Thức tỉnh trong đại dịch
Môi trường - Ngày đăng : 11:27, 18/06/2021
Việt Nam được coi là điểm nóng về trung chuyển và tiêu thụ động vật hoang dã (ĐVHD) trên thế giới. Sau khi một trong những nguyên nhân gây ra đại dịch Covid-19 được cho là có thể bắt nguồn từ ĐVHD, Chính phủ Việt Nam đã có các chỉ đạo kiểm soát chặt chẽ hơn nạn buôn bán ĐVHD. Tuy nhiên, tình hình buôn bán ĐVHD tại Việt Nam đến nay vẫn chưa mấy thuyên giảm.
Chưa có dấu hiệu thuyên giảm
Buôn bán ĐVHD tại Việt Nam đến nay vẫn chưa mấy thuyên giảm |
Trước sự kêu gọi của các tổ chức bảo tồn thiên nhiên về việc siết chặt kiểm soát buôn bán ĐVHD nhằm phòng tránh các dịch bệnh trong tương lai, ngày 23/7/2020, Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 29/CT-TTg về một số giải pháp cấp bách quản lý ĐVHD, trong đó, yêu cầu dừng nhập khẩu ĐVHD, kiên quyết xử lý các vi phạm về buôn bán ĐVHD và kiểm soát hoạt động gây nuôi ĐVHD tại các địa phương.
Tuy nhiên, khảo sát nhanh của Trung tâm Con người và Thiên nhiên (PanNature) cho thấy cả trước và sau thời điểm Chỉ thị số 29/CT-TTg được ban hành, tình trạng buôn bán các sản phẩm có nguồn gốc từ ĐVHD tại nhiều địa phương vẫn không có biến chuyển tích cực, một số chợ ĐVHD vẫn hoạt động công khai, thậm chí buôn bán cả các loài động vật quý hiếm, được ưu tiên bảo vệ. Đặc biệt, vấn nạn buôn bán các sản phẩm từ ngà voi rất sôi động, xuất hiện tại nhiều tỉnh thành ở cả ba miền; hoạt động nuôi nhốt ĐVHD tại nhiều trang trại cũng chưa được kiểm soát chặt về mặt thú y, vệ sinh, tiềm ẩn nhiều nguy cơ lây lan dịch bệnh.
Kết quả khảo sát được phản ánh qua Báo cáo “Chưa lối thoát: Nạn buôn bán ĐVHD trước và trong đại dịch Covid-19 tại Việt Nam”. Khảo sát nhanh được thực hiện tại 20 tỉnh, thành trong hai năm 2019 - 2020, trong đó, PanNature tập trung vào các cơ sở, tụ điểm buôn bán ngà voi, hổ, rùa và chim hoang dã. Theo đó, có tới 27/31 địa điểm được khảo sát ghi nhận tình trạng buôn bán bất hợp pháp các sản phẩm từ ngà voi; một số khu chợ tại Đồng bằng sông Cửu Long vẫn buôn bán sôi động các loài rùa, chim và các ĐVHD khác, bao gồm loài quý hiếm.
“Rất nhiều dịch bệnh trong quá khứ đã được chứng minh là do lây nhiễm từ động vật hoang dã. Chính hoạt động buôn bán, vận chuyển, sử dụng bất hợp pháp các loài này đã tạo điều kiện cho việc phát tán, lây lan các ổ virus nguy hiểm. Việt Nam đã và đang thực hiện phòng, chống Covid-19 rất hiệu quả. Tuy nhiên, chúng tôi hy vọng Chính phủ sẽ tiếp tục có những chỉ đạo sát sao hơn nữa nhằm kiểm soát chặt hoạt động buôn bán ĐVHD bất hợp pháp, đặc biệt cần đóng cửa vĩnh viễn những tụ điểm, khu chợ buôn bán ĐVHD bất hợp pháp vốn tồn tại nhiều năm nay, góp phần hạn chế tối đa nguy cơ lây lan, bùng phát các bệnh truyền nhiễm từ động vật trong tương lai.”
Ông Trịnh Lê Nguyên, Giám đốc Trung tâm Con người và Thiên nhiên (PanNature)
Nhằm hạn chế nguy cơ bùng phát các dịch bệnh có nguồn gốc từ động vật, Báo cáo đề xuất một số giải pháp ưu tiên như đóng cửa toàn bộ các chợ, địa điểm buôn bán ĐVHD bất hợp pháp; thắt chặt việc quản lý hoạt động nuôi nhốt ĐVHD vì mục đích thương mại kết hợp với việc nghiên cứu, đánh giá và lập danh mục các loài được phép gây nuôi; kiểm soát hoạt động quảng cáo, giao bán sản phẩm ĐVHD bất hợp pháp trên các phương tiện thông tin đại chúng và nền tảng thương mại điện tử; khuyến khích cơ quan báo chí đẩy mạnh tuyên truyền phòng chống buôn bán ĐVHD bất hợp pháp và không cổ súy các món ăn hay phương thuốc có nguồn gốc từ ĐVHD.
Phía sau những đại dịch chết người
Nếu xét trên phương diện thực phẩm sạch và bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, liệu thịt động vật hoang dã từ rừng có thực sự ngon, bổ và tốt cho sức khỏe như nhiều người từng nghĩ?
Đoàn kiểm tra các cửa hàng buôn bán động vật trên tuyến Quốc lộ N2 |
Thực tế virus là một phần không thể thiếu của môi trường tự nhiên. Không phải tất cả chúng đều là thứ khủng khiếp, kinh dị. Nhưng dựa trên các hồ sơ theo dõi gần đây, các loại virus lây từ động vật sang người đều là những ca rất nghiêm trọng. Cụ thể như SARS, Ebola có nguồn gốc từ dơi. Trong khi HIV có nguồn gốc từ linh trưởng châu Phi.
Nhiều nghiên cứu trên thế giới đã cảnh báo, khoảng 70% bệnh truyền nhiễm từ động vật lây sang con người hiện nay đều có nguồn gốc từ động vật hoang dã, và điều này đã được thấy quá rõ ràng qua các đại dịch xảy ra khắp nơi như HIV, Ebola, and H5N1, SARS, virus đậu mùa, bệnh dại từ dơi xuất hiện ở vùng Amazon, Virus Marburg ở châu Âu.
Không phải 100% các loại thịt hoang dã được tiêu thụ đều nguy hiểm. Bởi hầu hết virus đều chết sau khi vật chủ bị giết. Nhưng mầm bệnh có thể nhảy sang người trong quá trình bắt, vận chuyển, giết mổ. Đặc biệt, mầm bệnh càng có khả năng lây lan nếu vệ sinh kém hoặc không sử dụng thiết bị bảo vệ.
Có thể nói, trải qua hàng thiên niên kỷ gắn bó với các động vật hoang dã, cuối cùng chúng ta cũng bắt đầu hiểu được các kết nối vi sinh vật vô hình giữa con người và động vật. Chúng ta có thể không dự đoán được khi nào và đại dịch tiếp theo sẽ là gì, nhưng có một điều chúng ta biết rõ đó là mỗi người cần sẵn sàng dừng lại việc tiêu thụ thịt động vật hoang dã để tránh làm bùng nổ nguy cơ gây đại dịch trên toàn cầu.
Con người đã và sẽ còn phải điều chỉnh nhiều hơn nữa để xích lại gần nhau, để hài hòa với thiên nhiên. Cùng với và tiếp theo những nỗ lực để chiến thắng trong cuộc chiến chống đại dịch là những nỗ lực đổi thay ngày càng lớn lao hơn, khoa học và nhân văn hơn để làm nên những chiến thắng trong hòa hợp và bảo vệ môi trường. Một đất nước còn nghèo, các nguồn lực còn hạn chế như Việt Nam chúng ta, nhưng từ những người lãnh đạo cao nhất đến người dân bình thường đều đã đồng thuận không đánh đổi môi trường để tăng trưởng kinh tế, đặt sức khỏe và sinh mệnh người dân lên trên hết.
Sự đồng thuận ấy đã, đang và phải biến thành sự sẵn sàng trong mọi bài toán quốc kế dân sinh, trong mọi sự chia sẻ, trong tâm thế và hành động của mỗi người dân.
Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 8 giờ ngày 18/6 (giờ Việt Nam), thế giới ghi nhận tổng cộng 178.182.367 ca mắc COVID-19 , trong đó, có 3.857.429 ca tử vong.
Tính đến 6h ngày 18/6: Việt Nam có tổng cộng 10.564 ca ghi nhận trong nước và 1.667 ca nhập cảnh. Số lượng ca mắc mới tính từ ngày 27/4 đến nay: 8.994 ca, trong đó có 1.879 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.