Phú Thọ phấn đấu đến 2030 có 100% gia đình hiểu biết kỹ năng phòng tránh thiên tai
Biến đổi khí hậu - Ngày đăng : 06:37, 10/06/2021
Phú Thọ đẩy mạnh tuyên truyền để người dân hiểu biện pháp phòng chống thiên tai |
Kế hoạch đề ra mục tiêu cụ thể đến năm 2030 là giảm thiệt hại do thiên tai gây ra, trong đó tập trung bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân khi có thiên tai, giảm 50 % thiệt hại về người do lũ quét, sạt lở đất so với giai đoạn 2011 - 2020; thiệt hại về kinh tế do thiên tai thấp hơn giai đoạn 2011 - 2020, không vượt quá 1,2 % GRDP của tỉnh.
Chủ động rà soát, tham gia ý kiến và đề xuất các nội dung nhằm hoàn thiện hệ thống chính sách về phòng chống thiên tai bảo đảm đồng bộ, thống nhất, tạo hành lang pháp lý đầy đủ cho quản lý, chỉ đạo, chỉ huy và triển khai công tác phòng chống thiên tai, cứu hộ cứu nạn.
Tổ chức lực lượng làm công tác phòng chống thiên tai được kiện toàn theo hướng tinh gọn, chuyên nghiệp, bảo đảm hiệu lực, hiệu quả; phương tiện, trang thiết bị phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tiên tiến, hiện đại, đáp ứng yêu cầu cứu hộ, cứu nạn.
Phấn đấu 100% cơ quan chính quyền các cấp, tổ chức và hộ gia đình được tiếp nhận đầy đủ thông tin và hiểu biết kỹ năng phòng tránh thiên tai; lực lượng làm công tác phòng chống thiên tai được đào tạo, tập huấn, trang bị đầy đủ kiến thức và trang thiết bị cần thiết; 100% tổ chức, hộ gia đình, cá nhân đảm bảo các yêu cầu theo phương châm “4 tại chỗ” (chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; phương tiện, vật tư tại chỗ và hậu cần tại chỗ).
Phú Thọ cung đặt mục tiêu tiếp tục nâng cao năng lực theo dõi giám sát, dự báo, cảnh báo, phân tích thiên tai.
Đầu tư, nâng cấp cơ sở dữ liệu phục vụ chỉ đạo điều hành phòng chống thiên tai theo hướng đồng bộ, liên thông, theo thời gian thực; cơ quan chỉ đạo điều hành phòng chống thiên tai cấp tỉnh hoàn thiện cơ sở dữ liệu phòng chống thiên tai; 100% khu vực trọng điểm, xung yếu phòng chống thiên tai được lắp đặt hệ thống theo dõi, giám sát.
Người dân được bảo đảm an toàn trước thiên tai, nhất là bão, lũ, sạt lở đất, lũ quét. Khả năng chống chịu của cơ sở hạ tầng, công trình phòng chống thiên tai, nhất là hệ thống đê điều, hồ đập đảm bảo an toàn trước thiên tai theo mức thiết kế, không làm gia tăng nguy cơ rủi ro thiên tai.
Chủ động ứng phó với mưa, dông, lốc, sét, mưa đá, gió giật mạnh, lũ quét và sạt lở đất
Trước đo, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Phú Thọ đã ban hành văn bản số 24/BCH-VPTT về việc chủ động ứng phó với mưa, dông, lốc, sét, mưa đá, gió giật mạnh, lũ quét và sạt lở đất.
Theo dự báo của Đài khí tượng thủy văn Việt Bắc, do ảnh hưởng của rãnh áp thấp kết hợp với hội tụ gió trên mực 1.500m nên từ đêm ngày 3/6 đến ngày 4/6/2021, khu vực tỉnh Phú Thọ có mưa, mưa vừa và dông, cục bộ mưa to với lượng mưa phổ biến 30 - 70mm/đợt, có nơi 80mm/đợt; cảnh báo từ đêm 6/6/2021 đến đêm ngày 9/6/2021, ở khu vực Phú Thọ có khả năng xảy ra một đợt mưa dông diện rộng.
Thực hiện Công điện số 02/CĐ-TW hồi 10 giờ 00 ngày 3/6/2021 của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTT Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và TKCN, để chủ động ứng phó với mưa, dông, lốc, sét, mưa đá, gió giật mạnh, lũ quét, sạt lở đất; Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh đề nghị Ban Chỉ huy PCTT&TKCN các huyện, thành, thị; Công ty TNHH Nhà nước Một thành viên Khai thác công trình Thủy lợi Phú Thọ thường xuyên theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa, dông, lốc, sét, lũ, lũ quét, sạt lở đất và các bản tin dự báo, cảnh báo thiên tại của các cơ quan chuyên ngành, thông tin kịp thời đến các xã, phường, thị trấn, người dân để chủ động các biện pháp phòng tránh.
Kiểm tra, rà soát nơi ở không an toàn, các khu dân cư ven sông, suối, khu vực bãi sông, hạ lưu hồ, đập, vùng trũng thấp, khu vực có nguy cơ sạt lở, lũ quét để chủ động sơ tán người và tài sản đến nơi an toàn.
Tổ chức kiểm tra, triển khai các biện pháp bảo vệ đê điều, các công trình đang thi công, các hồ chứa, đặc biệt tại các hồ chứa có nguy cơ mất an toàn, kiểm tra vận hành các cống dưới đê sông, đê ngòi, các trạm bơm; hướng dẫn người dân và phương tiện qua lại các ngầm tràn, các đoạn đường giao thông thường xuyên bị ngập sâu, sạt lở, bến đò ngang, đò dọc để đảm bảo an toàn.
Tổ chức trực ban nghiêm túc, thường xuyên báo cáo kịp thời tình hình diễn biến thiên tai thiệt hại và công tác ứng phó về Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh.