TP.HCM: Đảm bảo an toàn phòng, chống dịch Covid -19 tại các khu công nghiệp

Kinh tế - Ngày đăng : 18:01, 06/06/2021

(TN&MT) - TP.HCM hiện có 17 khu chế xuất, khu công nghiệp (KCX – KCN), với khoảng 1.330 doanh nghiệp đang hoạt động, tổng số lao động khoảng 280.000 người (trong đó có 2.228 lao động là người nước ngoài). Nhờ triển khai các biện pháp cấp bách, đồng bộ, quyết liệt về phòng, chống dịch bệnh Covid -19 trong các KCX – KCN, đến nay TP.HCM chưa ghi nhận ca nhiễm tại khu vực này.

Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong (bìa phải) kiểm tra công tác sản xuất đảm bảo an toàn phòng, chống dịch Covid -19 tại Khu chế xuất Linh Trung (TP. Thủ Đức)

Gấp rút triển khai nhiều biện pháp

Theo báo cáo của Ban Quản lý các KCN – KCX TP.HCM (Hepza): Ngay từ khi dịch bệnh Covid – 19 bùng phát, TP.HCM đã thành lập Ban Chỉ đạo về phòng, chống dịch Covid-19 tại các KCN - KCX Thành phố. Đồng thời, triển khai thành lập Ban chỉ đạo phòng chống dịch ở các Công ty phát triển hạ tầng các KCN – KCX và tại các doanh nghiệp. Đặc biệt, Hepza yêu cầu các doanh nghiệp kích hoạt ngay các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch tại các khu vực sản xuất, nơi sinh hoạt, ăn ở của công nhân, theo đúng chỉ đạo của Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch bệnh Covid -19.

Ngay sau đó, Hepza đã phối hợp với Sở Y tế xây dựng ban hành kế hoạch và kịch bản diễn tập tình huống phát sinh ca bệnh Covid-19 trong KCX – KCN; diễn tập phương án, ứng phó phòng chống dịch Covid-19 đảm bảo tính khả thi, phù hợp điều kiện thực tế của phương án chống dịch. Đồng thời, hướng dẫn xây dựng phương án phòng chống dịch cụ thể cho từng doanh nghiệp trên cơ sở phương án mẫu do Trung tâm kiểm soát bệnh tật Thành phố (HCDC) trong các trường hợp như: có công nhân sốt, ho, viêm họng; trường hợp công nhân có tiếp xúc F0; trường hợp công nhân nhiễm bệnh nhưng không còn ở doanh nghiệp.

Mặt khác, Hepza cũng yêu cầu doanh nghiệp ký Bản cam kết 3 bên giữa Doanh nghiệp - Ban quản lý - chính quyền địa phương trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại doanh nghiệp; xây dựng Bản tự đánh giá nguy cơ lây nhiễm dịch Covid-19 tại cơ sở sản xuất, kinh doanh.

Bà Nguyễn Thị Hồng Liên, Trưởng phòng Quản lý Lao động, Hepza cho biết: Tính đến ngày 4/6, 98% doanh nghiệp đã ký Bản cam kết Đảm bảo công tác phòng chống dịch Covid-19 tại doanh nghiệp; trên 60% doanh nghiệp đã tự đánh giá nguy cơ lây nhiễm dịch Covid-19 tại cơ sở sản xuất, kinh doanh và sẽ hoàn thành 100% trước ngày 10/6.

Bên cạnh đó, Hepza đã yêu cầu tất cả doanh nghiệp gửi danh sách thông tin cơ bản của tất cả công nhân viên tại tất cả doanh nghiệp với mục đích quản lý nhân sự và dễ dàng điều tra được yếu tố dịch tễ khi xảy ra trường hợp có ca nhiễm Covid-19 tại KCX - KCN. Đồng thời, tất cả KCX - KCN đều có điểm cầu họp trực tuyến hàng tuần với Hepza về công tác phòng, chống dịch Covid-19.

Đến ngày 5/6, Trung tâm y tế các quận, huyện, TP. Thủ Đức và Trung tâm kiểm soát bệnh tật Thành phố đã lấy trên 30.000 mẫu tầm soát diện rộng cho công nhân, người lao động trong KCX – KCN, khu lưu trú công nhân. Kết quả, TP.HCM chưa phát hiện một ca nhiễm Covid -19 tại các KCX – KCN.

Lấy mẫu xét nghiệm tầm soát Covid -19 tại Khu công nghiệp Vĩnh Lộc (huyện Bình Chánh)

Không an toàn, không sản xuất

Thực hiện các biện pháp phòng chống dịch Covid -19, nhiều doanh nghiệp trong các KCX – KCN tại TP.HCM đã chủ động triển khai nhiều biện pháp phòng, chống dịch như: tuyên truyền, vận động công nhân thực hiện đúng quy tắc 5K của Bộ Y tế; điều chỉnh giờ làm của các dây chuyền sản xuất, nhằm giảm mật độ tập trung công nhân, người lao động cùng một thời điểm. Các doanh nghiệp cũng trang bị vách ngăn trên các bàn ăn, chia nhỏ số lần ăn, bố trí công nhân ngồi ăn theo các vị trí cố định của từng người để dễ dàng truy vết nếu có sự cố xảy ra.

Bên cạnh đó, theo Hepza, các doanh nghiệp trong các KCX – KCN tiếp tục tuân thủ nghiêm các quy định về bảo vệ môi trường trong thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải công nghiệp, đặc biệt là lượng rác thải y tế phát sinh trong phòng, chống dịch Covid -19 ( khẩu trang y tế, găng tay, hộp đựng hóa chất, nước khử khuẩn…)

Ông Morishima Takao, Tổng Giám đốc Công ty FAPV ( Khu chế xuất Tân Thuận, Quận 7) cho biết: “Với quy mô gần 8.000 lao động, Công ty đã và đang thực hiện nhiều biện pháp phòng chống dịch để đảm bảo an toàn cho người lao động và hoạt động sản xuất của doanh nghiệp. Theo đó, chúng tôi thực hiện đo nhiệt độ toàn bộ công nhân khi vào làm, tất cả phải đeo khẩu trang. Đồng thời, giữ khoảng cách ở những khu cộng đồng như căn tin, nhà ăn. Thay vì ngồi đối diện, giờ mọi người ngồi một bên, hạn chế tối đa việc tiếp xúc gần”.

Ông Hứa Quốc Hưng, Trưởng Ban Hepza khẳng định: “Ngoài tăng cường tuyên truyền cho công nhân, người lao động, các chủ doanh nghiệp phải trang bị sẵn các kịch bản, phương án để ứng phó với sự cố khi xảy ra. Nhưng khi có bất kỳ một doanh nghiệp nào không tuân thủ yêu cầu, khuyến cáo của ngành Y tế về phòng, chống dịch và Bộ tiêu chí sản xuất an toàn thì chúng tôi sẽ lập tức đề nghị doanh nghiệp tạm ngừng sản xuất để khắc phục đến khi đầy đủ các yêu cầu thì sẽ cho hoạt động trở lại”.

Theo ông Hưng, TP.HCM đã thẩm tra, kiểm tra kết quả tự đánh giá nguy cơ lây nhiễm Covid-19 tại 65 doanh nghiệp trong KCX – KCN. Kết quả: 16 doanh nghiệp rất ít nguy cơ lây nhiễm, 41 doanh nghiệp nguy cơ lây nhiễm thấp, 05 doanh nghiệp nguy cơ lây nhiễm trung bình, 03 doanh nghiệp nguy cơ lây nhiễm cao.Sau khi kiểm tra, các doanh nghiệp có nguy cơ lây nhiễm cao và nguy cơ lây nhiễm trung bình đều đã có biện pháp khắc phục ngay các khuyến cáo của Đoàn kiểm tra.

Để tiếp tục kiểm soát tốt dịch bệnh Covi -19, ông Hứa Quốc Hưng, Trưởng ban Hepza đề xuất cần tiếp tục thực hiện tầm soát lấy mẫu diện rộng đối với tất cả các KCX - KCN, đặc biệt là người làm việc trong môi trường kín, sử dụng máy lạnh nhằm phát hiện sớm nguồn bệnh tiềm ẩn. Đồng thời, sớm thực hiện tiêm vắc-xin cho lực lượng lao động đang làm việc tại các KCX – KCN.

 

Nguyễn Quỳnh