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển bền vững kinh tế biển; phát triển khoa học công nghệ và nguồn nhân lực phục vụ phát triển kinh tế biển; quản lý toàn diện kinh tế biển, đảo; tuyên truyền phát triển bền vững kinh tế biển gắn với đảm bảo quốc phòng, an ninh trên biển; tăng cường cơ chế, chính sách, huy động nguồn lực đầu tư phát triển kinh tế biển - Huy động và phát huy các nguồn lực để khai thác tối đa, bền vững mọi tiềm năng và lợi thế vùng biển, đảo của tỉnh. Đẩy mạnh ứng dụng, nghiên cứu khoa học công nghệ, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ kinh tế biển nhằm quản lý, khai thác và sử dụng bền vững các nguồn tài nguyên và bảo vệ môi trường biển, ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu, nước biển dâng.
PV: Trân trọng cảm ơn ông!