Chặn “cơn sốt” đất, địa phương dừng tách thửa

Bất động sản - Ngày đăng : 11:24, 08/06/2021

(TN&MT) - Những 'cơn sốt' đất ăn theo thông tin chưa rõ ràng về các dự án hạ tầng quan trọng như: sân bay, đường cao tốc, đô thị... là nguồn cơn gây ra “bong bóng” bất động sản. Để ngăn chặn tình trạng này, nhiều địa phương đã dừng không cho dồn ô, tách thửa, chuyển đổi mục đích sử dụng đất.

Chạy đua cùng cơn sốt đất

Để kịp chạy đua cùng cơn sốt đất, thời gian vừa qua, nhiều địa phương nóng lên tình trạng cho tách ô thửa, chuyển đổi mục đích sử dụng từ đất nông nghiệp sang đất ở.

Theo ghi nhận của PV, tại nhiều huyện ngoại thành Hà Nội - nơi từng xảy ra cơn sốt đất như Đông Anh, Sóc Sơn, Ứng Hòa, Thạch Thất, Quốc Oai… tình trạng mua gom các loại đất nông nghiệp, đất trồng cây lâu năm thậm chí cả đất rừng sản xuất  xuất hiện nhiều lên trong thời gian gần đây.

Chị Nguyễn Hạnh Nguyên, một nhân viên môi giới tại huyện Ứng Hòa cho biết, cuối năm 2020, sau khi có thông tin xây dựng sân bay tại Ứng Hòa, nhiều nhà đầu đã tìm về đây để đầu tư bất động sản. Họ mua gom rất nhiều loại đất như đất nông nghiệp, đất lúa, đất % với diện tích cả vài nghìn m2. Sau đó, chia ra các ô thửa nhỏ để bán sang tay kiếm lời.

Nhiều địa phương đã dừng không cho dồn ô, tách thửa, chuyển đổi mục đích sử dụng đất.

Còn tại khu vực huyện Quốc Oai, Hà Nội, lợi dụng thông tin Thủ tướng vừa phê duyệt Quy hoạch chung khu đô thị Hòa Lạc, nhiều đơn vị môi giới bất động sản đã thổi giá lên.

Các môi giới gợi ý người mua có thể mua cả thửa đất to với số lượng lên đến 2.000 - 3.000 m2, bao gồm đất ở xen kẹt với đất vườn, đất nông nghiệp. Sau đó, các môi giới sẽ đứng ra lo liệu chuyển mục đích sử dụng thành đất ở. Người mua có thể chia đất thành các lô nhỏ để bán.

Tương tự, tại nhiều tỉnh như Lâm Đồng, Quảng Ninh… cũng rộ lên tình trạng này. Trong đó, theo quy định đất ở nông thôn tại các khu vực này có diện tích 200 - 400 m2 nhưng có nhiều người mua đất lúa, đất trồng cây lâu năm, sau đó xin chuyển mục đích sử dụng một phần để qua mặt chính quyền nhằm tách thửa để đầu cơ, bán đất hay xây nhà bán kiếm lời.

Theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng, một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do các địa phương tích cực triển khai lập quy hoạch tỉnh; trong đó có chủ trương đầu tư các dự án lớn về phát triển đô thị, nhà ở, hạ tầng xã hội..., nhưng lại chưa thông tin công khai, định hướng kịp thời cho người dân. Do đó, giới đầu cơ lợi dụng tung tin, đồn thổi đẩy giá bất động sản.

Thêm vào đó, các biện pháp quản lý cũng chưa chặt chẽ nên xuất hiện tình trạng nhà đầu tư, người dân chuyển nhượng quyền sử dụng đất, chia tách, phân lô, bán nền tại những khu vực chưa được đầu tư, hoàn chỉnh hệ thống hạ tầng; thực hiện mua đi, bán lại, giao dịch trao tay nhiều lần để đẩy giá.

Chính vì vậy, Chính phủ đã  chỉ đạo các Bộ, ngành tăng cường thanh, kiểm tra, rà soát việc quản lý đất đai, xây dựng nhằm hạn chế tình trạng này.

Cấm dồn ô, tách thửa

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo và thành lập các đoàn thanh, kiểm tra về tình trạng phân lô, bán nền tại nhiều địa phương như Lâm Đồng, Bắc Ninh, Hòa Bình… Hiện, nhiều địa phương cũng đã thực hiện “lệnh” cấm dồn ô, tách thửa.

Điển hình là tỉnh Bắc Giang - nơi đã từng ghi nhận mức tăng giá kỷ lục về đất đai đã yêu cầu tạm dừng thực hiện việc cho phép chuyển mục đích sử dụng phần đất nông nghiệp trong thửa đất đơn lẻ sang đất ở.

Hiện, Thanh tra Bộ TN&MT đang tiến hành thanh tra tại 3 tỉnh gồm Lâm Đồng, Bình Thuận và Khánh Hòa để đánh giá công tác quản lý Nhà nước về lĩnh vực đất đai trên địa bàn các tỉnh. Đặc biệt, trình tự thủ tục và các bước thực hiện công tác cập nhật, chỉnh lý biến động sử dụng đất do chuyển mục đích sử dụng đất; tách thửa, hợp thửa.

Tiếp đến, tỉnh Lâm Đồng cũng tạm dừng tiếp nhận các hồ sơ tách thửa phát sinh cho đến khi có quyết định điều chỉnh và ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh.

TP. Hạ Long (Quảng Ninh) cũng đề nghị tạm dừng một số thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực đất đai tại 11 xã, phường. Cụ thể, các thủ tục tạm dừng bao gồm: Cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lần đầu; tách thửa đất; chuyển mục đích sử dụng đất; cấp lại Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất do bị mất; xác nhận tiếp tục sử dụng đất nông nghiệp đối với hộ gia đình, cá nhân khi hết hạn sử dụng đất; chuyển nhượng quyền sử dụng các loại đất (đất trồng lúa; trồng cây hàng năm khác; đất trồng cây lâu năm; đất lâm nghiệp; đất nuôi trồng thủy sản; đất nông nghiệp khác trừ trường hợp đất nông nghiệp trong cùng thửa đất có đất ở được quy định tại mục điều kiện tách thửa….

Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) đánh giá, Luật Đất đai 2003 và 2013 đều không quy định về tách thửa đất nông nghiệp hoặc tách thửa các loại đất khác không phải là đất ở. Luật Đất đai 2013 chỉ quy định tách thửa đất ở tại nông thôn và tách thửa đất ở tại đô thị. Nhưng, tại Nghị định 43 lại quy định UBND cấp tỉnh quy định diện tích tối thiểu được phép tách thửa đối với từng loại đất cho phù hợp với điều kiện cụ thể của địa phương.

Quy định này đã cho phép tách thửa đối với từng loại đất, có thể hiểu là cho phép tách thửa đối với đất nông nghiệp, đất lâm nghiệp, đất phi nông nghiệp… từ đó có thể dẫn đến tình trạng các đầu nậu, doanh nghiệp “bất lương” lợi dụng tách thửa tràn lan và biến tướng thành đất ở, làm phá vỡ quy hoạch phát triển đô thị.

Chính vì vậy HoREA đề nghị Chính phủ xem xét, bãi bỏ quy định này vì không phù hợp với pháp luật đất đai và có thể dẫn đến hệ quả làm gia tăng tình trạng phân lô, tách thửa tràn lan, khó kiểm soát.

Thùy Linh