Kỹ năng số - chìa khóa thành công cho ngành dịch vụ tài chính Việt Nam

Kinh tế - Ngày đăng : 15:38, 10/06/2021

(TN&MT) - Qua khảo sát những người đang làm việc tại các tổ chức dịch vụ tài chính ở Việt Nam, 92% trong số đó cho rằng, họ đang được trao cơ hội nâng cao kỹ năng số. Đây là một trong những phát hiện chính từ báo cáo “Nâng cao kỹ năng số trong ngành Tài chính: Bước kế tiếp?” của PwC Việt Nam.

Dựa trên các kết quả từ cuộc “Khảo sát mức độ sẵn sàng về kỹ năng số” do PwC Việt Nam thực hiện vào cuối năm 2020, báo cáo phân tích quan điểm của 160 nhân lực Việt Nam đang làm việc trong ngành dịch vụ tài chính về tương lai việc làm và làm sao để bắt nhịp với những thay đổi trong thời đại số.

Nâng cao năng lực số được cho là chìa khóa quyết định sự thành công cho ngành Dịch vụ tài chính trong tương lai. Ảnh minh họa

Theo báo cáo, trong bối cảnh biến động gia tăng, lãnh đạo các tổ chức tài chính lạc quan về tác động của công nghệ đối với việc làm và sẵn sàng đón nhận thay đổi. Đa số (97%) lãnh đạo cấp cao trong các doanh nghiệp dịch vụ tài chính tham gia khảo sát tin rằng công nghệ sẽ mang lại ảnh hưởng tích cực tới triển vọng việc làm trong tương lai. Một nửa (50%) dự đoán công việc của họ sẽ thay đổi hoàn toàn hoặc gần như hoàn toàn trong mười năm tới.

Theo Khảo sát Lãnh đạo doanh nghiệp toàn cầu lần thứ 24 của PwC, gần một nửa các CEO trên thế giới đang có kế hoạch tăng cường 10% hoặc hơn vào đầu tư dài hạn cho công nghệ, bất chấp những áp lực về chi phí và tác động của đại dịch. Tại Việt Nam, theo kế hoạch Chuyển đổi số ngành Ngân hàng đến năm 2025 của Ngân hàng Nhà nước, ngành dịch vụ tài chính đã được chỉ định vai trò tiên phong trong việc thiết lập một hệ thống số hóa toàn diện, lấy con người làm trung tâm.

Bà Đinh Hồng Hạnh, Lãnh đạo Dịch vụ Tài chính tại PwC Việt Nam nhận định, đại dịch Covid-19 đã mang đến cả những gián đoạn và đổi mới đáng kể cho ngành dịch vụ tài chính. Trên toàn cầu và tại Việt Nam, ngành dịch vụ tài chính đã có những bước chuyển mình nhanh chóng để hỗ trợ và đồng hành cùng khách hàng vượt qua đại dịch. Cùng với đó, các chương trình chuyển đổi số đã và đang được thúc đẩy vượt ra ngoài mọi dự đoán. Những thay đổi này sẽ mang tính lâu dài. Điều này đòi hỏi các doanh nghiệp dịch vụ tài chính tại Việt Nam không chỉ thích ứng nhanh nhạy mà còn phải tập trung nhiều hơn vào tài sản quan trọng nhất: nguồn nhân lực.

Theo báo cáo, ngành dịch vụ tài chính có vị thế tốt trong việc nâng cao kỹ năng nguồn nhân lực tương lai với lực lượng lao động có nhiều mong muốn thích ứng. Khảo sát cho thấy, 49% số người được hỏi hiện ở cấp bậc nhân viên văn phòng cho biết họ có lo ngại lớn về việc tự động hóa sẽ khiến công việc gặp rủi ro. Tuy nhiên, một tỷ lệ tương tự (49%) bày tỏ nguyện vọng được nâng cao kiến thức để sử dụng hiệu quả các công nghệ mới.

“Công nghệ sẽ thay đổi cách chúng ta làm việc, nhưng không thể khiến con người trở nên dư thừa. Cùng với công nghệ, nhiều công việc mới sẽ xuất hiện, trong khi có những công việc khác sẽ biến mất. Nâng cao năng lực số sẽ là chìa khóa quyết định sự thành công cho ngành Dịch vụ tài chính trong tương lai”, ông Võ Tấn Long, Giám đốc Chuyển đổi số, PwC Việt Nam nhận xét.

PwC hiện có mặt tại 155 quốc gia với hơn 284.000 nhân viên. PwC là công ty cung cấp các dịch vụ kiểm toán, tư vấn hoạt động, tư vấn các thương vụ, tư vấn thuế và pháp lý chất lượng cao. Năm 1994, PwC thành lập văn phòng tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Đội ngũ nhân sự của PwC Việt Nam gồm hơn 1.000 người Việt Nam và nước ngoài với năng lực và kiến thức chuyên sâu về các lĩnh vực hoạt động.

Lưu Nguyên Sơn