Bắc Giang thiết lập “vùng đệm an toàn” để tổ chức sản xuất

Kinh tế - Ngày đăng : 09:28, 16/06/2021

(TN&MT) - Quyết tâm thực hiện “nhiệm vụ kép”, vừa phát triển kinh tế, vừa phòng, chống dịch theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, tỉnh Bắc Giang đang thực hiện nhiều giải pháp như giãn mật độ lao động, cho phép doanh nghiệp sản xuất trở lại, tăng cường xét nghiệm COVID-19 để sớm đưa cuộc sống trở lại bình thường. Đồng thời, chú trọng công tác xử lý chất thải y tế phát sinh, đảm bảo tránh lây lan dịch bệnh.

Các công nhân được bố trí ăn, ngủ ngay tại công ty tạo thành một mô hình khép kín

Mô hình quản lý công nhân đảm bảo an toàn để sản xuất

Để đảm bảo vừa chống dịch hiệu quả, vừa phát triển kinh tế, không làm đứt gãy chuỗi sản xuất, thời điểm này, nhiều doanh nghiệp đã đón công nhân quay trở lại làm việc. Đến nay, tỉnh Bắc Giang đã cho phép 111 doanh nghiệp (với 16.469 lao động dự kiến đi làm trở lại) đủ điều kiện sản xuất an toàn phòng chống dịch hoạt động trở lại.

Bên cạnh việc thực hiện nghiêm các quy định của Bộ Y tế, Ban quản lý các khu công nghiệp còn thiết lập “vùng đệm an toàn” hay còn gọi là vùng trung chuyển an toàn. Mô hình này đang được doanh nghiệp triển khai rất bài bản với việc thiết lập quy trình quản lý chặt chẽ, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người lao động trước khi quay trở lại làm việc.

Trước khi đón, người lao động được thông báo đến các khu vực xét nghiệm mà doanh nghiệp đã bố trí để làm test nhanh sàng lọc. Trường hợp âm tính được doanh nghiệp đón ngay về công ty để ở tại vùng đệm theo dõi sức khỏe và tiếp tục lấy mẫu xét nghiệm, tiêm vắc-xin và cách ly theo nhóm. Xe đón công nhân tối đa 22 người/xe, đảm bảo ngồi giãn cách. 

Tại khu cách ly tập trung của doanh nghiệp, công nhân được đo thân nhiệt, khử khuẩn toàn bộ người và tư trang trước khi di chuyển vào bên trong. Bên cạnh đó, mỗi công nhân sẽ được cấp mã số định danh dán trên điện thoại từng người nhằm quản lý hàng ngày, tránh nhầm lẫn trong khu cách ly. Sau đó, người lao động sẽ ở trong khu lưu trú tạm thời trong doanh nghiệp, nơi đây được gọi là “vùng đệm an toàn”.

Chị Cầm Thanh Thủy, nhân viên an ninh thuộc Tập đoàn Hồng Hải cho biết: “Công nhân trong khu lưu trú tạm thời phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định của doanh nghiệp như đảm bảo khoảng cách an toàn, đeo mã thẻ định danh, nhằm đảm bảo không lây nhiễm chéo trong thời gian lưu trú tạm thời. Công nhân sẽ lưu trú từ 3-5 ngày trong thời gian chờ kết quả xét nghiệm SARS-CoV-2, chỉ ai có kết quả âm tính mới vào làm việc trong phân xưởng”.

Ông Dương Chí Nam, Tổ trưởng Tổ cách ly y tế và xử lý môi trường thuộc Bộ phận thường trực đặc biệt của Bộ Y tế tại tỉnh Bắc Giang đánh giá: Các doanh nghiệp đã đi vào sản xuất áp dụng mô hình công nhân ở tại chỗ, sản xuất tại chỗ. Việc này không những giúp từng bước khôi phục sản xuất, ổn định cuộc sống cho người lao động mà còn góp phần giảm tải cho các khu cách ly xã hội. Bởi cũng với số lượng công nhân đó, thay vì đưa đi cách ly tập trung tại các cơ sở cách ly, sẽ đưa vào cách ly ngay trong các phân xưởng, nhà máy, vừa thực hiện cách ly vừa tham gia sản xuất.

Triển khai nhiều biện pháp quản lý chất thải

Để đảm bảo công tác phân loại, thu gom, vận chuyển, xử lý nước thải, chất thải phát sinh do dịch bệnh COVID-19 từ các cơ sở, địa phương, ông Lê Ánh Dương - Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang cho biết: Tỉnh đã chỉ đạo, yêu cầu các cơ sở y tế, bệnh viện dã chiến, cơ sở điều trị và chăm sóc bệnh nhân, khu xét nghiệm, khu vực cách ly trong tỉnh thực hiện nghiêm các quy định của Bộ Y tế, Bộ Tài nguyên và Môi trường về quản lý chất thải y tế.

Công tác phun xịt khử khuẩn các thùng chứa chất thải đảm bảo được làm thường xuyên và liên tục

Đồng thời, yêu cầu UBND các huyện, thành phố, cơ sở y tế, bệnh viện dã chiến, khu vực điều trị và chăm sóc bệnh nhân, khu xét nghiệm, khu vực cách ly phải bố trí bộ phận phụ trách vấn đề môi trường. Làm tốt việc thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải sinh hoạt, chất thải y tế phát sinh tại cơ sở, địa phương theo hướng dẫn của các cơ quan chức năng, đảm bảo không để tồn đọng, phát sinh dịch bệnh, ô nhiễm môi trường.

UBND tỉnh yêu cầu Bệnh viện dã chiến số 2 bố trí, lắp đặt ngay đường ống hoặc sử dụng téc chứa để khử khuẩn nước thải sinh hoạt và nước thải y tế bằng Clorin viên nén, nồng độ 90% trước khi đưa về bể chứa nước thải tập trung và tiếp tục được khử trùng bằng Clorin. Thường xuyên phun khử khuẩn khu vực bể chứa nước thải, bố trí vị trí thuận lợi để đơn vị có chức năng đến vận chuyển nước thải từ bể chứa đi xử lý; nghiêm túc thực hiện việc thu gom, phân loại, quản lý chất thải rắn phát sinh tại bệnh viện theo quy định.

Bên cạnh đó, tỉnh đã chỉ đạo Công ty Cổ phần Quản lý công trình đô thị Bắc Giang bố trí xe bồn để thu gom, vận chuyển trong ngày đối với toàn bộ nước thải sinh hoạt, nước thải y tế phát sinh của Bệnh viện dã chiến số 2 đến xử lý tại Nhà máy xử lý nước thải tập trung của TP. Bắc Giang hoặc Trạm xử lý nước thải tập trung của các Bệnh viện.

Ngoài ra, UBND tỉnh yêu cầu Công ty Cổ phần Xử lý, tái chế chất thải công nghiệp Hòa Bình tích cực phối hợp, hỗ trợ tỉnh trong việc thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải y tế phát sinh do dịch bệnh Covid-19 từ các địa phương, cơ sở y tế, Bệnh viện dã chiến, cơ sở điều trị và chăm sóc bệnh nhân, khu xét nghiệm, khu vực cách ly và doanh nghiệp đang bị phong tỏa, cách ly y tế trên địa bàn tỉnh Bắc Giang.

 

Hoàng Ngân