Nhận diện những hạn chế của kinh tế Việt Nam 6 tháng đầu năm
Kinh tế - Ngày đăng : 18:18, 11/06/2021
Báo cáo cho biết, kinh tế Việt Nam trong những tháng đầu năm vẫn đang theo xu hướng tích cực, kinh tế vĩ mô và các cân đối lớn của nền kinh tế tiếp tục được duy trì ổn định; lạm phát được kiểm soát; thị trường tiền tệ, ngoại hối ổn định, cơ cấu tín dụng chuyển dịch theo hướng tích cực. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đó, nước ta vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức và còn những tồn tại, hạn chế nhất là trước ảnh hưởng của dịch Covid-19 đang tiếp tục diễn biến phức tạp.
Việt Nam nhập siêu 369 triệu USD trong 5 tháng đầu năm. Ảnh minh họa |
Trước tiên là tốc độ tăng trưởng GDP quý I chưa đạt mục tiêu theo kịch bản đề ra; dự báo tốc độ tăng GDP 6 tháng đầu năm đạt khoảng 5,8%. Tốc độ tăng trưởng dự báo 6 tháng đầu này thấp hơn 1,31 điểm phần trăm so với mục tiêu kịch bản đề ra tại Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ (kịch bản tăng 7,11%) và thấp hơn 1,39 điểm phần trăm so với mục tiêu tăng trưởng 6 tháng theo kịch bản cập nhật tại thời điểm quý I/2021 (tăng 7,19%).
Mặt khác, xuất nhập khẩu còn phụ thuộc vào một số ít thị trường; cán cân thương mại chuyển dần từ xuất siêu sang nhập siêu (5 tháng nhập siêu 369 triệu USD); hàng hóa xuất nhập khẩu bị ùn ứ. Gia tăng rủi ro của các thị trường tài chính, bất động sản, chứng khoán, vàng.
Bên cạnh đó, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, mặc dù kế hoạch đầu tư vốn ngân sách Nhà nước năm 2021 đã được Thủ tướng Chính phủ giao hết một lần cho các bộ, cơ quan trung ương và địa phương, tuy nhiên đến hết tháng 5/2021, còn hơn 71 nghìn tỷ đồng chưa được các bộ, cơ quan trung ương và địa phương giao chi tiết, bằng 15,6% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.
Tiến độ giải ngân vốn ngân sách 5 tháng đầu năm 2021 cũng còn chậm, đạt hơn 102 nghìn tỷ đồng, bằng 22,12% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao (461.300 tỷ đồng), thấp hơn so với cùng kỳ năm 2020 (25,98%), trong đó vốn nước ngoài giải ngân rất thấp, chỉ đạt 2,972%. Tuy nhiên, giá trị khối lượng thực hiện các dự án đầu tư công bằng 28,7% kế hoạch năm, theo đó, còn khoảng hơn 31 nghìn tỷ đồng giá trị khối lượng đã thực hiện, chưa làm thủ tục giải ngân hoặc đang làm thủ tục giải ngân tại kho bạc.
Một hạn chế khác là kết quả thu hút vốn FDI chỉ tương đương mức cùng kỳ năm 2020, thấp hơn 2,7 tỷ USD (tương đương giảm 16,38%) so với cùng kỳ năm 2019, cho thấy tín hiệu về sự hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài giảm sút.
Báo cáo cũng cho biết, hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và người dân còn gặp nhiều khó khăn, doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tăng mạnh (tăng 15,4% về số doanh nghiệp và tăng 133,6% về số vốn đăng ký mới), nhưng số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường cũng tăng cao (doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, ngừng hoạt động chờ giải thể và hoàn tất thủ tục giải thể tăng 23%). Đáng chú ý, số lượng các doanh nghiệp quy mô lớn rút lui khỏi thị trường tăng cao, phản ánh sức chống chịu của các doanh nghiệp đã suy giảm bởi dịch bệnh.
Một bất cập khác được Bộ Kế hoạch và Đầu tư chỉ ra là lực lượng lao động trong quý I giảm; tỷ lệ lao động có việc làm phi chính thức và lao động thiếu việc làm đều tăng. Đời sống một số bộ phận người dân còn khó khăn, đặc biệt là người lao động làm việc trong các khu công nghiệp bị ảnh hưởng của dịch bệnh. Vẫn còn xảy ra những vụ việc bạo lực, bóc lột, xâm hại tình dục trẻ em phức tạp, gây bức xúc trong dư luận xã hội. Công tác bảo đảm an toàn thông tin, an ninh mạng, đấu tranh phòng, chống tội phạm còn nhiều thách thức, nhất là đối với tội phạm lừa đảo, tài chính, tội phạm qua mạng.