Chung tay đẩy lùi tình trạng ô nhiễm rác thải bao bì và hướng đến nền kinh tế tuần hoàn khép kín
Doanh nghiệp - doanh nhân - Ngày đăng : 13:33, 05/06/2021
Rác thải bao bì - Gánh nặng môi trường cần cấp bách tháo gỡ
Theo Tổ chức Lương thực & Nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO) tại Việt Nam cho biết, với lượng rác thải nhựa 1,8 triệu tấn/năm, Việt Nam nằm trong top 5 quốc gia phải chịu trách nhiệm cho khoảng 13 triệu tấn rác nhựa thải ra đại dương mỗi năm.
Cứ mỗi phút trôi qua, trên thế giới lại có 1 triệu chai nhựa được bán ra. Ở Việt Nam, lượng rác thải nhựa là hơn 2.500 tấn/ngày. Riêng các thành phố lớn như Hà Nội và TP.HCM, con số này lên tới 80 tấn/ngày.
Bên cạnh đó, theo Báo cáo Kiểm toán nhãn hiệu giai đoạn 2018 - 2020 từ Liên minh Không rác Việt Nam, hiện nay chỉ khoảng 1% bao bì vỏ hộp sữa đa lớp (lớp giấy, lớp nhựa, lớp nhôm) được thu gom để tái chế tại Việt Nam .
Tại Việt Nam, không khó để bắt gặp những bãi rác hoặc bờ biển với vô số chai nhựa bị vứt bừa bãi, không được thu gom và xử lý |
Báo cáo về môi trường và phát triển bền vững “Who Cares Who Does” được công ty nghiên cứu thị trường Kantar Việt Nam công bố vào 11/11/2020 cho thấy, rác thải nhựa là mối quan tâm thứ hai của người Việt Nam, chỉ sau an toàn thực phẩm. 44% số người tham gia khảo sát trông chờ nhà sản xuất có hành động giảm thiểu ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường, 29% tin rằng Chính phủ sẽ tạo ra những thay đổi lớn trong việc bảo vệ môi trường.
Hành động cụ thể để giải quyết tình trạng ô nhiễm rác thải bao bì
Nỗ lực trong hành động giảm thiểu gánh nặng về rác thải bao bì, Việt Nam đã ban hành các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thực hiện, đặc biệt Chỉ thị 33/CT-TTg được Thủ tướng Chính phủ ký ngày 20/08/2020 về tăng cường quản lý, tái sử dụng, tái chế, xử lý và giảm thiểu chất thải nhựa là cơ sở pháp lý quan trọng liên quan đến hoạt động quản lý, xử lý rác thải nhựa.
Bên cạnh đó, nhiều chiến dịch, phong trào cũng được phát động nhằm khuyến khích sử dụng sản phẩm thân thiện với môi trường thay thế nhựa dùng một lần, nổi bật có thể kể đến “Phong trào chống rác thải nhựa” do Chính phủ phát động năm 2019 hay chiến dịch “Nối tiếp vòng lon nhôm - Đáp tiếng lòng trái đất” do Trung tâm Truyền thông Bộ TN&MT phối hợp cùng Công ty TNHH Lon Nước Giải Khát TBC-Ball Việt Nam khởi xướng vào đầu năm 2021 với sự đồng hành của hai đại sứ là Tuyển thủ quốc gia Nguyễn Quang Hải và Hoa hậu H’Hen Niê nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng về khả năng tái chế không giới hạn và tính thân thiện với môi trường của lon nhôm.
Về phía doanh nghiệp, một số nhãn hàng đã đi đầu trong việc ra mắt sản phẩm nước uống đóng lon nhôm với mục tiêu mang lại cho người tiêu dùng Việt Nam một sự lựa chọn vừa tiện lợi, vừa thân thiện với môi trường. Trong đó, điển hình là 4 thương hiệu: Nước tinh khiết beWaterTM, nước tinh khiết Civie, nước tinh khiết Vilo H2O và nước khoáng kiềm thiên nhiên Vikoda Alkaline.
Các sản phẩm nước uống đóng trong lon nhôm đang được người tiêu dùng quan tâm đến môi trường đón nhận nhờ khả năng tái chế không giới hạn mà không bị giảm chất lượng |
Ông Mark Nerney, Tổng Giám đốc thương hiệu nước tinh khiết đóng lon beWaterTM chia sẻ: “Sứ mệnh của chúng tôi là thay thế nước uống đóng chai nhựa sử dụng một lần thông qua việc tạo nên sản phẩm nước tinh khiết beWaterTM đóng lon nhôm dựa theo nguyên lý về kinh tế tuần hoàn từ khâu thiết kế, sản xuất, thu gom và tái chế bao bì. Bằng việc cắt giảm 91% trong tổng số 1 triệu sản phẩm nước tinh khiết đóng chai nhựa được bán ra mỗi phút nhưng không được tái chế thông qua việc mang tới cho người tiêu dùng một giải pháp thay thế thân thiện môi trường và bền vững, chúng tôi hỗ trợ các quốc gia, bao gồm Việt Nam, Thái Lan, Trung Quốc, Mỹ và các quốc gia khác trong nỗ lực giảm thiểu sử dụng đồ nhựa dùng một lần”.
Nước uống đóng lon đang được đông đảo nhà hàng, khách sạn và người tiêu dùng nhiệt tình ủng hộ |
Ông Nguyễn Nhật Hoàng, Tổng Giám đốc Công ty CP nước khoáng Khánh Hòa cho biết thêm: “Vì một cộng đồng khỏe mạnh, có cuộc sống cân bằng, hình thành thói quen tốt đối với môi trường chính là tầm nhìn phát triển của Công ty. Để làm được điều đó, chúng tôi không ngừng đầu tư sản xuất và cho ra đời Nước khoáng kiềm thiên nhiên Vikoda Alkaline dạng lon nhôm có khả năng tái chế không giới hạn nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường, góp phần đưa vấn đề ô nhiễm rác thải bao bì trở thành vấn đề của quá khứ”.
Nước khoáng kiềm thiên nhiên Vikoda Alkaline dạng lon được cung cấp cho các hội nghị, cuộc họp thay thế cho chai nhựa dùng một lần |
Lon nhôm – Giải pháp hiệu quả thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn
Theo nghiên cứu của Hiệp hội nhôm thế giới (The Aluminum Association), 75% lượng nhôm từng được sản xuất từ năm 1888 vẫn được sử dụng cho đến ngày nay.
Ông Vũ Minh Lý, Phó giám đốc Trung tâm Truyền thông Bộ TN&MT cho biết thêm: “Với khả năng tái chế không giới hạn mà không bị giảm chất lượng, tỷ lệ tái chế và hàm lượng tái chế trong sản phẩm cao cùng với việc chỉ mất 60 ngày để tái chế lon nhôm đã qua sử dụng thành lon nhôm mới, việc sử dụng và tái chế lon nhôm đã và đang tạo nên một lối sống thân thiện với môi trường, và đây cũng là mô hình hoàn hảo cho một nền kinh tế tuần hoàn khép kín, ít phát thải carbon mà Việt Nam đặt mục tiêu hướng tới - nơi sản phẩm sau khi sử dụng được tái chế thành chính sản phẩm ban đầu. Chúng tôi hi vọng thời gian tới sẽ có thêm nhiều nhãn hàng đồ uống ưu tiên sử dụng bao bì lon nhôm trong hoạt động sản xuất, kinh doanh đồ uống đóng gói, góp phần đẩy lùi tình trạng ô nhiễm rác thải bao bì, hướng tới tạo nên một Việt Nam xanh - sạch - đẹp”.
Với việc sử dụng vật liệu đồng nhất là nhôm, lon nhôm là bao bì dễ phân loại và tái chế. Bên cạnh đó, giá trị phế liệu cao cũng là yếu tố thúc đẩy hoạt động thu gom và tái chế vỏ lon nhôm, mang lại nhiều lợi ích về kinh tế cho cộng đồng và xã hội. Hiện nay, lon nhôm là bao bì đồ uống được tái chế nhiều nhất trên thế giới, với tỉ lệ tái chế toàn cầu đạt gần 70%.