Sóc Trăng: Đẩy mạnh bảo vệ môi trường và hệ sinh thái ven biển
Biển đảo - Ngày đăng : 11:07, 07/06/2021
Theo lãnh đạo Sở TN&MT tỉnh Sóc Trăng, hưởng ứng Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam và Ngày Đại dương thế giới năm 2021, Sở TN&MT đang cùng với các cơ quan, đơn vị, UBND các huyện, thị xã, thành phố triển khai tổ chức nhiều hoạt động nhằm kêu gọi mọi người dân nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật về biển và có những hành động thiết thực để bảo tồn và phát huy những giá trị tài nguyên, môi trường biển, góp phần thực hiện hiệu quả các nội dung về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng.
Huyện Cù Lao Dung (tỉnh Sóc Trăng) có 17 km bờ biển với 8/8 xã, thị trấn thuộc xã đảo. Thời gian qua, để thực hiện có hiệu quả Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển, cải thiện môi trường, hệ sinh thái ven biển, huyện Cù Lao Dung đã triển khai nhiều giải pháp. Trong đó, chú trọng công tác tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức của các tầng lớp nhân dân về vị trí, tầm quan trọng của biển, hải đảo và tôn vinh những giá trị của đại dương.
Tỉnh Sóc Trăng triển khai nhiều giải pháp nhằm bảo tồn và phát huy những giá trị tài nguyên, môi trường biển trên địa bàn tỉnh. |
Bên cạnh đó, hàng năm, hưởng ứng Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam và Ngày Đại dương thế giới, các Ban, ngành đoàn thể, UBND xã, thị trấn trên địa bàn huyện Cù Lao Dung cũng đã triển khai các hoạt động tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, người dân đối với việc bảo vệ tài nguyên, môi trường biển; ra quân thu gom rác thải ven biển…
Đồng thời, UBND các xã, thị trấn trên địa bàn huyện Cù Lao Dung còn chú trọng tạo sinh kế cho người dân ven biển. Ông Nguyễn Văn Sử, Bí thư, Chủ tịch UBND xã Đại Ân 1 (huyện Cù Lao Dung) cho biết: “Nhằm tạo sinh kế cho người dân, hơn 16 ha đất bãi bồi ven biển trên địa bàn xã vừa được giao khoán cho khoảng 40 người dân tham gia tổ trồng rừng và bảo vệ rừng. Hình thức này không chỉ góp phần mở rộng thêm diện tích rừng trên địa bàn xã Đại Ân 1, mà còn giúp cải thiện đời sống cho nhiều người dân ven biển”.
So với các địa phương khác trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, tỉnh Sóc Trăng có nhiều lợi thế trong việc phát triển kinh tế biển với các lĩnh vực quan trọng như: đánh bắt, nuôi trồng, chế biến thủy, hải sản, dịch vụ cảng biển, vận tải biển, du lịch… Tuy nhiên, trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội vùng ven biển trên địa bàn tỉnh cũng đặt ra nhiều khó khăn, thách thức trong việc bảo vệ môi trường khu vực ven biển khi các nguồn lợi thủy sản, đa dạng sinh học đang bị suy giảm.
Nhằm góp phần khắc phục tình trạng này, những năm qua, Sở TN&MT cùng các Sở, ngành, đơn vị chức năng tỉnh Sóc Trăng đã tập trung tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về tài nguyên, môi trường biển đến các tầng lớp nhân dân; đồng thời, tổ chức các hoạt động vệ sinh thu gom rác thải ven biển; xây dựng công trình cải tạo khắc phục ô nhiễm các tuyến sông, kênh rạch khu vực ven biển.
Cùng với đó, Sở TN&MT tỉnh Sóc Trăng còn triển khai thực hiện điều tra, xác định khu vực biển bị ô nhiễm, đánh giá các nguồn thải từ đất liền và từ trên biển; xây dựng kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu và bản đồ nhạy cảm môi trường đường bờ phục vụ công tác ứng phó sự cố tràn dầu khu vực ven biển; thiết lập hành lang bảo vệ bờ biển và quản lý hồ sơ tài nguyên hải đảo, xã đảo.
Đặc biệt, thực hiện theo Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22/10/2018 của Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, UBND tỉnh Sóc Trăng cũng đã ban hành Kế hoạch nhằm triển khai các nội dung Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng.
Theo đó, trong giai đoạn 2020 - 2025, tỉnh Sóc Trăng sẽ tập trung rà soát, đánh giá, điều chỉnh, bổ sung, ban hành mới các văn bản pháp luật về tài nguyên, môi trường biển, hải đảo, khai thác sử dụng hợp lý, hiệu quả tài nguyên các khu vực biển. Trong giai đoạn 2025 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045, tỉnh Sóc Trăng cũng sẽ đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao, công nghệ vi sinh và bảo vệ môi trường nuôi bền vững; phát huy tối đa hiệu quả sử dụng đất bãi bồi khu vực ven biển; điều tra, khảo sát, đánh giá các tiềm năng khoáng sản biển.