Thừa Thiên Huế: Thiếu nước sản xuất do nắng nóng kéo dài

Tài nguyên nước - Ngày đăng : 12:22, 11/06/2021

(TN&MT) - Tình hình nắng nóng kéo dài đã khiến nhiều diện tích cây trồng tại Thừa Thiên Huế thiếu nước, chết khô. Cơ quan chức năng đang khẩn trương tìm giải pháp ứng phó ngắn và dài hạn.

Theo kế hoạch, vụ hè thu 2021 tỉnh Thừa Thiên Huế gieo trồng khoảng 26.000 ha lúa, khoảng 350 ha cây lạc, 400 ha ngô và khoảng 4.000 ha rau đậu các loại. Trong đó, có hơn 2.600 ha diện tích trồng lúa không chủ động nguồn nước.

Gần 2 tháng nay, trên địa bàn Thừa Thiên Huế nắng nóng kéo dài trên diện rộng, nhiều ngày nhiệt độ liên tục trên 40 độ C khiến cho một số địa phương bị hạn hán cục bộ, nguồn nước tưới cạn kiệt. Hiện dung tích trữ hiện tại các hồ chứa thủy lợi đạt 70% dung tích thiết kế, hồ chứa thủy điện phổ biến trên 48% dung tích thiết kế.

Huyện Phong Điền đưa vào gieo sạ hơn 4.800 ha lúa. Nhiều nơi như vùng Ngũ Điền, những ngày qua nguồn nước tưới tiêu hiện đã cạn khô. Nông dân ở đây cho biết, cả gần 2 tháng vẫn không có giọt mưa nên gây ảnh hưởng đến lưu lượng nước từ thượng nguồn về sông Ô Lâu, dẫn đến nhiều vùng sản xuất nông nghiệp ở cuối sông bị cạn nghiêm trọng.

Nhiều diện tích lúa đang thiếu nước do nắng nóng kéo dài

Tại huyện Quảng Điền, hơn 100 ha lúa gieo sạ vừa nảy mầm đã bị chết do nắng nóng kéo dài, ước thiệt hại hơn 1 tỷ đồng. Ông Lê Xuân Nam ở xã Quảng Thọ, huyện Quảng Điền cho hay, nhà ông gieo sạ 5 sào lúa hè thu hơn hai tuần nay. Từ khi gieo sạ cũng là lúc nắng nóng gay gắt khiến đồng ruộng khô hạn. 5 sào lúa vừa nảy mầm chết tỷ lệ trên 70%.

“Chân ruộng khá cao do bồi lấp từ đợt lũ cuối năm trước. Địa hình đồng ruộng dạng “rổ sưa” nên khi đưa nước vào tưới không thể giữ được. 5 sào chi phí giống khoảng 250 ngàn đồng. Chi phí cày ải, thủy lợi đầu vụ, công gieo sạ… ước thiệt hại 1,3 triệu đồng”, ông Nam chia sẻ.

Còn tại huyện Phú Vang, khoảng hơn 1.156 ha lúa hè thu đứng trước nguy cơ bỏ hoang do không chủ động được nguồn nước tưới. Ông Phan Phước (trú tại tổ dân phố Lương Viện, thị trấn Phú Đa) cho biết, vụ hè thu năm nay gia đình ông lại tiếp tục phải bỏ hoang 3 sào ruộng lúa, do sản xuất không hiệu quả, nguồn nước tưới chủ yếu nhờ trời.

Theo Sở NN&PTNT Thừa Thiên Huế, vụ hè thu 2021, nắng nóng có thể kéo dài, tình trạng thiếu nước có thể xảy ra. Do đó, các địa phương cần chủ động xây dựng kế hoạch phòng chống hạn và chuyển đổi cơ cấu cây trồng cho phù hợp. Bố trí cơ cấu sản xuất nông nghiệp, thời vụ gieo trồng phù hợp với khả năng nguồn nước, tránh gieo trồng ở vùng không bảo đảm chủ động về nguồn nước trong cả vụ sản xuất.

Nhằm tạo điều kiện cho cây trồng sinh trưởng và phát triển tốt, hạn chế những thiệt hại do thiên tai gây ra đảm bảo sản xuất có hiệu quả, Sở NN&PTNT Thừa Thiên Huế đã có hướng dẫn cơ cấu giống và lịch thời vụ gieo trồng một số loại cây trồng chính vụ hè thu 2021. Theo đó, chủ yếu nhóm giống lúa ngắn ngày và cực ngắn, chủ lực là: Khang Dân, TH5, HT1, HN6, ĐT100 (KH1), N87, N97 (nếp)...  tuỳ thời gian sinh trưởng của từng loại giống và điều kiện thực tế của địa phương để bố trí thời vụ gieo cấy phù hợp.

Người dân phải lấy nước từ các sông, suối nhỏ

Ông Nguyễn Quốc Tuấn - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Phong Điền cho biết, huyện tiếp tục chỉ đạo các địa phương, các HTX nông nghiệp đưa vào gieo sạ các giống lúa mới đạt năng suất cao, tiếp tục nhân rộng các mô hình giống lúa mới trên địa bàn huyện. Cùng với đó, kết hợp với các địa phương quản lý vận hành, điều tiết hợp lý nguồn nước giữa các vùng, theo yêu cầu thực tế tại từng thời điểm sản xuất, từng khu vực. Rà soát lại hệ thống công trình cống thủy lợi, bờ đập, nạo vét kênh mương.

Huyện vận động nông dân nạo vét kênh mương tích trữ nước, gia cố bờ bao, cống đập, chủ động bơm tưới, gieo sạ đồng loạt đúng theo lịch thời vụ đề ra. Trên cơ sở đó, các ngành chuyên môn của huyện phối hợp chặt chẽ với các địa phương, các HTX nông nghiệp tích cực đẩy nhanh tiến độ gieo sạ vụ hè thu, đảm bảo đúng khung lịch thời vụ đề ra.

Để ứng phó với hạn hán và đảm bảo cho vụ gieo sạ hè thu 2021, Công ty Thủy lợi Thừa Thiên Huế vừa quyết định mở nước hồ Truồi và duy trì mực nước sông Đại Giang để phục vụ sản xuất nông nghiệp cho các huyện, thị xã như Phú Lộc, Hương Thủy và Phú Vang. Đồng thời, đề nghị các thủy điện thượng nguồn bổ sung nước và duy trì mực nước sông Hương từ 0,45 - 0,5m để đảm bảo cung cấp hơn 7.900 ha diện tích trồng lúa ở khu vực phía Nam Thừa Thiên Huế.

Ông Phan Thanh Hùng - Chánh văn phòng Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Thừa Thiên Huế thông tin, tỉnh vừa có văn bản gửi đến Ban Quản lý Đầu tư và xây dựng Thủy lợi 5 (thuộc Bộ NN&PTNT) yêu cầu tăng lưu lượng hồ thủy lợi Tả Trạch về hạ du để phục vụ xuống giống vụ hè thu 2021, với lưu lượng mỗi ngày khoảng 45 - 50 m3/s, thời điểm điều tiết kéo dài từ giữa tháng 5/2021 đến kết thúc giai đoạn xuống giống vụ hè thu 2021.

UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cũng đã yêu cầu các đơn vị, địa phương xây dựng kế hoạch sử dụng nguồn nước vụ hè thu phù hợp với thực trạng nguồn nước. Trong đó, cần lưu ý xác định nguy cơ bị ảnh hưởng của hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn chi tiết đến từng vùng, khu vực để có giải pháp cụ thể. Thường xuyên kiểm kê nguồn nước trong công trình thủy lợi, thực hiện tiết kiệm nước ngay từ đầu vụ, có kế hoạch phân phối nước hợp lý từ đầu vụ sản xuất và điều chỉnh hợp lý khi nguồn nước bị thiếu hụt để bảo đảm cung cấp đủ cho các nhu cầu thiết yếu cho cả mùa khô năm 2021.

Văn Dinh