Đổi mới công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất nhằm phát triển kinh tế - xã hội
Triển khai Luật Đất đai 2024 - Ngày đăng : 15:50, 15/06/2021
Hội thảo nhằm trao đổi, thảo luận về những thành tựu đã đạt được và những mặt tồn tại, hạn chế trong quá trình triển khai thi hành Nghị quyết 19-NQ/TW và tìm ra những định hướng phát triển mới cho thị trường quyền sử dụng đất và bất động sản trên đất.
Phó GS.TS Nguyễn Đình Thọ, Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết, thể chế hóa nội dung Nghị Quyết 19- NQ/TW, công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được kiện toàn đổi mới, bước đầu khắc phục được các hạn chế, tồn tại trong tình trạng giao đất, cho thuê đất tràn lan, lãng phí; đảm bảo sự thống nhất, đồng bộ; giữ các quy hoạch đô thị và quy hoạch ngành, lĩnh vực có sử dụng đất phải phù hợp với quy hoạch sử dụng đất.
Cụ thể, quy hoạch sử dụng đất đai được triển khai thực hiện tại 3 cấp hành chính là quốc gia, tỉnh, huyện và theo nguyên tắc quy hoạch sử dụng đất của cấp trên định hướng cho quy hoạch sử dụng đất cấp dưới. Hơn nữa, việc tổ chức thực hiện các quy định này đã từng bước sàng lọc được các nhà đầu tư kém năng lực, khắc phục tình trạng đưa đất vào sử dụng; bước đầu khuyến khích tích tụ đất đai thông qua cơ chế góp vốn bằng giá trị quyền sử dụng đất, nhận quyền thuê đất…
Tuy nhiên, việc quy hoạch phát triển đô thị, khu dân cư nông thôn, hạ tầng kinh tế- xã hội chưa xem xét đồng bộ; việc quy hoạch và phát triển các khu công nghiệp còn thiếu sự thống nhất trên quy mô liên vùng, liên tỉnh; việc bố trí đất đai cho các khu công nghiệp nhiều nơi còn chưa hợp lý; quy hoạch một số khu công nghiệp sử dụng nhiều đất canh tác tại khu vực đồng bằng nhưng đến nay vẫn chưa kêu gọi được nhà đầu tư…
Phó GS.Ts Nguyễn Đình Thọ, Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường cho rằng cần quy hoạch sử dụng đất tích hợp theo phương pháp tiếp cận cảnh quan, dựa vào hệ sinh thái |
Để giải quyết những tồn tại trên, Viện trưởng cho rằng, Việt Nam cần quy hoạch sử dụng đất tích hợp theo phương pháp tiếp cận cảnh quan, dựa vào hệ sinh thái; quy hoạch các trung tâm đô thị và đô thị vệ tinh theo nguyên tắc thị trường, gắn với hạ tầng giao thông; lồng ghép kinh tế tuần hoàn vào quy hoạch sử dụng đất; quy hoạch sử dụng đất đô thị thông minh; ứng dụng công nghệ GIS (phân tích hiện trạng sử dụng đất) và hạch toán kinh tế môi trường; quy hoạch không gian biển… nhằm đảm bảo duy trì và nâng cao chất lượng môi trường sống của người dân trong tương lai.
Ông Marc Forni, Trưởng ban đô thị, thích ứng khí hậu và đất đai thuộc Ngân hàng Thế giới cho rằng, Việt Nam cần thay đổi cách làm để cải thiện công tác quy hoạch và quản lý sử dụng đất như: Quy hoạch phát triển tích hợp (sử dụng đất, cơ sở hạ tầng, kinh tế, môi trường..); thu lại giá trị tăng thêm từ đất là cơ chế chính sách tài khóa nhằm giúp Chính phủ tài trợ đầu tư công vào hạ tầng; mở cơ hội cho các nguồn vốn đầu tư bổ sung, khuyến khích thêm nhiều cơ chế chính sách giúp tăng giá trị đất đai...
Đánh giá về công tác quy hoạch, nhiều chuyên gia lĩnh vực đất đai cũng cho rằng, việc tồn tại song song nhiều quy hoạch có giá trị pháp lý như nhau tại một số địa phương cũng đã gây khó khăn cho công tác giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất tại các quận, huyện. Quy định về tách thửa đất cũng tồn tại nhiều vướng mắc, chồng chéo khiến tình trạng dân không tách thửa được, trong khi “cò” lách dễ, tình trạng “đẩy giá” gây sốt “đất ảo” diễn ra nghiêm trọng, khó kiểm soát tại một số địa phương.
Phó Trưởng ban Thường trực Ban Kinh tế Trung ương Cao Đức Phát cho rằng, việc xây dựng quy hoạch này đòi hỏi phải có một tầm nhìn dài hạn và tuân thủ các nguyên tắc phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường đa dạng sinh học; thích ứng biến đổi khí hậu; đồng thời đảm bảo quyền con người bao gồm cả quyền tiếp cận về dịch vụ công; quyền tự do tiếp cận thông tin cũng như quyền tiếp cận biển và tài nguyên của người dân.
Tại hội thảo, các chuyên gia đề xuất, thời gian tới, các bộ ngành liên quan và chính quyền các địa phương cần sử dụng số liệu hạch toán địa chính, tài chính và hiện trạng không gian sử dụng đất để rà soát lại toàn bộ quy hoạch phân khu của từng khu vực phù hợp với quy hoạch chung đã được phê duyệt; định hướng phân vùng môi trường theo khu vực bảo vệ nghiêm ngặt; khoanh vùng hạn chế phát triển và xếp thứ tự ưu tiên vùng phát triển đa mục tiêu…