TP. Huế: Phân loại chất thải rắn sinh hoạt cần sự chung tay của người dân

Quản lý chất thải rắn - Ngày đăng : 15:46, 05/06/2021

(TN&MT) - Là địa phương chủ động trong công tác bảo vệ môi trường, tỉnh Thừa Thiên Huế đã có nhiều sáng kiến như thực hiện đề án “Ngày chủ nhật xanh - Hãy hành động để Thừa Thiên Huế thêm xanh - sạch – sáng”. Nhằm làm tốt hơn nữa địa phương đã ban hành nhiều văn bản hướng dẫn cũng như đặt mục tiêu cụ thể cho công tác thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt.

Để thực hiện hiệu quả chiến lược quốc gia về quản lý tổng hợp chất thải rắn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và hướng tới mục tiêu xây dựng tỉnh Thừa Thiên Huế phát triển theo hướng “Đô thị di sản, văn hóa, sinh thái, thân thiện với môi trường và thông minh. Tháng 3 năm 2021, Thành phố Huế, đã ban hành Kế hoạch số 1729/KH-UBND về tổ chức, triển khai Chương trình phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn.

Người dân tham gia phân loại rác tại nguồn

Theo kế hoạch, trong năm 2021 thành phố sẽ triển khai các giai đoạn cụ thể:

Từ tháng 3 đến tháng 4 sẽ tổ chức khảo sát, điều tra các điểm đặt thùng chứa chất thải rắn, tổ chức mua sắm trang thiết bị, vật tư thực hiện phân loại; đăng ký lịch tổ chức hội nghị phát động ra quân triển khai kế hoạch; tập huấn cho lực lượng tuyên truyền nòng cốt.

Tháng 5, triển khai phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn tại các phường trên toàn địa bàn Thành phố.

Tháng 8, tiến hành đúc kết kinh nghiệm, đánh giá kết quả thực hiện để có giải pháp thực hiện hiệu quả trong thời gian triển khai tiếp theo.

 Để Kế hoạch được triển khai hiệu quả, UBND Thành phố yêu cầu công tác phân loại chất thải rắn sinh hoạt được tổ chức triển khai đồng bộ, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, thường xuyên đánh giá, cải tiến trong quá trình thực hiện; phát huy những sáng kiến, ý tưởng mới trong cộng đồng; huy động sự tham gia tích cực của mọi tổ chức, cá nhân sinh sống, làm việc trên địa bàn.

Bên cạnh đó, hoạt động tuyên truyền, vận động phải được tiến hành thường xuyên, quyết liệt đến từng hộ gia đình, cơ sở sản xuất..., hình thức phong phú, dễ dàng để người dân tiếp cận, thực hiện; hình thành thói quen phân loại chất thải rắn sinh hoạt ở mỗi cá nhân, hộ gia đình và các cơ sở sản xuất, kinh doanh; hình thành ý thức tự giác phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn ngay khi có phát sinh.

 

T.H