Đông Hưng (Thái Bình): Đất nông nghiệp biến thành bãi tập kết VLXD, chính quyền xã Chương Dương có “làm ngơ”?

Bạn đọc - Pháp luật - Ngày đăng : 08:31, 06/06/2021

(TN&MT) - Dù cách không xa trụ sở UBND xã Chương Dương, song nhiều năm nay, Công ty CP Vận tải thủy bộ Lan Anh Dũng và Công ty TNHH Đại Phúc tại thôn Cao Mỗ, xã Chương Dương, huyện Đông Hưng (Thái Bình) ngang nhiên “hô biến” hàng nghìn m2 đất nông nghiệp trở thành bãi đúc cọc bê tông, bãi tập kết, kinh doanh vật liệu xây dựng (VLXD), vi phạm hành lang an toàn giao thông, gây ô nhiễm môi trường, nhưng không bị kiểm tra, xử lý?.

Theo phản ánh của người dân, từ nhiều năm nay, tại mặt đường Quốc lộ 39, thuộc địa bàn thôn Cao Mỗ, xã Chương Dương xuất hiện 2 bãi tập kết VLXD rộng hàng trăm m2. Hàng ngày xe chở cát đá ra vào tập nập, những ngày trời nắng bụi bay mù mịt, gây mất ATGT, ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân địa phương. Cạnh đó vài mét, cũng mọc lên một cơ sở đúc cọc bê tông trái phép hoạt động suốt ngày đêm, nước thải từ việc sục rửa máy trộn bê tông không qua xử lý được xả thẳng ra ruộng, ảnh hưởng đến hoạt động canh tác của bà con.

Một người dân có ruộng gần đó cho biết: “Các bãi này có từ lâu rồi, họ tự ý san lấp ruộng rồi làm bãi trung chuyển cát, đá. Xe chở vật liệu đi lại liên tục khiến bụi bay khắp nơi, nhất là mùa này gió to, ruộng canh tác của chúng tôi bên cạnh bị ảnh hưởng rất lớn vì bụi đá phủ lên cây trồng khiến năng suất giảm, nhiều ruộng phải bỏ hoang vì cấy lúa không còn hiệu quả. Dân đã nhiều lần ý kiến nhưng không thấy chính quyền xử lý”.

Bãi tập kết vận liệu trái phép của Công ty CP Vận tải thủy bộ Lan Anh Dũng

Công ty TNHH Đại Phúc tự ý lấn chiếm hành lang an toàn giao thông Quốc lộ 39 để làm bãi đúc cọc bê tông

Mặc dù đã có biên bản làm việc, nhưng UBND xã Chương Dương không đưa ra chế tài xử lý, có dấu hiệu bao che cho các sai phạm

Quan sát tại thực địa, PV đã ghi nhận hàng trăm m2 đất nông nghiệp bị san lấp, trở thành bãi tập kết vật liệu cát, đá; bãi đúc cọc bê tông…đúng như phản ánh. Không những vậy, các bãi tập kết VKXD này còn có xu hướng mở rộng quy mô, lấn ra phía ruộng canh tác của người dân.

Trao đổi với PV Báo TN&MT, ông Trần Văn Hà - Chủ tịch UBND xã Chương Dương cho biết: 2 bãi tập kết VLXD trên là của Công ty CP Vận tải thủy bộ Lan Anh Dũng do ông Bùi Văn Du làm Giám đốc có tổng diện tích hơn 1.100 m2, là đất nông nghiệp. Một phần diện tích trong số này thuộc hành lang an toàn giao thông Quốc lộ 39.

Còn bãi đúc cọc bê tông theo người dân phản ánh là của Công ty TNHH Đại Phúc do ông Đào Văn Đại là chủ, có diện tích gần 500m2, là đất công ích (đất 5% do UBND xã Chương Dương quản lý), cũng nằm trên hành lang an toàn giao thông quốc lộ 39. Điều đáng chú ý, toàn bộ diện tích đất 5% nêu trên được UBND xã Chương Dương tạo điều kiện cho Công ty Đại Phúc “mượn” không qua hợp đồng cho thuê.

Khi được hỏi vì sao lại có tình trạng trên, vị Chủ tịch xã này thừa nhận việc buông lỏng quản lý và có ý đổ lỗi cho lãnh đạo xã thời kì trước: Thời của tôi thêm không đáng kể, sai phạm này tồn tại từ trước đây, các anh ấy làm, đến tôi là đời thứ 3 Chủ tịch. Tôi mới lên từ tháng 5/2020, sẽ từng bước xử lý dần”.

Cũng theo ông Hà, đến thời điểm hiện tại, xã Chương Dương chưa có bất kỳ một văn bản nào để xử lý các sai phạm nêu trên, chưa có văn bản báo cáo Huyện, mọi thứ mới chỉ dừng lại ở việc lập biên bản nhắc nhở.

Tại buổi làm việc, ông Phạm Duy Khánh- Công chức địa chính xã Chương Dương cung cấp 2 biên bản làm việc ngày 24/12/2020, trong đó nêu rõ: Gia đình ông Du vi phạm hành lang an toàn giao thông Quốc lộ 39, với các hành vi vi phạm lấn chiếm, tập kết lăng mộ, nguyên vật liệu, xây dựng tường bao trên đất hành lang an toàn giao thông. Còn gia đình ông Đại tự ý tập kết, sản xuất cọc bê tông trên hành lang an toàn giao thông Quốc lộ 39, chiều dài theo đường 30 m, chiều rộng 15m.

Biên bản làm việc ghi rõ vi phạm là vậy, nhưng chính quyền xã Chương Dương không tiến hành xử phạt cũng như không có các động thái yêu cầu 2 công ty trên có biện pháp khắc phục, hoàn trả lại hiện trạng ban đầu.

Việc này diễn ra từ những năm 2013, 2014, Xã tạo điều kiện cho người dân mượn đất 5% để làm bến bãi, lãnh đạo thì mới lên, mình cũng mới nhận nhiệm vụ từ tháng 10/2020, hồ sơ cán bộ địa chính cũ để lại cho mình có vậy”-ông Khánh giãi bày.

Việc ngang nhiên lấn chiếm hành lang an toàn giao thông, cũng như “hô biến” hàng nghìn m2 đất nông nghiệp thành bãi tập kết VLXD trái phép không khó để phát hiện, nhưng không hiểu sao những sai phạm trên của Công ty Lan Anh Dũng và Công ty Đại Phúc bị chính quyền xã “ngó lơ” suốt một thời gian dài?.

Trước những bức xúc của người dân, đề nghị các cơ quan chức năng tỉnh Thái Bình, huyện Đông Hưng khẩn trương vào cuộc, kiểm tra, xử lý dứt điểm.

Báo Tài nguyên và Môi trường sẽ tiếp tục thông tin.

Giang Nguyễn