Chiều 12/6, áp thấp nhiệt đới mạnh lên thành bão

Môi trường - Ngày đăng : 21:26, 11/06/2021

(TN&MT) - Theo Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia, từ chiều mai (12/6), do ảnh hưởng của rìa phía Tây, áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão nên ở các tỉnh Bắc Bộ, Bắc và Trung Trung Bộ có nguy cơ cao xảy ra dông, lốc, sét và gió giật mạnh.

Dự báo đường đi của vùng áp thấp. Ảnh: TTDB KTTV QG

Bắc Bộ mưa to và dông

Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia cho biết, từ vùng áp thấp trên trên vùng biển Đông Bắc quần đảo Hoàng Sa khu vực phía Bắc của biển Đông, chiều nay (11/6), vùng áp thấp trên vùng biển Đông Bắc quần đảo Hoàng Sa đã mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới (ATNĐ). Lúc 16 giờ chiều nay, vị trí tâm ATNĐ ở vào khoảng 17,8 độ Vĩ Bắc; 113,1 độ Kinh Đông. Cường độ ATNĐ mạnh cấp 6, giật cấp 8.

Dự báo trong 24 giờ tới, ATNĐ di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 20km và có khả năng mạnh thêm. Đến 16 giờ ngày 12/6, vị trí tâm ATNĐ ở khoảng 18,9 độ Vĩ Bắc; 108,8 độ Kinh Đông, ngay trên khu vực phía Tây Nam đảo Hải Nam (Trung Quốc), cường độ mạnh cấp 7, giật cấp 9.  

Trong 24 đến 36 giờ tiếp theo, ATNĐ tiếp tục di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 15 - 20km và có khả năng mạnh lên thành bão. Đến 4 giờ ngày 13/6, vị trí tâm bão ở khoảng 19,5 độ Vĩ Bắc; 106,9 độ Kinh Đông, ngay trên vùng biển Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ. Cường độ bão mạnh cấp 8, giật cấp 10.

Trong 36 đến 48 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 15 - 20km và đi vào đất liền phía Đông Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ sau đó suy yếu thành ATNĐ. Đến 16 giờ ngày 13/6, vị trí tâm ATNĐ ở khoảng 20,3 độ Vĩ Bắc; 105,4 độ Kinh Đông, trên khu vực Nam đồng bằng Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm ATNĐ mạnh cấp 6, giật cấp 8.

Trong 48 đến 72 giờ tiếp theo, ATNĐ di chuyển theo hướng Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 15km.

Theo Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia, vùng nguy hiểm trên Biển Đông trong 24 giờ tới (gió mạnh từ cấp 6, giật từ cấp 8 trở lên) gồm: Phía Bắc vĩ tuyến 16,0 độ Vĩ Bắc; từ kinh tuyến 107,5 đến 114,5 độ Kinh Đông. Toàn bộ tàu thuyền hoạt động trong vùng nguy hiểm đều có nguy cơ cao chịu tác động của gió mạnh và lốc xoáy. Từ chiều 12/6, ở Vịnh Bắc Bộ có gió mạnh dần lên cấp 6 - 7, vùng gần tâm bão đi qua cấp 8, giật cấp 10, sóng biển cao từ 2,0 - 3,0m; biển động mạnh.

Theo ông Hoàng Phúc Lâm, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia, từ chiều mai (12/6) đến ngày 14/6, ở Bắc Bộ và khu vực từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên -  Huế có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to và dông với tổng lượng mưa phổ biến 80 - 150mm/đợt, có nơi trên 150mm; riêng khu vực Nam Đồng Bằng Bắc Bộ, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Hòa Bình, Phú Thọ có tổng lượng mưa phổ biến 150 - 250mm/đợt, có nơi trên 350mm/đợt. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.

Tại thủ đô Hà Nội, nơi ngày mai sẽ bắt đầu diễn ra kỳ thi lên lớp 10 trong  chiều ngày 12 và các ngày 13, 14/6, khả năng cao xuất hiện mưa dông kèm gió giật mạnh có thể gãy đổ cây xanh trên các tuyến phố trên khu vực Thủ đô Hà Nội. Ngoài ra, mưa to đến rất to trong khoảng thời gian ngắn nên có thể gây ngập cục bộ cho một số tuyến phố ở các quận nội thành. Mưa to và ngập úng có thể ảnh hưởng đến sức khỏe và thời gian di chuyển của các thí sinh, đặc biệt vào thời điểm trước và sau giờ thi các ngày 13 và 14/6/2021.

Mạng lưới quan trắc tập trung cao độ

Chiều 11/6, Tổng Cục trưởng Tổng cục KTTV Trần Hồng Thái đã chủ trì phiên họp trực tuyến về dự báo diễn biến, ảnh hưởng của ATNĐ hiện đang hình thành trên khu vực Bắc Biển Đông với các đơn vị trực chiến tác nghiệp KTTV tại Trung ương, 6 Đài KTTV khu vực: Đông Bắc, Việt Bắc, Tây Bắc, Đồng bằng Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ và Trung Trung Bộ cùng đại diện các Viện Khí tượng thủy văn và Biến đổi khí hậu, Viện Khoa học địa chất và khoáng sản và Viện Khoa học Tài nguyên nước.

Tại phiên họp, các đầu cầu tác nghiệp đã thảo luận các phương án dự báo, cảnh báo về khả năng diễn biến của ATNĐ có khả năng mạnh lên thành bão; ảnh hưởng của ATNĐ tác động đến các khu vực ở Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ với lượng mưa khá lớn kéo dài trong nhiều ngày. Các khu vực vùng ven biển, trũng thấp ở các tỉnh như Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh cần đặc biệt lưu ý vấn đề ngập lụt do mưa lớn tập trung. Do hoàn lưu rộng nên ngoài các hiện tượng dông lốc trước khi ATNĐ/ bão còn có gió mạnh ở các vùng biển ven bờ. Tổng cục KTTV sẽ thí điểm cập nhật từng giờ về vị trí cường độ của cơn áp thấp trên trang web của Trung tâm KTTV Quốc gia.

Tổng Cục trưởng Trần Hồng Thái lưu ý hệ thống quan trắc, dự báo, cảnh báo KTTV cần tập trung cao độ tinh thần chống giặc thiên tai trong mọi tình huống. Ảnh: TTXVN

Phát biểu Chỉ đạo hệ thống KTTV trong phiên họp, Tổng Cục trưởng Trần Hồng Thái đặc biệt lưu ý hệ thống quan trắc, dự báo, cảnh báo KTTV cần tập trung cao độ tinh thần chống giặc thiên tai trong mọi tình huống. Toàn mạng lưới đảm bảo trực chiến liên tục, thông tin kịp thời chính xác, khai thác tích hợp mọi nguồn thông tin, số liệu để phục vụ dự báo.

Đồng thời, chú ý áp dụng, triển khai thực hiện các quy định mới theo Quyết định số 18/2021/QĐ-TTg ngày 22/4/2021 về Quy định dự báo, cảnh báo, truyền tin thiên tai và cấp độ rủi ro thiên tai của Thủ tướng Chính phủ. Tăng cường việc tuyên truyền để các cấp các ngành từ Trung ương đến địa phương và người dân, đặc biệt chú ý đến các dự báo cảnh báo trong bối cảnh đầu mùa bão; đặc biệt chú ý đến các vùng nguy cơ dịch bệnh cao, các điểm cách ly tập trung của các địa phương, các doanh trại quân đội, các bệnh viện dã chiến nhằm đảm bảo thông tin kịp thời, để ứng phó với các tình huống diễn biến thời tiết nguy hiểm về mưa lớn, lũ, lũ quét, sạt lở đất nhằm đảm bảo an toàn cho cán bộ, chiến sỹ và nhân dân vùng nguy cơ thiên tai trong đợt mưa lũ do những ngày tới.

Thanh Tùng