Lạng Sơn: Đề xuất đưa ra khỏi quy hoạch thăm dò, khai thác nhiều điểm mỏ

Khoáng sản - Ngày đăng : 10:33, 10/06/2021

(TN&MT) - UBND tỉnh Lạng Sơn vừa đề xuất Bộ Xây dựng đưa ra khỏi quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản làm vật liệu xây dựng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 nhiều điểm mỏ, đồng thời Bổ sung, cập nhật vào Quy hoạch đối với 2 điểm mỏ.

Theo báo cáo số 685 /UBND-KT của UBND tỉnh Lạng Sơn gửi Bộ Xây dựng về việc bổ sung quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản làm vật liệu xây dựng trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn, tỉnh đã đề xuất với Bộ Xây dựng đưa ra khỏi quy hoạch thăm dò, khai thác đối với 4 điểm mỏ.

Ảnh minh họa.

Cụ thể, điểm mỏ Đôlômit Hoàng Phố (Phố Hoàng), xã Thượng Cường, huyện Chi Lăng tại Phụ lục IV ban hành kèm theo Quyết định số 152/2008/QĐ-TTg ngày 28/11/2008 của Thủ tướng Chính phủ: theo báo cáo tài nguyên khoáng sản tỉnh Lạng Sơn năm 2005 của Cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam, điểm mỏ đôlômit Phố Hoàng đã điều tra lập bản đồ địa chất tỷ lệ 1/50.000, chưa được thăm dò, phù hợp với khai thác quy mô nhỏ. Đề nghị xem xét, đưa ra khỏi quy hoạch để đưa vào khu vực có khoáng sản phân tán, nhỏ lẻ bàn giao cho tỉnh Lạng Sơn quản lý, cấp phép theo thẩm quyền.

Điểm mỏ đá vôi xi măng Quán Thành, huyện Chi Lăng tại Phụ lục IV ban hành kèm theo Quyết định số 105/2008/QĐ-TTg ngày 21/7/2008 của Thủ tướng Chính phủ: qua rà soát, khu vực mỏ nằm trên địa bàn xã Chi Lăng thuộc quy hoạch di tích lịch sử Chi Lăng, huyện Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng di tích Quốc gia đặc biệt (đợt 10) tại Quyết định số 1954/QĐ-TTg ngày 31/12/2019.

Điểm mỏ đá Ao Ngươm, xã Đồng Tân, huyện Hữu Lũng tại Phụ lục III ban hành kèm theo Quyết định số 1065/QĐ-TTg ngày 09/7/2010 của Thủ tướng Chính phủ: qua rà soát cho thấy điểm mỏ này chỉ có diện tích 2,28 ha, toàn bộ diện tích khu vực còn lại nằm trùng lên khu vực núi đá có hang động là kho xăng dầu, đất quốc phòng thuộc quyền quản lý của Cụm kho K56 và Nhà máy xi măng X78 (Nhà máy xi măng X78 đã dỡ bỏ, thuộc Công ty xi măng phòng không X78, nay đã đổi tên thành Công ty cổ phần ACC-78, không còn hoạt động sản xuất xi măng).

Mỏ đá Ba Nàng, xã Cai Kinh, huyện Hữu Lũng được Bộ TN&MT cấp Giấy phép khai thác số 1635/GP-BTNMT ngày 05/9/2013 cho Công ty cổ phần Xi măng Bắc Giang khai thác đá vôi làm nguyên liệu xi măng, thời hạn khai thác 9 năm (đến ngày 05/9/2022). Qua kiểm tra cho thấy, việc khai thác đá vôi tại mỏ Ba Nàng được Công ty cổ phần Xi măng Bắc Giang giao cho Xí nghiệp đá Cai Kinh (là đơn vị trực thuộc của Công ty), tuy nhiên thực tế hoạt động khai thác, chế biến đá tại mỏ là do các đơn vị hợp tác với Công ty cổ phần Xi măng Bắc Giang thực hiện và sản phẩm sau khi thác, chế biến các đơn vị hợp tác này đã bán cho các đơn vị thi công xây dựng công trình sử dụng đá vôi làm vật liệu xây dựng thông thường, không được đưa về nhà máy sản xuất xi măng của Công ty cổ phần Xi măng Bắc Giang.

Đồng thời điểm mỏ nằm gần Quốc lộ 1A, có nhiều hộ dân sinh sống gần đó và trong thời gian qua, Công ty cổ phần Xi măng Bắc Giang nổ mìn khai thác đá vôi tại mỏ Ba Nàng phát sinh nhiều đơn khiếu kiện của các hộ dân xung quanh khu vực phản ánh về việc ô nhiễm môi trường, chấn động do nổ mìn khai thác đá.

Người dân chặn đường vào mỏ đá Ba Nàng, xã Cai Kinh, huyện Hữu Lũng hồi tháng 11/2019.

Tại báo cáo số 685 /UBND-KT, tỉnh Lạng Sơn cũng đề xuất Bộ Xây dựng bổ sung, cập nhật mỏ đá vôi Lân Nặm, xã Đồng Tiến, huyện Hữu Lũng và mỏ đá vôi Bó Cáng, diện tích 51,8 ha thuộc xã Tri Lễ và xã Tú Xuyên, huyện Văn Quan vào Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản làm vật liệu xây dựng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

UBND tỉnh Lạng Sơn kiến nghị Bộ Xây dựng bổ sung đầy đủ thông tin, vị trí, tọa độ, diện tích cụ thể của các điểm mỏ trên vào quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản làm vật liệu xây dựng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 để thuận lợi trong công tác quản lý, bảo vệ tài nguyên khoáng sản chưa khai thác theo đúng quy định hiện hành.

Hoàng Nghĩa