Doanh nghiệp Cao Bằng nỗ lực sản xuất, kinh doanh mùa dịch Covid-19

Kinh tế - Ngày đăng : 14:09, 17/06/2021

(TN&MT) - Đến thời điểm này, tỉnh Cao Bằng chưa ghi nhận trường hợp nào nhiễm Covid-19, song do diễn biến phức tạp của dịch bệnh trong nước đã ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Cao Bằng. Trước tình hình đó, một số doanh nghiệp của tỉnh Cao Bằng đã chủ động triển khai nhiều giải pháp, khắc phục khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch để duy trì sản xuất, kinh doanh ổn định, bảo đảm môi trường, an toàn sức khoẻ và việc làm, thu nhập người lao động.

Công tác phòng, chống dịch Covid-19 được Công ty cổ phần Gang thép Cao Bằng triển khai nghiêm ngặt, kịp thời, đảm bảo an toàn sức khỏe cho người lao động.

Công ty Cổ phần Gang thép Cao Bằng là một trong những đơn vị có số lượng lớn người lao động, với hơn 800 người. Trước bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, để thực hiện tốt “mục tiêu kép”, Công ty tăng cường kiểm soát người ra vào cổng, kiểm soát chặt chẽ đối tác khách hàng và cán bộ, nhân viên, người lao động Công ty, yêu cầu thực hiện nghiêm túc việc đeo khẩu trang, rửa tay sát khuẩn, đo thân nhiệt, thực hiện khai báo y tế. Chủ động cách ly làm xét nghiệm SARS-CoV-2 theo quy định những cán bộ, nhân viên, người lao động đã đi đến vùng dịch, chi phí xét nghiệm do Công ty chi trả. Tiến hành phun thuốc khử khuẩn định kỳ 2 lần/tuần; kiểm soát chặt chẽ các đơn vị cung cấp thực phẩm; bố trí chỗ ăn hợp lý tại các khu vực sản xuất, hạn chế tập trung đông người.

Ông Nguyễn Văn Phương, Giám đốc Công ty cổ phần Gang thép Cao Bằng cho biết, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường, Công ty đã thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, triển khai nhiều giải pháp kỹ thuật công nghệ phù hợp, từng bước nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh mùa đại dịch. Từ đầu năm 2021 đến nay, Công ty đã sản xuất được 80.756 tấn phôi thép, bằng 36,7% kế hoạch; tiêu thụ trên 84.000 tấn phôi thép, bằng 37,3% kế hoạch. Doanh thu đạt trên 1.127 tỷ đồng; duy trì việc làm cho 815 người lao động với lương bình quân 8,9 triệu đồng/người/tháng. Nộp ngân sách Nhà nước 45,2 tỷ đồng.

Công nhân Công ty cổ phần Gang thép Cao Bằng nghiêm túc thực hiện việc đeo khẩu trang trong hoạt động sản xuất.

Công ty cổ phần Gang thép Cao Bằng đặc biệt quan tâm đến công tác bảo vệ môi trường (BVMT) trong hoạt động sản xuất. Thực hiện nghiêm túc các nội dung đã cam kết trong Báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM), thường xuyên kiểm tra, quan trắc định kỳ về nước thải, khí thải. Công trình BVMT gồm: 9 hệ thống xử lý khí bụi, trong đó, 1 hệ thống lọc bụi tĩnh điện, 1 hệ thống lọc bụi trọng lực, 7 hệ thống lọc bụi túi vải. Khí thải sau khi xử lý đảm bảo theo QCVN được thải qua ngoài ống khói ra môi trường; 4 trạm xử lý tuần hoàn nước. Đối với chất thải rắn và chất thải nguy hại đều có bãi, kho chứa theo quy định và ký hợp đồng với đơn vị có đủ điều kiện để xử lý chất thải.

Là một trong những đơn vị kinh doanh vận tải trên địa bàn tỉnh Cao Bằng, vào thời điểm gần 2 năm xảy ra dịch bệnh Covid-19, Công ty cổ phần Vận tải Hòa Bình Cao Bằng đã gặp rất nhiều khó khăn. Ông Trần Danh Bình, Giám đốc Công ty cổ phần Vận tải Hòa Bình chia sẻ, Công ty có gần 100 người lao động, hơn 30 đầu xe buýt. Từ đầu năm 2021 đến nay, trước dịch bệnh Covid-19 bùng phát nên số lượng hành khách giảm mạnh, đơn vị đã xin tạm dừng hoạt động từ ngày 14/5/2021. Mặc dù tạm dừng hoạt động, không có doanh thu nhưng đơn vị vẫn tham gia đóng bảo hiểm đầy đủ, đảm bảo quyền, lợi ích cho người lao động trong Công ty.

Mặc dù đã xin tạm ngừng hoạt động vận tải, không có doanh thu, nhưng Công ty cổ phần Vận tải Hòa Bình vẫn phải chi phí để bảo dưỡng, duy tu các đầu xe buýt.

Tác động từ dịch bệnh Covid-19 đã ảnh hưởng rất lớn đến kết quả kinh doanh của Công ty cổ phần Vận tải Hòa Bình. Năm 2020, doanh thu của Công ty giảm 80%; đến năm 2021, doanh thu giảm 90% so với cùng thời điểm những năm không có dịch. Giám đốc Công ty cổ phần Vận tải Hòa Bình Trần Danh Bình cho biết thêm, tạm ngừng hoạt động vận tải, không có doanh thu, Công ty vẫn phải chi phí bảo dưỡng, duy tu các đầu xe buýt. Theo định kỳ vẫn phải đóng đầy đủ các loại thuế, phí đường bộ nên Công ty gặp rất nhiều khó khăn. “Nếu dịch bệnh còn kéo dài, hoạt động kinh doanh vận tải của Công ty sẽ bị đình trệ và thiệt hại là vô cùng lớn. Mong, Nhà nước tiếp tục có chính sách ưu đãi để duy trì hoạt động kinh doanh trong thời gian khó khăn này”. Ông Trần Danh Bình bày tỏ.

Với tinh thần đồng hành, sẻ chia cùng doanh nghiệp vượt qua khó khăn trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19, các sở, ngành tỉnh Cao Bằng tích cực vào cuộc triển khai nhiều giải pháp, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. 

Bà Lê Thị Kiều Vân, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Cao Bằng cho biết, Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Cao Bằng đã chỉ đạo các ngân hàng trên địa bàn tỉnh nghiêm túc thực hiện các chính sách ưu đãi tín dụng, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi phí, giữ nguyên nhóm nợ, cho vay mới đối với khách hàng gặp khó khăn do dịch bệnh Covid-19.

Tính đến ngày 31/5/2021, các ngân hàng trên địa bàn tỉnh đã hỗ trợ cho 31 khách hàng miễn giảm lãi vay, với dư nợ 385 tỷ đồng; 744 khách hàng được cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ, với dư nợ 102,8 tỷ đồng; 275 khách hàng được cho vay mới theo các chương trình ưu đãi của các ngân hàng, với dư nợ 315 tỷ đồng…

Song song với việc hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện “mục tiêu kép”, tỉnh Cao Bằng đặc biệt chú trọng tăng cường công tác quản lý nhà nước về BVMT trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của các đơn vị. Công tác thẩm định ĐTM; cấp giấy xác nhận công trình BVMT; cấp sổ đăng ký chủ nguồn thải chất thải nguy hại; công tác kiểm tra, giám sát các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực hiện sau khi có Quyết định phê duyệt ĐTM, cam kết BVMT được triển khai chặt chẽ, đảm bảo đúng quy định. Công tác thanh tra, kiểm tra xử lý vi phạm đối với các đơn vị sản xuất, kinh doanh được tăng cường, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về BVMT.

Cùng với sự chủ động của doanh nghiệp, tỉnh Cao Bằng đã triển khai đồng bộ, kịp thời, linh hoạt các giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn sản xuất, kinh doanh trong bối cảnh đại dịch Covid-19. Nhờ đó, cơ bản các đơn vị doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Cao Bằng vẫn tiếp tục duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh ổn định, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Cao Bằng.

“Theo báo cáo của tỉnh Cao Bằng, năm 2020, tỉnh Cao Bằng đã tiến hành thanh tra, kiểm tra 20 cuộc, với 21 đối tượng là tổ chức, 13 đối tượng là cá nhân; trong đó, riêng đối với lĩnh vực môi trường 2 cuộc. Kết quả, 1 cá nhân và 1 tổ chức vi phạm không có kế hoạch BVMT được cơ quan có thẩm quyền xác nhận, tiến hành xử phạt với tổng số tiền 72,5 triệu đồng. Công tác thẩm định ĐTM đã tiếp nhận và giải quyết thủ tục 20 hồ sơ, phê duyệt được 9 hồ sơ ĐTM; đã giải quyết, trình UBND tỉnh cấp 5 giấy xác nhận hoàn thành công trình BVMT…” 

 

 

Nguyễn Hùng