Tổng kết thi hành Luật Đất đai 2013: Nhiều tỉnh, thành phố chậm báo cáo
Tổng kết Luật Đất đai 2013 - Ngày đăng : 11:18, 01/06/2021
Việc tổng kết thi hành Luật Đất đai bao gồm các nội dung cơ bản như: đánh giá chồng chéo, mâu thuẫn và không thống nhất giữa Luật Đất đai năm 2013 với Luật chuyên ngành có liên quan và sự phù hợp; Kết quả tổ chức thực hiện các quy định của pháp luật về đất đai; đánh giá những kết quả đạt được của Luật Đất đai và thực tiễn thi hành trong việc nâng cao chất lượng công tác quản lý Nhà nước về đất đai; những hạn chế, bất cập trong các quy định của Luật Đất đai, các văn bản quy định chi tiết thi hành và thực tiễn tổ chức thực hiện quy định của Luật; xác định và phân tích rõ nguyên nhân khách quan và chủ quan của những hạn chế, bất cập.
Khu đô thị phía Nam Sài Gòn. |
Tại Quyết định số 548/QĐ-TTg của Ban Chỉ đạo Tổng kết thi hành Luật Đất đai và xây dựng Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) có giao các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ phải tiến hành tổng kết, xây dựng báo cáo tổng kết và gửi về Bộ TN&MT trước ngày 30/6/2021. Đến nay, có Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch gửi Báo cáo về Bộ TN&MT; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành Kế hoạch tổng kết Luật Đất đai.
Đặc biệt, cũng theo Quyết định 548, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức tổng kết, xây dựng báo cáo tổng kết và gửi về Bộ TN&MT trước ngày 15/5/2021. Tuy nhiên, tính đến ngày 24/5/2021, Bộ TN&MT mới nhận được nội dung báo cáo tổng kết thi hành Luật Đất đai của 22/63 tỉnh, thành phố. Hiện nay, Tổng cục Quản lý đất đai đang triển khai tổng hợp các báo cáo của các địa phương.
Bên cạnh đó, theo Quyết định số 548/QĐ-BCĐ, Ban Chỉ đạo sẽ tổ chức 5 đoàn công tác đi khảo sát tại 15 tỉnh, thành phố đại diện cho 5 khu vực: Trung du và miền núi phía Bắc; đồng bằng sông Hồng, đồng bằng ven biển miền Trung, Tây Nguyên, đồng bằng sông Cửu Long, đại diện vùng đô thị, nông thôn, miền núi; đồng thời sẽ tổ chức đoàn làm việc của Ban Chỉ đạo với các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Xây dựng, Tài chính, Giao thông vận tải, Quốc phòng, Công an; Thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng và các tỉnh: Quảng Bình, Đồng Nai, Phú Thọ, Quảng Nam. Thời gian thực hiện trong quý I và quý II năm 2021.
Song, hiện nay, tình hình dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến rất phức tạp tại nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước, trong đó có cả các tỉnh, thành phố có trong Kế hoạch đã được duyệt. Để đảm bảo chất lượng, tiến độ công việc, đồng thời thích ứng với tình hình dịch bệnh, Tổng cục Quản lý đất đai đề nghị Bộ TN&MT cho phép chuyển hình thức làm việc trực tiếp sang tổ chức các cuộc họp trực tuyến.
Ngoài ra, để bảo đảm tiến độ hoàn thiện của báo cáo tổng kết, Tổng cục đề nghị Bộ TN&MT có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ để chỉ đạo các cơ quan có liên quan của Văn phòng Chính phủ tiếp tục có văn bản đôn đốc các địa phương khẩn trương gửi báo cáo về Bộ TN&MT để tổng hợp chung vào báo cáo của Chính phủ.
Trước đó, ngày 4/5, Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc tổng kết thi hành Luật Đất đai.
Theo đó, để công tác tổng kết thi hành Luật Đất đai đảm bảo đúng tiến độ và chất lượng, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khẩn trương tổ chức tổng kết thi hành Luật Đất đai và gửi báo cáo tổng kết về Bộ TN&MT theo đúng kế hoạch của Ban Chỉ đạo.
Đồng thời, Bộ TN&MT chủ động rà soát các nội dung công việc nêu trong Quyết định số 548/QĐ-BCĐ để phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan triển khai các hoạt động và báo cáo theo đúng kế hoạch đã được phê duyệt.
22 tỉnh, thành phố đã nộp báo cáo tổng kết thi hành Luật Đất đai là: Hà Nội, Bắc Ninh, Bắc Kạn, Điện Biên, Hòa Bình, Lạng Sơn, Hưng Yên, Ninh Bình, Nam Định, Hà Giang, Lai Châu, Hà Tĩnh, Bạc Liêu, Gia Lai, Bến Tre, Long An, Thừa Thiên - Huế, Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Ngãi, Thanh Hóa, Trà Vinh.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu việc tổng kết phải được thực hiện nghiêm túc, khách quan và toàn diện trên phạm vi toàn quốc, triển khai đến từng Bộ, ngành và các địa phương; bảo đảm tiến độ, hiệu quả, tiết kiệm. Nội dung tổng kết phải thiết thực, phản ánh đúng thực tế; dựa trên kết quả đánh giá, tổng kết của Bộ, ngành, địa phương và các cơ quan, tổ chức có liên quan, đồng thời tham khảo ý kiến đánh giá của công dân, tổ chức, nhà khoa học, nhà quản lý và doanh nghiệp.