Những người khơi “vàng đen” trên biển

Doanh nghiệp - doanh nhân - Ngày đăng : 21:27, 11/06/2021

(TN&MT) - 40 năm trước, có một “sự kiện đặc biệt” - lần đầu tiên ghi vào lịch sử Việt Nam ở lĩnh vực phát triển kinh tế đất nước sau ngày giải phóng, đó là khai thác dầu mỏ trên thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc. Chủ nhân đem lên từ lòng đại dương những tấn dầu thô thời đó là chuyên viên người Nga và công nhân Việt Nam - những người được coi là “người hùng dầu khí của thế kỷ XX”.

Lễ ký kết Hiệp định hợp tác về thăm dò và khai thác dầu khí trên thềm lục địa phía Nam của Việt Nam tại Điện Kremli tháng 7/1980. Ảnh TL

Mốc son của “đêm trước đổi mới”  

Sau năm 1975, Việt Nam lúc đó rơi vào trạng thái “khủng khoảng trầm trọng” về phát triển kinh tế. Bởi lẽ, vừa phải “hàn gắn vết thương chiến tranh”, vừa phải “vực dậy” nền kinh tế bị “kiệt quệ” sau ngày giải phóng mà trước đó bị hàng trăm ngàn tấn bom đạn của đế Quốc Mỹ tàn phá dữ dội khắp ba miền Bắc - Trung - Nam. Làm thế nào để phát triển kinh tế, giữ vững ổn định chính trị theo con đường xã hội chủ nghĩa mà Đảng, Bác Hồ và nhân dân ta đã lựa chọn khi Tổ quốc lặng im tiếng súng? - một bài toán vô cùng khó khăn gian khổ được đặt ra đối với những nhà khoa học và hoạch toán kinh tế bấy giờ.

Trước đó, những năm cuối thập kỷ 70 của thế kỷ XX, Liên Xô đã có những bước tiến dài về kỹ thuật và công nghệ thăm dò dầu khí biển. Thành tựu khoa học về  nghiên cứu biển của Liên Xô thời ấy thuộc tầm cỡ đứng đầu thế giới, đặc biệt là nghiên cứu dầu mỏ và địa chất biển. Thế giới biết đến một Liên Xô kiên cường trong Cách mạng Tháng Mười Nga, thì cũng ngưỡng mộ Liên Xô thăm dò dầu khí ở độ sâu trên 100 m ngoài biển Ban Tích và vùng biển Xakhalin.

Mỏ Bạch Hổ hôm nay. Ảnh: Hoàng Chương

Việt Nam và Liên Xô thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 29/1/1950 của thế kỷ XX. Trước những khó khăn về khai thác dầu khí ngoài khu đặc quyền kinh tế (Thềm lục địa phía Nam), Liên Xô đã sẵn sàng giúp đỡ Việt Nam khi Chính phủ nước ta đề xuất Liên Xô giúp đỡ.

Ngày 19/6/1981 tại Mátxcơva, Phó Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Trần Quỳnh và Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Liên Xô KF. Katusen đã ký “Hiệp định giữa Chính phủ Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ Liên bang Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xô viết về việc thành lập Liên doanh Dầu khí Việt - Xô” để tiến hành thăm dò địa chất và khai thác dầu, khí ở thềm lục địa phía Nam Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

 Sau khi Liên doanh Dầu khí Việt - Xô được thành lập, song song với các hoạt động xây dựng căn cứ cơ sở hạ tầng nhà ở cho chuyên gia, khu làm việc cho công nhân; là xúc tiến cho việc khai thác dầu khí ngoài đại dương.

Sau hơn 3 năm chuẩn bị, tàu khoan Mikhain Mirchin đã hải trình vượt sóng ra khơi trong bạt ngàn sóng gió. Để rồi ngày 31/12/1983, giếng khoan BH-5 đầu tiên tại mỏ Bạch Hổ đã thành công. Gần 6 tháng sau, lúc 21 giờ ngày 24/5/1984, ngọn lửa dầu khí đã bùng cháy thắp sáng một vùng thềm lục địa ngoài khơi Vũng Tàu - Côn Đảo, đánh dấu “mốc son lịch sử” đầu tiên trong ngành khai thác dầu khí, và đó cũng là tin vui của cả nước.

Gắn bó với những ngày đầu tiên khơi “vàng đen”, ông Mai Văn Hân - người kỹ sư “già” chứng kiến dòng dầu tuôn chảy giữa ngàn khơi Tổ quốc đêm 24/5/1984, chia sẻ: “Chúng tôi ôm nhau khóc giữa biển khơi. Những giọt nước mắt của các bạn chuyên gia Liên Xô và công nhân Việt Nam hòa lẫn vào biển cả. Chứng kiến ngọn lửa bùng cháy trên tháp khoan giữa biển đêm, chúng tôi hiểu đang góp phần thắp sáng nền kinh tế Việt Nam. Cả đêm đó, không ai chợp mắt. Những câu cảm ơn hoà lẫn sự vui sướng, xúc động vô bờ. Giữa các bạn chuyên gia Liên Xô và chúng tôi không hề có khoảng cách.

Sự kiện ký Hiệp định giữa Việt Nam và Liên Xô về khai thác dầu khí ngoài Nam biển Vũng Tàu Côn Đảo năm 1981 là một táo bạo của lịch sử. Nói cách khác là một “mốc son đỏ” của đêm trước đổi mới. Năm 1986, Đại hội lần thứ VI của Đảng thành công, trong đó, khẳng định, nền kinh tế Việt Nam trong thời bình phải là nền kinh kế quốc dân. Khai thác dầu khí là một ngành phát triển kinh tế mũi nhọn của đất nước” - ông Hân hồi tưởng lại.

Những người tiên phong

Đã 40 năm trôi qua kể từ  ngày thành lập, thế hệ chuyên gia Liên Xô và công nhân Việt Nam - những người “khơi vàng đen” đầu tiên ngoài thềm lục địa phía Nam, người còn, người mất, người chuyển ngành công tác hoặc không còn ở Liên doanh Việt - Nga Vietsovpetro. Nhưng lịch sử ngành dầu khí Việt Nam mãi mãi không bao giờ quên họ - những người tiên phong đi khai thác dầu khí ngoài biển khơi ngày ấy.

Hơn 20 năm “sống trên giàn khoan, vui buồn với biển”, ông Phạm Xuân Hoa mãi mãi không bao giờ quên những ngày cùng các bạn chuyên gia Liên Xô có mặt trên các công trình khoan giữa biển trời. Ông Hoa cho biết: Lúc mới thành lập, biên chế của Xí nghiệp Liên doanh có 168 người, trong đó, 58 người là công dân Việt Nam và 110 người là chuyên gia và công nhân Liên Xô.

Ban Tổng Giám đốc đầu tiên (giai đoạn 1981 - 1984) gồm Tổng Giám đốc Đ.G. Mamedov, Phó Tổng Giám đốc thứ nhất Nguyễn Hòa, các Phó Tổng Giám đốc Ngô Thường San (phụ trách địa chất), E.X. Xaturov (phụ trách cung ứng vật tư), Nguyễn Đình Vũ (phụ trách xây dựng cơ bản), V.M. Trerniak (phụ trách kinh tế), V.Ph. Laptev (phụ trách thương mại), M.I. Zverev (phụ trách công tác cán bộ), Nguyễn Ngọc Sớm (phụ trách nội chính).

Lãnh đạo Phía Việt Nam trong Xí nghiệp Liên doanh Vietsovpetro do Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Văn Đồng ký bổ nhiệm. “Đó là những người tiên phong nhất trong ngành dầu khí lúc đó. Nói cách khác, họ gọi là những “người hùng dầu khí” am hiểu về “vàng đen” dưới lòng đại dương”- ông Hoa phân trần.

 “Bồi dưỡng” giữa ca của lính thợ giàn khoan. Ảnh: Hoàng Chương

Nhớ lại những ngày gian khó ấy, ông Phạm Xuân Hoa chia sẻ thêm: “Quá trình phát triển của Xí nghiệp Liên doanh Vietsovpetro được chia ra hai giai đoạn. Giai đoạn 1 từ năm 1981 đến hết năm 1990. Giai đoạn 2 từ năm 1991 đến năm 2010. Ở giai đoạn 1 là khó khăn nhất. Vì lúc đó, xí nghiệp mới thành lập, lực lượng khai thác mỏng, đội ngũ công nhân Việt Nam chưa có nhiều kinh nghiệm trong thăm dò địa chấn, đặc biệt chưa thực sự “bắt nhịp” với môi trường lao động khắc nghiệt của đại đương, trong khi phương tiện truyền thông ngày ấy còn hạn chế, nỗi nhớ đất liền luôn canh chánh trong lòng. Song trước quyết tâm và lòng yêu nghề, yêu biển, bao khó khăn gian khổ ngày đầu tiên ấy cũng vượt qua”, ông Hoa hồi tưởng lại.

Để giàn khoan rực sáng giữa biển trời

Đồng hành với sự lớn mạnh và không ngừng phát triển của Liên doanh Việt - Nga Vietsovpetro trong 40 năm qua, không thể không nhắc tới đội ngũ cán bộ lãnh đạo, kỹ sư, chuyên viên công nhân các bạn Nga và Việt Nam trên các công trình giàn khoan dầu khí. Mỗi người có một chức trách nhiệm vụ riêng, nhưng đều có chung một mục đích chung là tìm dò mỏ dầu và đưa ra khỏi lòng đại dương những tấn dầu thô với khát vọng và niềm tin cho những giàn khoan mãi mãi không bao giờ ngưng lửa.

Trụ sở làm việc của Bộ máy Điều hành thuộc Liên doanh Việt - Nga Vietsovpetro. Ảnh: Mai Thắng

Ông Nguyễn Xuân Trình - một trong nhiều cán bộ, công nhân dầu khí có mặt những ngày đầu tiên trên mỏ Bạch Hồ chia sẻ: “Để khơi được dòng dầu từ lòng biển, tất cả cán bộ công nhân đều làm cựt lực với tinh thần trách nhiệm cao nhất. Có những “chiến dịch” phải chạy đua với thời gian. Lao động trong điều kiện sóng gió, môi trường độc hại, khí hậu khắc nghiệt không thể kể xiết những khó khăn gian khổ, nhất là phải bảo đảm tuyệt đối an toàn. Song điều mà trong tim mỗi người ai cũng hãnh diện”.

17 năm làm “tiếp phẩm” cho những giàn khoan, anh Hoàng Văn Lực (hiện làm tại Cảng Vietsovpetro) có hàng trăm lần “vật lộn” với sóng to gió lớn. Có chuyến đi, tàu của anh phải “chồm lên ngụp xuống” trong giông tố. “Khi vừa tiến sát chân đế giàn khoan, một con sóng lừng lững từ lòng biển “đội” lên. Tôi bị sóng hất tung lên cao rồi “dập” xuống mặt sàn tàu. “Cú” hất đó tôi bị thương ở mạng sườn. 17 năm làm trong Liên doanh Việt - Nga, điều làm tôi cảm thấy luôn hạnh phúc và vinh dự là được cống hiến sức trẻ của mình cho Tổ quốc. Để ngọn lửa giàn khoan mãi rực sáng trên biển, biết bao người đã đổ mồ hôi công sức, thậm chí cả mạng sống của họ” - anh Lực chia sẻ.

Anh Lực đọc cho tôi nghe những câu thơ “tâm đắc” nhất nói về niềm vui của lính thợ giàn khoan.

"Đời lính khoan tìm “vàng đen” cho Tổ quốc

Vất vả khó khăn phía trước biển khơi

Nhìn lửa giàn khoan thắp sáng giữa biển trời

Bao nhọc nhằn, gian lao tan biến hết

Lính thợ khoan niềm vui sao kể xiết

Và tự hào kiêu hãnh bao nhiêu

Cháy mãi trong tim mỗi sáng mỗi chiều

Tình yêu ấy giành cho biển cả".

“Phải tiến ra biển và làm giàu từ biển. Phải khơi cho bằng được nguồn trữ lượng tài nguyên từ biển để “phục hồi” đất nước sau chiến tranh và làm giàu cho đất nước thời kỳ đổi mới”. Đó là tầm nhìn chiến lược của Đảng và Chính phủ Việt Nam về phát triển kinh tế đất nước của “đêm trước đổi mới”.

Mai Thắng