Văn phòng Đăng ký đất đai huyện An Dương (Hải Phòng): Những dấu hiệu bất thường

Bạn đọc - Pháp luật - Ngày đăng : 11:17, 01/06/2021

(TN&MT) - Cho rằng bị cán bộ gây khó khăn khi đi làm thủ tục hành chính trong lĩnh vực đất đai, tìm hiểu thêm, người dân phát hiện nhiều điểm bất bình thường tại Văn phòng Đăng ký đất đai huyện An Dương. Lý giải một phần nguyên nhân vì sao, từ năm 2020 đến nay, Sở TN&MT Hải Phòng nhận được nhiều kiến nghị, phản ảnh về việc chậm thụ lý, trả kết quả thủ tục hành chính.

Phản ảnh tới Báo Tài nguyên và Môi trường, khi đi làm thủ tục đăng ký biến động đất đai, ông Phạm Văn T bị cán bộ tại phòng một cửa Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai huyện An Dương gây khó khăn, hướng dẫn sai quy trình thủ tục hành chính.

Tự tìm cán bộ để đánh số thửa?

Cụ thể, ngày 25/5, ông T có chuẩn bị một bộ hồ sơ tách thửa đất, tại bộ phận một cửa, ông T gặp cán bộ tên Nguyễn Thị Thu Hồng, cửa Cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Sau khi xem hồ sơ, bà Hồng hướng dẫn ông T phải điền đầy đủ thông tin: mã số thuế cá nhân; phô tô thêm một bộ hồ sơ và gặp anh Thành để đánh số thửa.

“Bà Hồng hướng dẫn rất nhanh, không kịp ghi, may mà nhiều người đi trước chỉ bảo, tôi phải ghi âm để về nghe lại mới biết rõ cán bộ đã hướng dẫn những gì”, ông T chia sẻ.

Không biết anh Thành là người nào, ông T đành quay về UBND xã Hồng Thái để xin hướng dẫn thì được biết, hầu hết các xã trên địa bàn huyện An Dương, số thửa do địa chính xã đánh để quản lý. Riêng tại xã Hồng Thái, do cán bộ Văn phòng Đăng ký phụ trách tên Thành quản lý. Điều đáng nói, cán bộ xã cho biết, theo quy định, việc đánh số thửa do Văn phòng Đăng ký thực hiện, người dân không phải đánh số khi nộp tại bộ phận một cửa.

Tuy vậy, ông T vẫn nhờ và tìm được ông Thành để xin được số thửa, ngày 27/5 ông T tiếp tục quay lại bộ phận một cửa Văn phòng Đăng ký đất đai huyện An Dương để nộp hồ sơ.

Văn phòng Đăng ký đất đai huyện An Dương sử dụng sổ giấy để đánh số thứ tự xếp hàng làm thủ tục hành chính cho công dân

Xếp thứ tự bằng quyển sổ!?

Tại đây, ông T lại gặp bà Hồng, được yêu cầu ghi danh lấy số thứ tự vào quyển sổ mà bà Hồng cung cấp. Sau một thời gian chờ đợi, ông T được bà Hồng gọi tên. Sau khi xem hồ sơ, mặc dù đã có Báo cáo tách thửa, ghi chi tiết các ô thửa, phần diện tích ngõ, bà Hồng tiếp tục yêu cầu ông T bổ sung thêm Biên bản hiến đất có chữ ký của Chủ tịch xã, cán bộ địa chính và chủ đất.

Ông T cho biết, ông có hỏi cán bộ hướng dẫn nhiều lần như thế, vậy những thủ tục đó theo quy định nào, Thông tư nào, Nghị định nào thì bà Hồng không nói rõ. Để chắc chắn không bị nhiều lần nữa phải làm những giấy tờ lạ theo yêu cầu của bà Hồng, ông T yêu cầu bà này ký vào giấy xác nhận những thủ tục đã hướng dẫn thì bà này từ chối.

“Sau một thời gian hỏi cán bộ về thủ tục mà chưa được thỏa mãn, bất chợt bà Hồng rụt quyển sổ đánh số thứ tự tiếp công dân lại vì cho rằng hôm nay đã tiếp nhận nhiều hồ sơ, dù lúc đó mới chỉ 15h30”, ông T bức xúc.

Trước “dấu hiệu lạ” khi việc lấy số xếp hàng bằng quyển sổ do cán bộ phòng một cửa cung cấp, PV Báo TN&MT đã liên hệ với ông Lê Văn Cường, Phó Chủ tịch UBND huyện An Dương, ông Cường tỏ vẻ ngạc nhiên về sự việc trên và trao đổi sẽ cho cán bộ kiểm tra xử lý.

Để hạn chế tiêu cực phát sinh tại bộ phận một cửa, Chính phủ đã ban hành Nghị định 61/2018/NĐ-CP về thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính.

Tại Điểm 2, Điều 13 quy định: Yêu cầu về trang thiết bị phải có máy lấy số xếp hàng tự động kết nối tới Hệ thống thông tin một cửa điện tử. Tại Điểm 2, Điều 11 quy định rõ về trách nhiệm của cán bộ: Hướng dẫn tổ chức, cá nhân thực hiện thủ tục hành chính đầy đủ, rõ ràng, chính xác; trường hợp phải yêu cầu sửa đổi, bổ sung hồ sơ chỉ được yêu cầu sửa đổi, bổ sung một lần;

Câu hỏi được nhiều người dân đặt ra là: Với những dấu hiệu không chuẩn mực trên tại bộ phận một cửa Văn phòng Đăng ký đất đai huyện An Dương, tồn tại trong một thời gian dài mà lãnh đạo huyện không hay biết, có đáng thuyết phục dư luận?. Việc để người dân phải tự tìm cán bộ để xin đánh số thửa có đúng với quy định của pháp luật?.

Trong năm 2020 và đầu năm 2021, đơn thư, kiến nghị về chậm trễ trong công tác cấp Giấy chứng nhận ở tại Hải Phòng khá nhiều. Theo thống kê từ ngày 15/3/2020 đến ngày 31/3/2021, còn 6.840 hồ sơ đang thụ lý, giải quyết; trong đó số hồ sơ quá hạn là 3.927.

Được biết, sáng 13/4/2021, tại Phòng tiếp công dân, Giám đốc Sở TN&MT TP Hải Phòng - ông Trần Văn Phương đã chủ trì cuộc tiếp dân giải quyết những kiến nghị liên quan tới công tác cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở đối với hộ gia đình, cá nhân do nhiều kiến nghị về việc chậm trả kết quả.

Tại buổi làm việc, sau khi nghe các ý kiến phản ánh của các hộ dân, Giám đốc Trần Văn Phương yêu cầu các đơn vị liên quan giải trình, làm rõ các lý do hồ sơ bị chậm, muộn. Đồng thời chỉ đạo Văn phòng Đăng ký đất đai rà soát, giải quyết dứt điểm những vướng mắc trong công tác cấp Giấy chứng nhận; kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân gây chậm trễ, kéo dài thời gian giải quyết; Đối với hồ sơ quá hạn thuộc trách nhiệm của đơn vị thụ lý, đơn vị phải gửi văn bản xin lỗi người dân, trong đó ghi rõ lý do quá hạn, thời gian đề nghị gia hạn trả kết quả. Thời gian tới, Sở TN&MT sẽ thành lập tổ công tác thanh tra, kiểm tra việc cấp Giấy chứng nhận tại quận, huyện có nhiều hồ sơ chậm muộn.

Bài và ảnh: Phạm Duy