Bài dự thi “Cùng giữ màu xanh của biển”: Những người mang mùi thơm cho đảo

Biển đảo - Ngày đăng : 11:42, 10/06/2021

(TN&MT) - Trong các đoàn công tác Trường Sa, đôi khi ta lại bắt gặp có những nhà khoa học tuổi đã trên dưới 70 vẫn nặng ba lô, tư trang thì ít mà chủ yếu là sản phẩm do họ sáng chế đem ra ứng dụng thực tế để bảo vệ môi trường biển, đảo thì nhiều. Một trong những hình ảnh thân thương đó là kỹ sư Bùi Công Khê, người đã có nhiều chuyến công tác ra Trường Sa với lỉnh kỉnh đồ đoàn như thế. Giờ đây, ở tuổi 80, ông vẫn tràn đầy nhiệt huyết.

Tình yêu biển, đảo là động lực

Năm 2016, kỹ sư Bùi Công Khê được biết đến với “kỷ lục”: Đại biểu cao tuổi nhất đoàn công tác trên chuyến tàu mang tên “Hành trình tuổi trẻ vì biển đảo quê hương”. Chuyến ấy, ông đưa ra Trường Sa một chế phẩm “thần kỳ” mang tên Medipag-20 và bột kích hoạt vi sinh Bioaktiv-eco để xử lý ô nhiễm môi trường ở biển, đảo.

Medipag-20 là chế phẩm có nhiều tính năng nổi bật: không màu, mùi, vị, không gây độc hại, dị ứng; sử dụng đơn giản, diệt khuẩn cao. Chế phẩm Bioaktiv-eco có tác dụng làm sạch chuồng trại khu chăn nuôi, giúp vật nuôi khỏe, tăng khả năng chống dịch bệnh, có thể pha trộn trực tiếp vào thức ăn cho gia súc, gia cầm. Lên các đảo, sau khi thống nhất với Chỉ huy đảo và Tổ kỹ thuật, kỹ sư Bùi Công Khê tự tay pha chế các loại dung dịch, đeo bình phun tại hố rác, khu chuồng trại chăn nuôi.

Như phép màu kỳ diệu, chỉ sau khoảng mươi phút, mọi mùi hôi đã biến mất, không khí trở nên thoáng đãng, trong lành. Bộ đội trên đảo còn không giấu nổi ngạc nhiên khi thấy kỹ sư pha chế phẩm với nước biển thay vì nước ngọt, đồng nghĩa với việc các nhà khoa học đã tính toán đến tính năng linh hoạt, tiết kiệm khẩu phần nước ngọt cho đảo. Đây là phương pháp tiên tiến với nguyên lý đơn giản, tạo ra màng polyme, “bọc” và diệt vi khuẩn tại chỗ, không có phản ứng hóa học. Đối với cây trồng, chỉ cần xả xuống đất là có thể chống sâu bệnh, không phải sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Hoa quả sau thu hoạch, nhúng vào dung dịch rồi để khô sẽ diệt được hết vi khuẩn và an toàn.

Kỹ sư Bùi Công Khê thực hiện phun khử mùi khu vực chuồng trại

Trước khi thực hiện những chuyến công tác ra Trường Sa, kỹ sư Bùi Công Khê từng có các công trình nghiên cứu phục vụ Hải quân. Ông đã cùng các đồng nghiệp nghiên cứu, phát triển, chế tạo vật liệu composite cho xuồng CQ hiện đang được sử dụng rộng rãi trong Quân chủng. Niềm đam mê khoa học và tình yêu biển, đảo quê hương luôn tiếp thêm động lực cho người kỹ sư.

“Đồng đội” của kỹ sư Bùi Công Khê trong hành trình bảo vệ môi trường biển, đảo là PGS, TS. Phạm Ngọc Khái, Nguyên Phó hiệu trưởng Trường Đại học Y dược Thái Bình.

Một tháng trước khi đoàn công tác khởi hành ra Trường Sa, hai nhà khoa học đã đến Bộ Tư lệnh Hải quân báo cáo về ý tưởng bảo vệ môi trường, trực tiếp triển khai thí điểm. Lắng nghe tâm huyết, tình cảm của hai “chiến binh” cao tuổi, Chuẩn đô đốc Phạm Văn Sơn quyết định bổ sung danh sách, mời hai ông lên đường. Ấn tượng của đoàn công tác về hai nhà khoa học là tinh thần trẻ trung, năng động nhưng rất mực thước, chỉn chu trong sinh hoạt và đam mê miệt mài với công việc. Khi xuồng cập đảo, hai "người bạn" đã có sự bàn bạc từ trước nên mỗi người triển khai ở một môi trường riêng và thao tác rất nhanh. Kỹ sư Bùi Công Khê phun khử khuẩn ở khu chuồng trại đảo Trường Sa Đông. PGS, TS. Phạm Ngọc Khái phun vi sinh bên đảo Trường Sa. Chỉ huy các đảo phân công cán bộ chuyên môn chuyên ngành hóa sinh, chăn nuôi hỗ trợ phối hợp và kiểm tra ngay sau khi phun. Kết quả nghiệm thu, hai công nghệ đều thành công, khử cơ bản mùi hôi, mầm bệnh. PGS, TS. Phạm Ngọc Khái còn triển khai mô hình đào sẵn hố, dồn lá rụng xuống, tưới chất ATY-TP để phân hủy thành mùn, góp phần nuôi dưỡng những mầm xanh.

Cống hiến không ngừng nghỉ

Sau chuyến công tác đầu tiên, các nhà khoa học như được tiếp thêm năng lượng, càng nhiệt tình nghiên cứu, cống hiến, tiếp tục ủng hộ Trường Sa thông qua nhiều sản phẩm bảo vệ môi trường. Kỹ sư Bùi Công Khê đã ngày đêm nghiên cứu, cho ra đời đề án tâm huyết về giải pháp bảo vệ môi trường biển, đảo, gửi Bộ Khoa học và Công nghệ. Trong lúc chờ xét duyệt, ông lại làm đơn xin đi Trường Sa, thử nghiệm giai đoạn hai. Trải nghiệm sinh hoạt trên tàu cấp hàng Trường Sa - 12 chật chội, nóng nực, thiếu nước, người kỹ sư cao tuổi vẫn lạc quan ngồi ăn mì tôm cùng bộ đội trên ca-bin, áp dụng bài tập chống lại cơn say sóng. Vì là tàu cấp hàng nên mũi tàu dùng để nhốt lợn cấp cho các đảo.

Kỹ sư Bùi Công Khê đã bàn với Chỉ huy tàu, triển khai phun chế phẩm sinh học, xử lý mùi hôi đang lan khắp tàu. Vì lý do đảm bảo nguyên vẹn, an toàn nguồn thực phẩm tươi sống cấp cho bộ đội trên đảo, lại chưa từng được tiếp cận với công nghệ phun khử mùi này nên không đơn giản Ban Chỉ huy tàu chấp nhận ngay đề nghị của nhà khoa học. Sau một hồi thuyết phục, giải thích, Ban Chỉ huy tàu đã vui vẻ đồng ý. Kết quả sau khi phun khử mùi, khu nhốt thả lợn cơ bản đã không còn nồng lên mùi hôi thối, không khí trên tàu cũng nhẹ hơn, tan loãng, trong lành, sạch sẽ; từ các khoang, buồng, cho đến lan can..., mùi hôi đã không còn, khiến cho hơi thở của mọi người dễ chịu hơn.

Kỹ sư Bùi Công Khê hướng dẫn bộ đội áp dụng công nghệ phun vi sinh bảo vệ môi trường

Trong chuyến công tác lần thứ hai đó, kỹ sư Bùi Công Khê lưu lại trên đảo Trường Sa một tuần để thực hành, kiểm nghiệm kiểm tra kỹ lưỡng. Được ăn, ngủ, làm việc cùng bộ đội, ông càng cảm thấy mình đã đúng khi chọn nơi đến phục vụ là Trường Sa. Những ngày ông ở đảo cũng mang đến cho bộ đội một cảm xúc mới lạ. Họ vừa kính trọng vừa cảm thấy rất thú vị với hình ảnh một cụ ông 75 tuổi đeo bình phun, xắn quần, lúi húi cặm cụi trong chuồng trại. Lợn, ngan, vịt… chạy trước, người “đuổi” theo sau để thực hiện phun khử. Không khí ở đảo những ngày đó vui nhộn hẳn lên.

Đam mê, nhiệt huyết của nhà khoa học vốn đã khiến họ quên mình, nhưng đặt vào mục tiêu lý tưởng cao cả cho biển, đảo quê hương thì lại thêm nhiều điều thiêng liêng và gần gũi hơn nữa. Bây giờ, khi nhắc về “bác Khê”, “bác Khái”, những cán bộ, chiến sĩ trên tàu đã từng gặp và chứng kiến công việc của hai nhà khoa học vẫn lưu luyến và dành cho họ những lời thân mến, kính trọng. Đặc biệt, rất nể phục khi biết trong suốt hải trình, dù sóng to, tàu nhỏ, tuổi đã cao, dù chế độ sinh hoạt thời điểm ấy còn nhiều thiếu thốn khó khăn, ấy vậy mà trong suốt chuyến đi không một lời phàn nàn, cứ cặm cụi với công việc và kỉnh kỉnh với các loại máy móc, hóa chất.

Giờ đây, kỹ sư Bùi Công Khê vẫn nuôi ước mơ được ứng dụng phun khử mùi và lọc nước trên toàn bộ các đảo và tàu, nhất là với các tàu chở hàng có vật nuôi cung cấp thực phẩm tươi sống ra đảo. Điều mà kỹ sư cùng người bạn đồng nghiệp băn khoăn là dù công nghệ đã được chứng minh, thử nghiệm phù hợp nhưng để ứng dụng trên toàn Quần đảo và tàu trong thời gian dài hạn thì cần một khoản kinh phí lớn. Kinh phí này chưa nằm trong ngân sách đảm bảo thường xuyên đầu tư cho bộ đội; bản thân các nhà khoa học như ông nếu có đóng góp cũng không thấm tháp. Vậy nên, mong mỏi lớn nhất của kỹ sư Bùi Công Khê là cần một nguồn đầu tư và sự chung tay góp sức của nhiều tổ chức, cá nhân, để bộ đội trên đảo, trên tàu được sống trong môi trường trong lành, để hơi thở người lính đảo chỉ thơm mặn mòi muối biển.

Bài dự thi xin gửi về địa chỉ:

Email: thukytoasoan.monre@gmail.com

Điện thoại liên hệ: 0243.7738729 (máy lẻ 305)

Mai Lữ (Báo Nhân dân)