Lính biển “sống xanh”
Biển đảo - Ngày đăng : 11:21, 07/06/2021
“Nhà rác” - mô hình sáng tạo
Dưới cái nắng chang chang của miền Đông Nam Bộ những ngày đầu tháng 6, hàng trăm cán bộ, chiến sĩ, đoàn viên thanh niên của Lữ đoàn tàu tên lửa tiến công nhanh 167 Vùng 2 Hải quân, mồ hôi nhễ nhại, tích cực nhặt rác thải khu vực cầu cảng đưa vào nơi quy định, phân loại rồi chuyển đi. Dẫu vẫn hiểu đây là công việc hằng ngày, nhưng nó càng có ý nghĩa lan tỏa trong dịp toàn Lữ đoàn thực hiện “Ngày Môi trường và đại dương thế giới” năm 2021.
Các chiến sĩ Tàu săn ngầm, phân loại rác thải trước khi đem đi xử lý. Ảnh: Minh Nhân |
Trung úy Đỗ Văn Dũng, Trợ lý thanh niên, Phó Bí thư đoàn cơ sở Lữ đoàn 167 cho biết, những ngày này, đoàn viên thanh niên của Lữ đoàn 167 tích cực thưc hiện “Ngày Môi trường thế giới và Ngày Đại dương thế giới”. “Dù công việc nhặt rác thải quanh tàu hoặc thực hiện “nếp sống xanh” đã được tàu triển khai, thực hiện từ những năm trước, nhưng đây là dịp để chúng tôi nâng cao ý thức trách nhiệm cho mỗi quân nhân thấy được việc làm ý nghĩa của bảo vệ môi trường sống. Không nhiều rác thải như ở xí nghiệp sản xuất, nhưng nếu không được dọn thường xuyên, ảnh hưởng rất lớn đến quá trình huấn luyện, học tập, sinh hoạt. Trong môi trường hoạt động quân sự, càng phải thực hiện chặt chẽ nếp sống xanh. Nếp sống xanh ở đây không chỉ là hành động nhặt rác, trồng cây; mà được hình thành ngay từ ý thức từ não của mỗi người. Sống vì mọi người, vì môi trường sạch cho mình và những người quanh mình”, Trung úy Dũng, chia sẻ.
Trung úy Đỗ Văn Dũng cho biết, từ năm 2020, Lữ đoàn 167 đã thực hiện mô hình “ngôi nhà 100 đồng”. Đây là biện pháp được coi là tiện lợi mọi lúc mọi nơi để thu gom rác thải sinh hoạt từ tàu lên cầu cảng.
“Ngôi nhà 100 đồng” thực chất là nơi chứa rác thải. Hằng ngày, mỗi tàu hải quân thải ra từ 30 đến hơn100 kg rác thải các loại. Nếu không được thu gom vào “nhà rác”, sẽ “ùn ứ” tại tàu. Trước thực tế đó, các chiến sĩ đã đề xuất đem rác thải từ tàu lên cầu cảng dồn lại một nơi để vệ sinh môi trường đến chuyển đi. Vậy là mô hình “nhà rác” được sinh ra từ đó.
Hằng ngày, sau mỗi buổi chiều huấn luyện, các chiến sĩ trẻ lại thu gom giấy, vỏ chai nhựa, hộp xốp và các vật liệu tái chế tập kết về “Ngôi nhà rác” và phân loại trực tiếp tại chỗ. Sau đó, vật liệu tái chế được bán gây quỹ để tổ chức các hoạt động giúp đỡ, hỗ trợ cán bộ, chiến sĩ có hoàn cảnh khó khăn; tổ chức các hoạt động thể dục thể thao, văn hóa văn nghệ. Trung bình mỗi tháng, mô hình “Ngôi nhà 100 đồng” thu gom được khoảng 140kg rác thải nhựa, bán được 400 ngàn đồng.
Đoàn viên thanh niên Lữ đoàn 167 thực hiện “Ngày Chủ nhật Xanh”, dọn vệ sinh quanh doanh trại. Ảnh: Trung Hiếu |
Trung úy Nguyễn Mạnh Hà ở Tàu 272 chia sẻ: “Đây là hoạt động thiết thực nhằm bảo vệ môi trường. Khi thực hiện nhiệm vụ trên biển và cả những khi tàu neo tại cảng, tôi đều nêu cao ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường bằng những việc làm cụ thể như để rác đúng nơi quy định; tích cực tham gia thu gom, phân loại rác thải nhằm giữ gìn vệ sinh môi trường và xây dựng quỹ”.
Cùng với những tàu tên lửa của Lữ đoàn 167, khối tàu săn ngầm của Lữ đoàn 171 Hải quân cũng triển khai mô hình “ngôi nhà 100 đồng”. Quân bình 5 tàu săn ngầm của Lữ đoàn 171 thải ra môi trường 200 kg rác thải các loại, trong đó có rác thải rắn, nhựa. Để tránh ô nhiễm môi trường, bộ đội các tàu đã dựng các “nhà rác” dọc trên cầu cảng. Rác thải sau khi phân loại từ dưới tàu, được bộ đội đem “nhốt” vào nhà rác để nhân viên môi trường đem xử lý nơi quy định.
Thiếu tá Lê Thị Xuân, quản lý bếp ăn cho hay: “Để tạo ra môi trường sống xanh, sạch, toàn bộ rác thải được dồn lại và bỏ vào “nhà rác”. Đối với rác thải hữu cơ sẽ tận dụng làm phân bón, rác thải nhựa sẽ dồn lại để nhân viên môi trường đem đi xử lý. Quân số bộ đội đông, mô hình nhà rác là cách làm sáng tạo tốt để bảo vệ môi trường sống”.
Đem rác về bờ
Cùng với các cán bộ, chiến sĩ trong đất liền, lính Hải quân tại 15 nhà giàn DK1 đang thực hiện nhiệm vụ trên thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc cũng đã và đang tích cực triển khai nhiều giải pháp nhằm thu gom, xử lý rác thải, hạn chế thấp nhất tác động đến môi trường biển.
Bộ đội Lữ đoàn 171 nhặt rác thải, bịch ni lông bờ biển Vũng Tàu. Ảnh: Lê Khanh |
Trung úy Trần Khánh Nhật, Phó Chỉ huy trưởng Nhà giàn DK1/12 cho biết, thời gian gần đây, rác thải từ các vùng biển khác theo sóng, gió trôi về và do các tàu của ngư dân xả thải trực tiếp xuống biển khi khai thác hải sản ở vùng biển thềm lục địa phía Nam ngày càng nhiều. Do đó, hàng ngày, cán bộ, chiến sĩ đều tổ chức thu gom, phân loại rác thải. Những loại rác thải rắn, khó phân hủy như nhựa, túi ni lông… được đập nhỏ, ép mỏng, đóng bao, sau đó sẽ gửi theo các tàu cấp hàng chuyển vào bờ xử lý tập trung.
Trong ngày nghỉ, giờ nghỉ, cán bộ, chiến sĩ nhà giàn sử dụng gậy dài, đầu buộc câu liêm để vớt bao ni lông bị sóng đánh dạt vào chân nhà giàn. Từ đó đến nay, các chuyến tàu cấp hàng kết hợp đưa đón cán bộ chiến sĩ nhà giàn về đất liền thường có thêm nhiệm vụ là vận chuyển rác thải từ các nhà giàn đưa về bờ xử lý.
Còn tại Nhà giàn DK1/15, để tránh tình trạng ngư dân xả rác sinh hoạt trực tiếp xuống biển, trong các đợt tàu cá của ngư dân vào khu vực nhà giàn tránh trú gió, bão, chỉ huy đảo lồng ghép các nội dung tuyên truyền với tuyên truyền bảo vệ môi trường biển.
Thiếu tá Vũ Văn Hậu, Chỉ huy trưởng Nhà giàn DK1/15 cho biết: “Ngoài tuyên truyền để bà con hiểu được tác hại của việc xả thải trực tiếp xuống biển, chúng tôi vận động ngư dân bảo vệ môi trường sinh thái biển bằng cách nói không với hình thức khai thác hải sản bằng các nổ mìn, không đổ cặn dầu ra biển và nêu cao ý thức bảo vệ môi trường biển”.
Theo Thiếu tá Nguyễn Trung Dũng, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn DK1, xác định bảo vệ môi trường biển là nhiệm vụ cấp bách, Tiểu đoàn DK1 sẽ thường xuyên giáo dục nâng cao ý thức, trách nhiệm cho cán bộ, chiến sĩ; tích cực tuyên truyền, vận động ngư dân bảo vệ môi trường sinh thái biển nhằm hạn chế ảnh hưởng của ô nhiễm môi trường biển đối với sức khỏe cộng đồng và đời sống bộ đội.
Môi trường sống không tự nhiên ngày càng ô nhiễm, mà nó là “con đẻ vô thức” con người. Hành động vô thức của con người xả rác bừa bãi, đã làm tăng nguy cơ ô nhiễm khí hậu. Nó âm ỉ “gặm nhấm” sức khỏe mà chính người xả rác cũng không ý thức được việc xả rác là có hại cho chính họ và cộng đồng. Hãy làm một điều tốt, một hành động nhỏ có ích, không xả rác, hạn chế dùng chất thải nhựa đã là hành động đẹp để chung tay bảo vệ môi trường sống cho mình và cộng đồng quanh mình”.