Nhanh chóng ổn định việc làm, nâng cao mức sống của công nhân lao động

Xã hội - Ngày đăng : 22:13, 15/06/2021

(TN&MT) - Việc làm và đời sống của công nhân lao động nói riêng, người lao động nói chung là hai vấn đề song song được đề cập trong Chỉ thị 16/CT-TTg ngày 14/6/2021 của Chính phủ, đặc biệt đặt trong điều kiện vượt qua khó khăn do ảnh hưởng dịch Covid-19 để phát triển bền vững, dài lâu.

Ổn định việc làm cho người lao động trong bối cảnh đại dịch Covid-19 là yêu cầu hết sức quan trọng mà Chính phủ luôn quan tâm

Trong những năm qua, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, công tác bảo đảm việc làm bền vững, cải thiện điều kiện làm việc, nâng cao mức sống của người lao động đã tạo nhiều chuyển biến tích cực, số lượng công nhân lao động có việc làm tăng 26%, trong đó việc làm bền vững, thu nhập tăng đều qua các năm; đời sống của công nhân lao động ngày càng được cải thiện; điều kiện làm việc, an toàn vệ sinh lao động đã được chú trọng; các tiêu chuẩn lao động quốc tế cơ bản được áp dụng ngày càng phổ biến trong các doanh nghiệp.

Tuy nhiên, một bộ phận không nhỏ công nhân lao động vẫn chưa có việc làm ổn định, phù hợp; điều kiện làm việc ở nhiều doanh nghiệp và đời sống của công nhân lao động chưa được cải thiện, có nơi còn yếu kém.

“Hiện nay, do ảnh hưởng dịch Covid-19 dẫn đến một số doanh nghiệp, xí nghiệp, nhà máy đang đứng trước khó khăn như khan hiếm nguồn cung ứng nguyên liệu, giảm tiêu thụ sản phẩm hàng hóa, dẫn đến gián đoạn sản xuất, thiếu vốn hoạt động, chậm trả lương cho công nhân…

Nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, xí nghiệp, nhà máy… duy trì hoạt động để công nhân có việc làm, thu nhập, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu thực hiện ngay chính sách hỗ trợ người sử dụng lao động vay để trả lương và phục hồi sản xuất do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Theo đó, trước mắt, Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ đạo các tổ chức tín dụng, Ngân hàng Chính sách xã hội đẩy mạnh việc tiếp tục triển khai thực hiện các chương trình, chính sách tín dụng giải quyết việc làm; Tập trung hướng dẫn thực hiện chính sách hỗ trợ cho người sử dụng lao động vay để trả lương ngừng việc và phục hồi sản xuất do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19. Đồng thời, yêu cầu các cơ quan chức năng chủ động, kịp thời cung cấp thông tin về việc làm đển công nhân, người lao động để tạo cơ hội việc làm cho những người đang thất nghiệp hoặc muốn lựa chọn công việc phù hợp để thay đổi”.

Khu lưu trú công nhân của khu chế xuất Tân Thuận SADECO

Thúc đẩy các giải pháp đảm bảo việc làm ổn định bền vững và nâng cao mức sống cho công nhân lao động.

Nhằm tiếp tục thực hiện có hiệu quả các định hướng, chủ trương, chính sách, nhiệm vụ, giải pháp của Đảng, Nhà nước về đảm bảo việc làm bền vững, cải thiện điều kiện làm việc, nâng cao mức sống cho công nhân lao động trong tình hình mới, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các cơ quan chức năng:

Đẩy nhanh tiến độ thực hiện các nhiệm vụ liên quan trực tiếp đến bảo đảm việc làm bền vững, nâng cao mức sống, cải thiện điều kiện làm việc của công nhân lao động; khẩn trương xây dựng các chương trình, kế hoạch cụ thể và bảo đảm bố trí, khơi thông nguồn lực thực hiện; đề xuất cơ chế, chính sách, giải pháp mới hiệu quả, khả thi bảo đảm việc làm bền vững, nâng cao mức sống và cải thiện điều kiện làm việc tốt hơn cho công nhân lao động.

Đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng kinh tế thực chất ở địa phương phù hợp với mô hình tăng trưởng kinh tế - xã hội bao trùm; huy động, phân bổ, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, tạo động lực để các thành phần kinh tế phát triển nhanh và bền vững; đảm bảo liên kết giữa các khu vực, các vùng, các thành phần kinh tế, các loại hình sản xuất kinh doanh nhằm thúc đẩy, hỗ trợ doanh nghiệp hoạt động và phát triển, tăng năng suất lao động.

Khu vực bếp ăn của một doanh nghiệp thời đại dịch Covid-19

Triển khai thực hiện có hiệu quả các hiệp định thương mại, nhất là các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (CPTPP, EVFTA, RCEP...) theo các điều khoản Việt Nam đã ký kết... giúp công nhân lao động được thụ hưởng các quyền và điều kiện lao động ngày càng tốt hơn.

Đầu tư xây dựng hạ tầng xã hội, dịch vụ phục vụ lao động sản xuất, đời sống, sinh hoạt, học tập, giải trí của công nhân, lao động và gia đình. Tăng cường các biện pháp bảo đảm an ninh, an toàn, vệ sinh môi trường tại nơi ở và nơi làm việc của công nhân.

Đưa chỉ tiêu phát triển nhà ở xã hội, nhất là nhà ở, thiết chế văn hóa - thể thao cho công nhân tại các khu công nghiệp, khu chế xuất vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm của bộ, ngành, địa phương. Tập trung triển khai các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho việc phát triển nhà ở cho công nhân lao động tại các khu công nghiệp.

Xây dựng các mô hình “khu công nghiệp - đô thị - dịch vụ” đồng bộ, gắn với phát triển khu dân cư, cơ sở hạ tầng, đáp ứng được nhu cầu riêng cho công nhân lao động các khu công nghiệp, kể cả chuyên gia và lao động chất lượng cao.

Thực hiện có hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch, nhất là tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, nơi tập trung đông công nhân lao động; chia sẻ khó khăn, hỗ trợ, giảm thiểu tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19, bảo đảm an sinh xã hội, giúp công nhân lao động và các doanh nghiệp vượt qua khó khăn, phục hồi sản xuất, kinh doanh, ổn định việc làm.

Đặc biệt, ngăn ngừa công nhân lao động tham gia các hoạt động đi vay, cho vay, đòi nợ liên quan đến “tín dụng đen”, đề xuất các chính sách tín dụng vi mô hỗ trợ công nhân lao động.

“Một trong những nội dung nâng cao mức sống cho công nhân lao động là nâng cao sức khỏe người lao động, phòng chống bệnh nghề nghiệp và nâng cao đời sống văn hóa cho công nhân lao động, phù hợp với phát triển khu công nghiệp, khu chế xuất, quy hoạch phát triển đô thị; đảm bảo nhà ở, công trình phúc lợi đáp ứng nhu cầu của công nhân lao động các khu công nghiệp; đầu tư xây dựng cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông tại các khu công nghiệp, khu chế xuất và những nơi tập trung nhiều công nhân lao động.

Cơ quan Thuế làm thủ tục gia hạn thuế cho doanh nghiệp - việc làm ý nghĩa trong đại dịch Covid-19

Thiết lập cơ sở pháp lý làm nền tảng

Trên cơ sở tổng kết, đánh giá thực tiễn thực hiện pháp luật trong các lĩnh vực trên, nhất là thực tiễn thực hiện pháp luật tại các khu công nghiệp và khu chế xuất, Thủ tướng yêu cầu cần sớm hoàn thiện chính sách pháp luật về lao động, việc làm, tiền lương, bảo hiểm xã hội, an toàn vệ sinh lao động; nắm bắt các khủng hoảng về lao động, việc làm do tác động của đại dịch Covid-19 để bổ sung, điều chỉnh, hoàn thiện đồng bộ các cơ chế, chính sách về lao động, việc làm, tiền lương, bảo hiểm xã hội, an toàn vệ sinh lao động; tham mưu triển khai giảm giờ làm việc bình thường phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội; tập trung sửa đổi, bổ sung danh mục nghề, cộng việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm.

Đẩy nhanh việc xây dựng hệ thống chỉ số, đánh giá phát triển thị trường lao động, việc làm và thu nhập; hoàn thiện hệ thống thông tin thị trường lao động làm cơ sở cho kết nối cung cầu lao động bảo đảm cung ứng lao động phù hợp với nhu cầu của doanh nghiệp, kịp thời cung cấp các thông tin về thị trường lao động để hỗ trợ, tư vấn giới thiệu việc làm cho công nhân lao động theo yêu cầu, đồng thời giúp định hướng đào tạo nhân lực có tay nghề cao trên cơ sở nhu cầu thực tế của thị trường lao động.

Tăng cường thanh tra, kiểm tra việc thực hiện chính sách pháp luật về lao động, việc làm, tiền lương, bảo hiểm xã hội, an toàn vệ sinh lao động, đảm bảo quyền, lợi ích chính đáng của công nhân lao động.

Khẩn trương hoàn thành, trình cấp có thẩm quyền ban hành chính sách hỗ trợ khó khăn cho công nhân lao động, doanh nghiệp vượt qua đại dịch COVID-19 và kịp thời tổ chức triển khai thực hiện bảo đảm ổn định tình hình lao động, việc làm, duy trì có hiệu quả mục tiêu vừa phòng, chống dịch vừa phát triển kinh tế; chủ động xây dựng các chương trình đào tạo nhằm nâng cao trình độ, tay nghề cho công nhân lao động để hỗ trợ thích ứng, phù hợp với các điều kiện, hoàn cảnh thay đổi trong và sau dịch COVID-19.

Kịp thời phản ánh tâm tư, nguyện vọng, kiến nghị hoàn thiện, chính sách, pháp luật của công nhân, lao động với Chính phủ, các bộ, ngành và Ủy ban nhân nhân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

“Về lâu dài, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần chủ trì, phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chỉ đạo ngành giáo dục các cấp hướng dẫn, tạo điều kiện thuận lợi để các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tổ chức giảng dạy chương trình giáo dục thường xuyên cấp trung học phổ thông cho học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở để đẩy mạnh phân luồng và bảo đảm quyền lợi của học sinh vừa được học nghề, vừa được học văn hóa giáo dục phổ thông ngay tại cơ sở giáo dục nghề nghiệp, nhất là đối với con em công nhân lao động.

Đẩy nhanh việc thực hiện các giải pháp đổi mới và phát triển hệ thống giáo dục nghề nghiệp theo hướng mở, đa dạng, linh hoạt, liên thông, hiện đại với nhiều mô hình, phương thức và trình độ đào tạo đáp ứng nhu cầu học tập của công nhân lao động. Chú trọng hơn nữa công tác đào tạo nguồn nhân lực có kỹ năng, trình độ chuyên môn kỹ thuật cao để đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4; gắn kết và huy động doanh nghiệp tham gia giáo dục nghề nghiệp gắn với giải quyết việc làm cho công nhân lao động; đồng thời đáp ứng nhu cầu dịch chuyển lao động giữa các quốc gia trong khu vực ASEAN.

 

 

Việt Hải