Bấp chấp dịch Covid-19, giá bất động sản vẫn tăng

Bất động sản - Ngày đăng : 11:41, 10/06/2021

(TN&MT) - Trong bối cảnh ảnh hưởng do dịch Covid-19, nguồn cung sản phẩm bất động sản (BĐS) bị chững lại. Tuy nhiên, theo các công ty nghiên cứu thị trường BĐS, mặt bằng giá bán căn hộ, đặc biệt là giá bán thứ cấp nhiều dự án căn hộ tại TP.HCM và các tỉnh lân cận không “hạ nhiệt” mà còn có chiều hướng tăng.

Thị trường hạ nhiệt

Dịch Covid-19 bùng phát và diễn biến ngày càng phức tạp đã ảnh hưởng không nhỏ đến thị trường BĐS chung của cả nước. Điều đó dẫn đến nhu cầu tìm kiếm và giao dịch BĐS đang có sự chững lại rõ rệt ở hầu hết các phân khúc. Theo báo cáo của Batdongsan.com.vn về thị trường khu vực miền Nam, các điểm “nóng” về giao dịch nhà đất từng đạt đỉnh về mức độ quan tâm trong tháng 3/2021, như: Bình Dương, Đồng Nai, Long An, Bà Rịa - Vũng Tàu đều suy giảm lại. Còn tại TP.HCM, mức độ thị trường quan tâm nhà đất trong tháng 4/2021 đã giảm 17% so với tháng trước.

Mức độ quan tâm dành cho BĐS đã lập một mức đỉnh rất cao trong tháng 3 vì hiện tượng “sốt đất” đầu năm 2021

 

 

Ông Nguyễn Ngọc Hiếu, Trưởng bộ phận Nghiên cứu thị trường Batdongsan.com.vn cho rằng, bên cạnh yếu tố dịch Covid-19, mức độ quan tâm dành cho BĐS đã lập một mức đỉnh rất cao trong tháng 3, vì hiện tượng “sốt đất” đầu năm 2021. Đến giữa tháng 4, chính quyền vào cuộc “hạ nhiệt” cơn sốt đất, kết thúc làn sóng “thổi giá” mua BĐS tấp nập ở nhiều khu vực. Sắp tới, các hoạt động giao dịch BĐS có thể sẽ kém sôi động hơn do nhiều dự án tạm hoãn bán hàng tập trung, chuyển dịch sang hình thức mua bán trực tuyến, vì tuân thủ biện pháp giãn cách an toàn trong đợt dịch.

Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM (HoREA) cho rằng, các điểm “nóng” trong cơn “sốt đất” đã dần hạ nhiệt, giảm hẳn sức mua. Tuy nhiên, mặt bằng giá căn hộ vẫn tăng, một phần là do thị trường đang thiếu căn hộ giá vừa túi tiền. Vừa qua, UBND TP.HCM đã có Văn bản yêu cầu các Sở, ban, ngành, quận, huyện, TP. Thủ Đức quản lý chặt chẽ thị trường BĐS, không cung cấp các thông tin chưa chính thức để “đẩy giá” thị trường, nhất là các khu vực huyện ngoại thành; rà soát, xử lý các dự án chậm triển khai, đảm bảo quyền lợi hợp pháp của người sử dụng đất.

Giá bán vẫn tăng

Theo đánh giá nghiên cứu thị trường của Collier Việt Nam, tuy nguồn cung BĐS đưa ra thị trường rất hạn chế, nhưng mặt bằng giá căn hộ đặc biệt giá bán thứ cấp nhiều dự án căn hộ bình dân tại TP.HCM tăng vọt lên 50 - 100% đối với các căn hộ được bàn giao trong hơn 1 năm qua. Điển hình là khu vực TP. Thủ Đức, từ khi được thành lập, giá chào bán căn hộ tại đây đã tăng trung bình khoảng 7 - 9% so với năm 2020, đà tăng giá nhà ở tại khu vực này được dự báo chưa có dấu hiệu dừng lại.

Sốt đất giảm kéo theo lượng lớn nhà đầu tư lướt sóng rời thị trường (Ảnh minh họa)

Còn các khu vực khác, hàng loạt dự án nhà ở giá tầm trung tại quận 8, quận 12, Bình Tân, Bình Chánh đã triển khai trong giai đoạn 2016 - 2018, từng có giá khoảng 1 tỷ đồng nhưng nay lại được sang nhượng thứ cấp ở mức lời gần gấp đôi. Ngay cả một số dự án nhà ở xã hội cũng tăng giá mạnh như: HQC Plaza có giá bán từ mức 12 - 14 triệu đồng/m2 đã “leo lên” 20 - 22 triệu đồng/m2, còn HQC Bình Trưng Đông, TP. Thủ Đức có giá tầm 14 - 16 triệu đồng/m2, hiện nay đang được sang tay lên đến 30 triệu đồng/m2.

Nhìn nhận về xu hướng giá căn hộ tại TP.HCM, ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch HoREA cho rằng, thị trường căn hộ tại TP.HCM ngày càng tăng giá “leo thang”. Chỉ trong vòng 6 năm trở lại đây, giá căn hộ chung cư đã tăng lên khoảng 80%. Còn các dự án căn hộ giá rẻ trong 3 năm trở lại đây ngày càng khan hiếm, thậm chí đang biến mất trên thị trường BĐS. Quý 1/2021, các mức giá chào bán nêu trên tiếp tục tăng 5 - 10% so với giá của năm 2020. Không chỉ căn hộ dưới 30 triệu đồng/m2, mà ngay cả những căn hộ dưới 35 triệu đồng/m2 cũng trở nên khó kiếm ở TP.HCM.

“Năm 2021, dự báo giá nhà ở sẽ tiếp tục tăng khoảng 10% so với năm 2020. Đây là những thông tin tốt để các nhà đầu tư yên tâm chọn BĐS là kênh rót vốn. Tuy nhiên, nếu đặt kỳ vọng quá cao vào thị trường BĐS, nhất là thời điểm đã và đang diễn ra nhiều cơn “sốt đất” cục bộ tại một số địa phương như hiện nay thì rất khó để xác định sát giá trị thực của BĐS, thậm chí rơi vào tình trạng sốt giá ảo”.

Ông Nguyễn Văn Đính - Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam.

Đình Du