Các CEO và nhà đầu tư kêu gọi các nhà lãnh đạo thế giới hành động vì khí hậu

Thế giới - Ngày đăng : 22:24, 10/06/2021

(TN&MT) - Một nhóm gồm 79 người đứng đầu các công ty và các nhà đầu tư quản lý 41 nghìn tỷ USD vừa kêu gọi các nhà lãnh đạo thế giới đẩy nhanh hành động về biến đổi khí hậu bằng cách ban hành các chính sách tham vọng hơn trong các lĩnh vực, bao gồm định giá carbon.

Khói và hơi nước bốc lên từ Belchatow, nhà máy nhiệt điện than lớn nhất châu Âu, ở Belchatow, Ba Lan. Ảnh: Reuters

Trong một bức thư ngỏ gửi đến tất cả các chính phủ, Liên minh các nhà lãnh đạo khí hậu đã kêu gọi “hành động táo bạo” ngay bây giờ để đạt được các mục tiêu phát thải trong tương lai. Họ nói, để buộc doanh nghiệp hành động, các chính phủ cần thay đổi chính sách, bao gồm cả việc phát triển cơ chế định giá carbon dựa trên thị trường.

“Các quốc gia cũng nên buộc tất cả các doanh nghiệp đưa ra các mục tiêu khử carbon “đáng tin cậy”, đồng thời công bố lượng khí thải trên tất cả các khu vực kinh doanh của họ”, các CEO bao gồm Christian Mumenthaler của Swiss Re, Rich Lesser của Tập đoàn Boston Consulting và Feike Sijbesma của Royal DSM cho biết.

Các CEO này cũng ủng hộ việc loại bỏ trợ cấp nhiên liệu hóa thạch, cắt giảm thuế quan đối với hàng hóa thân thiện với khí hậu, tăng cường tài trợ cho nghiên cứu và phát triển cho các công nghệ xanh.

457 nhà đầu tư ủng hộ lời kêu gọi trên đã cảnh báo các chính phủ rằng những quốc gia đi đầu sẽ trở thành điểm đến đầu tư “ngày càng hấp dẫn”, trong khi những nước tụt hậu sẽ gặp bất lợi trong cạnh tranh. Tuy vậy, một số nhà đầu tư cho rằng điều quan trọng là các quốc gia phải cam kết cắt giảm lượng khí thải mạnh hơn vào năm 2030 và thực hiện các chính sách trong nước cần thiết để chạm đến mục tiêu đạt mức phát thải carbon ròng bằng 0 vào năm 2050.

Theo các CEO, trước thềm Hội nghị thượng đỉnh Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (COP26) ở Glasgow, Vương quốc Anh, các chính phủ cần công bố kế hoạch giảm một nửa lượng khí thải vào năm 2030, cam kết giảm phát thải ròng vào năm 2050 và đưa ra các lộ trình chính sách và mục tiêu tạm thời “mạnh mẽ”.

Các nước phát triển cũng cần đẩy mạnh cam kết 100 tỷ USD để giúp các nước đang phát triển giảm thiểu và thích ứng với biến đổi khí hậu, đồng thời đảm bảo các cơ quan tài chính phát triển có thể thực hiện các mục tiêu dựa trên cơ sở khoa học trong danh mục cho vay của họ.

Mai Đan