Bài dự thi “Cùng giữ màu xanh của biển”: “Thành lũy xanh” chở che những làng biển

Biển đảo - Ngày đăng : 11:14, 01/06/2021

(TN&MT) - Những cánh rừng bần, rừng đước bạt ngàn, những rặng phi lao hàng chục năm tuổi kéo dài dọc bờ biển xứ Nghệ từ Quỳnh Lập đến Hưng Hòa... Những “thành lũy xanh” ấy đang ngày đêm ôm ấp các làng biển, che chở cho người dân khỏi sóng gió khắc nghiệt của biển khơi.

Rừng mất - Biển được đà “tấn công”

Với chiều dài bờ biển trên 82 km, nơi đây chứa đựng nhiều diện tích rừng ngập mặn, rừng ven biển trên cát, ven sông, ven hồ đập có vai trò hết sức quan trọng đối với công tác điều hòa khí hậu, hạn chế bão lũ, triều cường, giảm thiểu những tác động của thiên tai, lũ lụt tới con người và hệ thống cơ sở hạ tầng, cũng như hạn chế xâm nhập mặn và bảo vệ nguồn nước ngầm, duy trì sự cân bằng sinh thái.

Những năm gần đây, nhiều tác động tiêu cực ảnh hưởng tới rừng ngập mặn như phá rừng trên cát ven biển để làm đầm tôm, khai thác cát, làm khu du lịch, biệt thự nghỉ dưỡng… làm mất không ít diện tích rừng hiện có. Từ tổng diện tích rừng ngập mặn toàn tỉnh là 1.215 ha giai đoạn 2004, đến năm 2017 chỉ còn khoảng gần 400 ha.

Rừng bần Hưng Hòa rộng gần 65 ha chở che đê Tả Lam và những cánh đồng, làng mạc

Rừng ngập mặn ven biển mất đi đến đâu, thì hậu quả xói lở bờ, xâm nhập mặn đến đó. Nhiều đoạn xói lở đã vào sát khu dân cư ở các xã của huyện Quỳnh Lưu như Sơn Hải, Quỳnh Long; một số đoạn như Quỳnh Bảng, Quỳnh Ngọc tốc độ xói lở từ 150 - 200 m/năm. Riêng bờ biển xã Diễn Kim (huyện Diễn Châu) đoạn xói lở kéo dài tới 6 km. Đoạn bờ biển thuộc phường Quỳnh Phương, xã Quỳnh Bảng (thị xã Hoàng Mai) bị xói lở mạnh nhất là bờ biển bãi triều cao phía Nam Đền Cờn ngoài...

Ông Trần Văn Luyến (72 tuổi), ở xã Quỳnh Long cho biết: “Trước đây tình trạng xói lở bờ biển, xâm thực xảy ra thường xuyên ở địa phương. Sợ nhất là năm 1988, khi đó cơn bão đi vào đã “đánh bay” rất nhiều đê kè, gây xói lở rất nhiều diện tích đất đai ven biển…”.

Rừng xanh “cứu cánh”

Trước năm 1985, rừng ngập mặn tự nhiên trên địa bàn Nghệ An gần như bị tàn phá hoàn toàn, chỉ còn sót lại một diện tích rất nhỏ ở xã Hưng Hòa, TP. Vinh. Từ năm 1997, nhờ có các chương trình, đề án bảo vệ và trồng mới, được sự tài trợ kinh phí của Hội Chữ thập đỏ Nhật Bản, rừng ngập mặn đã hồi sinh với diện tích rất lớn trên địa bàn các huyện Quỳnh Lưu, Diễn Châu, Nghi Lộc và TP. Vinh. Theo Hội Chữ thập đỏ Nghệ An, sau 8 năm trồng rừng ngập mặn, từ 1997 đến 2004, diện tích rừng ngập mặn toàn tỉnh đã lên tới 1.215 ha. Tuy nhiên, vì nhiều lý do khác nhau nên đến nay chỉ còn giữ lại được khoảng gần 400 ha rừng ngập mặn.

Nằm cách trung tâm TP. Vinh khoảng 6 km về phía biển Cửa Hội, rừng bần Hưng Hòa ngút xanh trải từ cuối xóm Hòa Lam đến tận Phúc Thái Thọ bên đường ven Sông Lam.

Ông Trần Văn Chương (73 tuổi), ở xóm Thuận  Hòa, xã Hưng Hòa cho biết: “Không biết cánh rừng này có tự bao giờ, lớn lên tôi đã thấy bạt ngàn rừng bần. Xưa, ở mảnh đất này, đất đai thường xuyên bị chua mặn do ảnh hưởng từ triều cường của sông Lam và sông Rào Đừng, làm cho hệ thực vật ngập mặn phát triển, hình thành nên những cánh rừng ngập mặn quý giá như hiện nay”.

Ông Đinh Thìn và ông Trần Văn Chương ở xóm Thuận Hòa, xã Hưng Hòa (TP. Vinh) đang đi kiểm tra rừng bần

Từ bao đời, “bức tường xanh” này bảo vệ, gìn giữ xóm làng, đất đai, dù mỗi mùa mưa lụt, nhiều đoạn đê xung yếu đã bị vỡ, nhiều nơi bị nước biển xâm thực nhưng những đoạn nào có rừng bần che chắn là xóm làng vững chãi, yên bình.

Xã Diễn Kim, huyện Diễn Châu có những cánh rừng ngập mặn xanh ngút mắt trải dài theo bờ biển. Theo các bậc cao niên trong vùng, trước những năm 1990 của thế kỷ trước, mỗi mùa bão lũ, triều cường dâng cao làm xói lở, vỡ đê biển, đất nông nghiệp của hàng ngàn hộ dân các xã Diễn Kim và Diễn Vạn bị ngập mặn không sản xuất được; nhiều nhà dân bị cuốn trôi, cuộc sống của người dân vùng biển Diễn Châu luôn đối mặt với hiểm nguy, bất ổn.

Đến năm 1997, dự án trồng rừng ngập mặn của Hội Chữ thập đỏ Nhật Bản được triển khai, người dân xã Diễn Kim kết hợp với dự án để trồng trên 152 ha rừng ngập mặn. Bây giờ rừng đã xanh ngút bao bọc lấy làng quê.

Bà Nguyễn Thị Tươi (76 tuổi), nhà nằm gần bờ biển ở xã Diễn Kim, huyện Diễn Châu phấn khởi: “Trước đây, chỉ cần có mưa to là làng mạc chìm trong nước biển, nhà cửa, hoa màu gần đến ngày thu hoạch bị cuốn trôi, bà con ai cũng lo “chạy” bão lụt, cuộc sống bấp bênh, khốn khổ. Bây giờ nhờ có rừng ngập mặn như “bức tường xanh” bảo vệ, người dân chúng tôi yên tâm nuôi tôm, trồng rau màu phát triển kinh tế. Hàng trăm tàu thuyền đánh bắt cá về neo đậu trong mùa mưa bão cũng được rừng ngập mặn che chở an toàn, bà con còn khai thác được nguồn cá, cáy, tôm… trong rừng để tăng thêm thu nhập”.

Chung tay gìn giữ “báu vật”

Tại xã Diễn Kim, huyện Diễn Châu không ai là không biết đến ông Vũ Xuân Tình, người đã đứng ra tự nguyện bảo vệ rừng bần ngập mặn của xã nhà.

Dẫn chúng tôi ra cánh rừng bần xanh ngắt, ông Tình chia sẻ: “Trước đây, rừng bần liên tục bị một số đối tượng vào chặt phá, cắt đọt về làm thức ăn cho dê, chặt cây, cành để làm củi. Năm 2007, tôi đứng ra xin nhận bảo vệ rừng. Thời gian đầu, một mình tôi phải đi tuần rừng, vừa chống chặt phá, vừa bảo vệ đàn cò không bị săn bắn. Có những đêm rình bắt được cả hàng chục chiếc bẫy cò giăng trên rừng ngập mặn. Vừa nghiêm túc xử lý, vừa vận động, tuyên truyền, dần dần bà con hiểu được ý nghĩa, vai trò của rừng ngập mặn nên không còn hiện tượng lén lút vào rừng chặt phá nữa”.

Đã 21 năm làm công tác bảo vệ rừng ngập mặn ở xã Hưng Hòa, TP. Vinh, ông Đinh Thình (67 tuổi) thuộc rừng như lòng bàn tay. Buổi trưa, dù trời nắng gắt nhưng ông vẫn thoăn thoát dẫn chúng tôi lội bộ đi xuyên dọc cánh rừng mà mình nhận chăm sóc, bảo vệ bấy lâu.

Lạch Vạn (xã Diễn Vạn, Diễn Kim thuộc huyện Diễn Châu) yên bình vì được chở che bởi những khu rừng đước, rừng bần

“Rừng ngập mặn xã Hưng Hòa kéo dài gần 9 km xuống tận Phúc Thái Thọ, diện tích lại rộng gần 65 ha. Trước đây, rừng hay bị chặt, chim hay bị săn bắn trộm. Công tác bảo vệ rừng cần phải có phương tiện đi lại ven sông, ven biển nên cũng khó khăn. Tôi phải thuê xuồng con đi tuần tra, bảo vệ ban đêm những lúc cần thiết. Có những gia đình chặt rừng về làm củi nấu bị tôi bắt được nhắc nhở, xử lý. Tôi tham mưu giải pháp bảo vệ rừng cho xã, tuyên truyền tới từng gia đình. Mưa dầm thấm lâu nên giờ đây ý thức bảo vệ rừng bần của người dân rất tốt, tôi yên tâm hơn hẳn…” - Ông Đinh Thình phấn khởi nói.

Ông Hồ Khắc Lộc, ở thôn 6, xã Quỳnh Nghĩa, huyện Quỳnh Lưu được nhận bảo vệ gần 10 ha rừng ngập mặn của xã từ 2018. Theo ông Lộc, trước khi ông nhận chăm sóc, bảo vệ thì diện tích rừng ngập mặn hay bị người dân chặt làm củi, làm giàn trồng mướp… Tuy nhiên, đến nay, hiện tượng trên đã không còn. Ông Lộc cho biết thêm, còn một phần diện tích đất ngập mặn chưa được trồng ông sẽ tiến hành trồng thêm trong thời gian tới để “phủ xanh” bờ biển Quỳnh Nghĩa.

Chia tay những người “vác tù và hàng tổng”, những người “canh giữ báu vật” để cho con cháu mai sau có những lá phổi xanh chắn những cơn sóng dữ, chúng tôi cầu mong cho họ sức khỏe bền lâu với biển với rừng, để câu chuyện giữ rừng ven biển được lớp lớp thế hệ nối dài thêm mãi, chung tay đắp lũy thành xanh chở che làng biển.

Đình Tiệp (TP. Vinh, tỉnh Nghệ An)