Những chốt kiểm soát giữa dãy núi Trường Sơn của chiến sỹ Đồn biên phòng Ra Mai
Xã hội - Ngày đăng : 17:09, 08/06/2021
Đồn biên phòng Ra Mai đóng quân trên địa bàn xã Trọng Hóa, huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình có nhiệm vụ quản lý, bảo vệ hơn 26km đường biên giới, 6 cột mốc quốc gia giáp với tỉnh Khăm Muộn (CHDCND Lào). Địa bàn được giao phụ trách gồm 2 xã Trọng Hóa (huyện Minh Hóa) và Thanh Hóa (huyện Tuyên Hóa), tỉnh Quảng Bình.
Kể từ khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát thì các Chốt kiểm soát tại đây cũng được thành lập nhằm ngăn chặn tình trạng người vượt biên nhập cảnh trái phép vào nước ta. Thời gian qua, trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19 cán bộ, chiến sĩ (CBCS) Đồn biên phòng Ra Mai đã tăng cường công tác tuần tra tại 2 Chốt kiểm soát ngay giữa núi rừng, ngày đêm bám chốt kiểm soát hoạt động qua lại ở biên giới, cũng như đảm bảo công tác an ninh trật tự trên địa bàn xã Trọng Hóa, huyện Minh Hóa.
Chốt Kiểm soát phòng, chống Covid-19 giữa rừng của Đồn biên phòng Ra Mai, tại xã Trọng Hóa huyện Tuyên Hóa. |
Những ngày đầu tháng 6, thời tiết trên biên giới nắng “như thiêu đốt”, theo chân CBCS Đồn biên phòng Ra Mai đi tuần tra, kiểm soát một ngày tại các chốt chặn đường mòn, lối mở chúng tôi mới thấy hết sự vất vả, khó khăn của những người lính trên tuyến đầu biên giới.
Để đến được Đồn biên phòng Ra Mai, tại Bản Ra Mai, xã Trọng Hóa, từ QL 12A chúng tôi phải chạy xe gần 2 giờ đồng hồ vượt qua những đoạn đường với hàng chục khúc tay áo. Khoảng 11h30 vào đến Bản, sau khi liên lạc với lãnh đạo Đồn biên phòng Ra Mai chúng tôi được Thiếu tá Trần Hùng Phi dẫn đường vào Chốt kiểm soát số 1.
Vừa đi Thiếu ta Trần Hùng Phí, chia sẻ: “Tuy điều kiện ăn, ở tại chốt gặp nhiều khó khăn nhưng chúng tôi luôn xác định nhiệm vụ phòng chống dịch là nhiệm vụ hàng đầu, nên tất cả phải cùng nhau vượt qua khó khăn, thực hiện tốt nhiệm vụ mà cấp trên giao, để góp phần ngăn chặn sự lây lan dịch bệnh vào địa bàn”.
Sau gần 30 phút đi xe máy, chúng tôi lại tiếp tục đi bộ băng rừng gần 1 giờ đồng hồ mới đến điểm Chốt số 1. Tại Chốt kiểm soát số 1 là một căn nhà mái lá nằm sát bờ suối được các CBCS dựng bằng nguyên vật liệu lá cọ, tre, nứa. Chốt luôn có 6-8 chiến sĩ biên phòng túc trực, đây cũng là nơi các chiến sĩ nghỉ ngơi và sinh hoạt ăn uống. Ngoài ra, để đảm bảo lương thực các cán bộ, chiến sĩ cũng tự nuôi gà, trồng rau sát bờ suối. Cứ 2-3 ngày, sẽ cắt cử một chiến sĩ băng rừng ra bản để mua lương thực, thực phẩm thiết yếu.
Với nhiệm vụ được giao, mỗi ngày chiến sĩ tại chốt phải đi tuần tra 4 giờ đồng hồ đi bộ đường bang rừng kiểm soát các chốt, đường mòn, lối mở những khu vực trọng yếu. Những cuộc hành quân tuần tra các cột mốc biên giới thường có thời gian lâu hơn vì phải đi bộ vào trong rừng sâu 6 giờ đồng hồ. Mỗi đợt đi tuần mốc tại biên giới các CBCS thường tuần trong 3 ngày, 2 đêm vừa làm nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu, vừa chủ động tham gia phòng chống dịch.
Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Ra Mai đi tuần tra tại các mốc biên giới. |
Trao đổi với PV, Thượng tá Phạm Minh Dũng - Đồn trưởng Đồn Biên phòng Ra Mai, cho biết: “Tôi cùng các đồng chí Đồn Biên phòng Ra Mai xem đây là một nhiệm vụ lâu dài, nên tất cả các chiến sĩ đều nêu cao tinh thần chống dịch như chống giặc, sẵn sàng vượt qua mọi khó khăn để kiểm soát tốt địa bàn biên giới mà mình phụ trách. Ngoài công tác tuần tra biên giới, chúng tôi vẫn luôn động viên, tuyên truyền cho bà con trong bản về mức độ nguy hiểm của dịch bệnh Covid-19, để mỗi người không được lơ là tiếp tay cho các đội tượng xấu có ý định vượt biên trái phép”.
Từ khi thành lập chốt đến nay, Đồn biên phòng Ra Mai đã phát hiện 7 trường hợp vượt biên trái phép, các trường hợp này đa số là người dân trong bản sang tỉnh Khăm Muộn ( Lào) để thăm người thân. Ngoài việc tuần tra kiểm soát biên giới, các CBCS vẫn luôn tuyên truyền sâu rộng cách phòng chống dịch bệnh cho đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống trong bản, để mỗi người dân bản hiểu rõ hơn về công tác phòng chống dịch Covid-19.
“Mỗi đợt tuần tra, kiểm soát các cột mốc biên giới với thời gian 3 ngày, 2 đêm, từ 8 giờ sáng đến 4 giờ chiều ngày thứ 2 đi tuần, các chiến sỹ sẽ không có nước uống do rừng đồi núi không có suối. Chỉ đến ngày thứ 3 thì mới đi bộ đến cột mốc có nước để uống. Còn một điều tôi lo lắng nữa là việc nếu trong lúc đi tuần cột mốc chẳng may có anh em nào bị đau ruột thừa thì rất nguy hiểm đến tính mạng, nên bao giờ đi tuần chúng tôi đều phải mang bộ đàm theo thì báo về để có phương án ứng cứu”, Thượng tá Dũng Phạm Minh Dũng trân trở.