Lưu trữ và phục hồi đất

Đất đai - Ngày đăng : 14:07, 17/06/2021

(TN&MT) - Ngày Thế giới chống sa mạc hóa 17/6/2021 có chủ đề “Lưu trữ và phục hồi đất” tập trung vào các phương pháp và giải pháp để cải tạo đất bạc màu thành đất tốt.

Làm chậm lại và đảo ngược tình hình sa mạc hóa

Dưới tác động của biến đổi khí hậu, những tác động trong dài hạn của hạn hán đối với các hệ sinh thái ngày càng trở nên sâu sắc, suy thoái đất và sa mạc hóa đang tăng tốc với mức độ ngày càng đáng lo ngại.

Chủ đề Ngày Thế giới chống Sa mạc hóa và hạn hán 2021: Lưu trữ và phục hồi đất

Trên toàn cầu, 1/5 diện tích đất, hơn 2 tỷ ha bị suy thoái, bao gồm hơn một nửa diện tích đất nông nghiệp. Nếu con người không thay đổi cách quản lý đất, hơn 90% có thể bị thoái hóa vào năm 2050. Suy thoái đất tác động tiêu cực đến 1/5 diện tích đất trên hành tinh và sinh kế của 3,2 tỷ người, tương đương với 40% dân số toàn cầu.

Tuy nhiên, cũng có tín hiệu khả quan khi Ban Thư ký Công ước chống sa mạc hóa của Liên Hợp Quốc (UNCCD) chỉ ra, khoảng 1 tỷ ha đất vẫn có thể được phục hồi trong vòng 10 năm tới để đảo ngược quá trình suy thoái này.

Vfi vậy, Ngày Quốc tế chống sa mạc hóa và hạn hán (17/6) được Ban Thư ký UNCCD đặt trọng tâm vào việc cải tạo, phục hồi đất bị suy thoái. Phục hồi diện tích đất kém chất lượng mang lại khả năng phục hồi kinh tế, tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập và an ninh lương thực. Đồng thời, đây cũng là động lực cho việc phục hồi đa dạng sinh học, giảm lượng khí nhà kính trong khí quyển đang làm nóng Trái đất, giảm tốc độ biến đổi khí hậu. 

Phòng tránh, làm chậm lại và đảo ngược việc mất đất sản xuất và các hệ sinh thái tự nhiên là rất cần thiết và quan trọng trong thời điểm hiện nay để có một khoảng phục hồi nhanh chóng từ đại dịch, đồng thời là tấm vé đảm bảo sự sinh tồn lâu dài của loài người và hành tinh.

Phục hồi đất bạc màu mang lại khả năng phục hồi kinh tế, tạo việc làm, nâng cao thu nhập và tăng an ninh lương thực. Hơn nữa, phục hồi đất có thể phục hồi lại đa dạng sinh học, giúp ngăn chặn lượng carbon trong khí quyển làm Trái đất nóng lên, làm chậm sự biến đổi khí hậu, giảm tác động của biến đổi khí hậu và củng cố quá trình phục hồi sau đại dịch COVID-19. 

Việt Nam có 7,6  triệu ha đất hoang mạc hóa

Hiện, Việt Nam có khoảng 7,6 triệu ha đất đang chịu tác động của thoái hóa, hoang hóa dẫn tới sa mạc hóa. Miền Trung cũng có khu vực đất đai bị thoái hóa trên tiến trình trở thành hoang địa cằn cỗi.

Sa mạc hóa là thách thức lớn đối với nền nông nghiệp của nước ta hiện nay

Hiện tượng sa mạc hóa cục bộ ở các dải cát hẹp trải dài dọc theo bờ biển miền Trung, từ Quảng Bình đến Bình Thuận là nơi có diện tích sa mạc hóa lớn nhất cả nước. Tại các tỉnh miền núi phía Bắc, nơi còn nhiều vùng đồi núi trọc đang bị mưa lũ làm lở đất, xói mòn và suy thoái đến khô cằn hoang mạc. Đây là những vấn đề đáng lo ngại, là thách thức lớn đối với nền nông nghiệp của nước ta hiện nay.

Ngoài thực trạng phá rừng, đốt cây cỏ làm nương rẫy, việc khai thác bừa bãi các mỏ quặng, mỏ than cũng gây ra sa mạc hóa cục bộ. Quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa diễn ra nhanh chóng khiến mỗi năm chúng ta mất trên 100.000 ha đất nông nghiệp loại tốt, chủ yếu là đất lúa ở các tỉnh Đồng bằng và Việt Nam đã trở thành một trong những quốc gia có ít đất nông nghiệp nhất trên thế giới (đứng thứ 159 thế giới từ năm 2002).

Nếu không có cách ứng xử kịp thời và hiệu quả thì tần suất và mức độ của hoang mạc hóa, sa mạc hóa ở Việt Nam sẽ còn diễn biến phức tạp, gây mối đe dọa lớn cho đất đai nông nghiệp và tác động đến vấn đề tranh chấp, khiếu kiện về đất đai - hiện là một trong những vấn đề “nóng” nhất ở Việt Nam.

Tập trung khôi phục diện tích sa mạc hóa

Việt Nam đã tham gia Công ước quốc tế về phòng- chống sa mạc hóa nhằm nâng cao đời sống cho cộng đồng dân cư. Để giải quyết tình trạng này, giải pháp hiệu quả nhất là trồng rừng khôi phục lại diện tích bị tàn phá.

Trồng rừng giải pháp hiệu quả nhất nhằm khôi phục lại diện tích bị tàn phá

Theo Bộ NN&PTNT, Việt Nam đã có những thành tựu rất lớn từ việc chống sa mạc hóa. Từ “đáy” về tỉ lệ che phủ rừng vào năm 1993 (27,8%), đến nay chúng ta đã có tỷ lệ che phủ rừng lên đến 42%, trong khi trung bình của thế giới là 31%.

Đáng chú ý, ngành lâm nghiệp tiếp tục có những chiến lược, chương trình và kế hoạch để nâng cao chất lượng của rừng cây che phủ, tạo lập một hệ sinh khối xanh trên mặt đất thông qua bảo vệ rừng tự nhiên (10,3 triệu ha) và trồng rừng gỗ lớn (hiện có 300.000 ha, cần đạt khoảng 1 triệu ha vào năm 2030). Thực hiện được điều này không những phát huy chức năng bảo tồn nhiên nhiên, duy trì và nâng cao độ phì của đất, mà còn cung cấp nguyên liệu cho chế biến và thương mại lâm sản, xuất khẩu ra thị trường ngoài nước.

Phòng chống suy thoái đất không chỉ giới hạn ở ngành lâm nghiệp mà thể hiện ở toàn ngành nông nghiệp. Theo đó, việc phát triển nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp hữu cơ chính là tiếp cận đúng đắn, thể hiện tư duy kinh tế thân thiện với môi trường. Điều này có thể thấy ở nhiều chương trình có tầm nhìn xa của Chính phủ, điển hình như Nghị quyết số 120/NQ-CP của Chính phủ về phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu được ban hành ngày 17/11/2017. Đây là Nghị quyết không chỉ mang tính chất ứng phó với những tác động tiêu cực của khí hậu, mà nó còn là tiền đề để điều chỉnh hành vi sản xuất, canh tác theo hướng thuận thiên, giữ và cải tạo tự nhiên theo hướng tích cực.

 Có thể thấy rõ, sau quá trình tìm tòi và nỗ lực bền bỉ, canh tác trên những vùng đất khô hạn, có dấu hiệu suy thoái, những sản vật như thanh long, nho, tỏi, mắc ca hay thậm chí những cây thân gỗ như xoan chịu hạn đã mang lại thu nhập kinh tế cho người dân.

Không chỉ vậy, nhiều vùng cát ở duyên hải miền Trung như Quảng Trị, Quảng Bình, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Phú Yên, Ninh Thuận, Bình Thuận đã dần hồi sinh, chuyển từ trạng thái "cát" sang "đất" với màu xanh bạt ngàn của rừng phi lao, keo lá liềm ven biển”.

 Bộ Môi trường (MINAE) của Costa Rica là đơn vị đăng cai tổ chức sự kiện Ngày Thế giới chống sa mạc hóa và hạn hán năm 2021 nhằm khuyến khích các hộ gia đình, các cộng đồng bao gồm cả khu vực tư nhân và các quốc gia có mối quan tâm, quan hệ tốt hơn với thiên nhiên  sau  phục hồi từ COVID-19.

Vào ngày 14/6, Hội nghị Đối thoại cấp cao của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc về sa mạc hóa, suy thoái đất và hạn hán đã được tổ chức. Sự kiện này đã được phát trên UN Web TV (trang web, kênh truyền thông chính thức của Liên Hợp Quốc) và trang Facebook của UNCCD. 

Phương Anh