Tổng cục Thuế đôn đốc thu hồi nợ đọng thuế
Kinh tế - Ngày đăng : 15:28, 07/06/2021
Đến thời điểm cuối tháng 5/2021, tổng số tiền thuế nợ tăng cao so với thời điểm cuối năm 2020. Ảnh minh họa |
Theo Tổng cục Thuế, qua tổng hợp báo cáo của cục thuế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, tính đến thời điểm cuối tháng 5/2021, tổng số tiền thuế nợ tăng cao so với thời điểm cuối năm 2020. Trong đó, tập trung chủ yếu ở nhóm tiền thuế nợ trên, dưới 90 ngày và một số khoản thu, sắc thuế như: giá trị gia tăng, thu nhập doanh nghiệp, thu nhập cá nhân, các khoản thu liên quan đến đất. Nếu tính theo địa phương thì toàn quốc có 55 địa phương có tổng số tiền thuế nợ tăng so với thời điểm cuối năm 2020, trong đó, một số địa phương có nợ tăng cao.
Để đảm bảo phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước năm 2021, thu hồi nợ đọng thuế vào ngân sách nhà nước, giảm nợ đọng thuế đến cuối năm 2021 xuống dưới 5% so với số thực thu vào ngân sách Nhà nước theo đúng chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế đề nghị Cục Thuế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức rà soát, phân loại nợ, phân tích nguyên nhân nợ của từng đối tượng nợ thuế, lập danh sách các doanh nghiệp, cá nhân nợ thuế theo từng nhóm nguyên nhân nợ, đặc biệt tập trung rà soát, phân loại những người nộp thuế bị ảnh hưởng trực tiếp bởi dịch bệnh Covid-19, trên cơ sở đó, áp dụng biện pháp thu nợ phù hợp với từng đối tượng.
Tổng cục Thuế cũng yêu cầu cần tăng cường công tác tuyên truyền, hỗ trợ, hướng dẫn người nộp thuế thuộc đối tượng được gia hạn theo quy định tại Nghị định số 52/2021/NĐ-CP ngày 19/4/2021 của Chính phủ gửi Giấy đề nghị gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất đúng thời hạn quy định. Trường hợp người nộp thuế gửi Giấy đề nghị gia hạn sau thời điểm khóa sổ kế toán thuế thì cơ quan thuế thực hiện điều chỉnh tiền chậm nộp kịp thời cho người nộp thuế.
Riêng đối với các trường hợp người nộp thuế nợ thuế chây ỳ, kéo dài, cục Thuế phải thực hiện đầy đủ các biện pháp đôn đốc, cưỡng chế và công khai thông tin theo đúng quy định của Luật Quản lý thuế để thu hồi tiền thuế nợ vào ngân sách nhà nước. Đối với các khoản nợ tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, cơ quan Thuế phải thực hiện rà soát, xử lý, xác định chính xác số tiền người nộp thuế còn nợ ngân sách nhà nước.
Trường hợp có vướng mắc, cục thuế phải chủ trì và phối hợp với các cơ quan liên quan trên địa bàn, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố hoặc cơ quan có thẩm quyền để giải quyết dứt điểm số nợ tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, tiền cấp quyền khai thác khoáng sản.
Riêng với trường hợp người sử dụng đất chưa thực hiện đầy đủ nghĩa vụ nộp tiền sử dụng đất, tiền thuê đất và cơ quan Thuế đã áp dụng biện pháp cưỡng chế nhưng không chấp hành thì cơ quan Thuế chủ động ban hành văn bản kiến nghị UBND thu hồi đất.
Tổng cục Thuế cũng yêu cầu các cục thuế phải tiếp tục tập trung rà soát, thu thập, bổ sung, hoàn thiện hồ sơ và thực hiện xử lý nợ theo quy định tại Nghị quyết số 94/2019/QH14 của Quốc hội và hướng dẫn tại Thông tư số 69/2020/TT-BTC ngày 15/7/2020 của Bộ Tài chính về khoanh nợ tiền thuế, xóa nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp đối với người nộp thuế không còn khả năng nộp ngân sách nhà nước, đảm bảo xử lý đúng đối tượng, đúng thẩm quyền; hồ sơ, trình tự, thủ tục chặt chẽ và xử lý được tối đa số tiền thuế, tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp không còn khả năng nộp ngân sách.
Đặc biệt, các cục Thuế cũng phải tăng cường phối hợp với UBND các cấp và các cơ quan liên quan như: kho bạc Nhà nước, ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng, cơ quan kế hoạch đầu tư, tài nguyên môi trường, công an, tòa án... trong việc thực hiện nhiệm vụ đôn đốc, cưỡng chế để thu hồi tiền thuế nợ vào ngân sách Nhà nước và xử lý các khoản nợ không có khả năng thu hồi.