Triển khai nhiệm vụ “Đánh giá khí hậu TP.HCM”
Biến đổi khí hậu - Ngày đăng : 11:04, 01/06/2021
Bà Nguyễn Thị Thanh Mỹ, Phó Giám đốc Sở TN&MT TP.HCM cho biết: Nhiệm vụ “Đánh giá khí hậu TP.HCM” được thực hiện với mục tiêu tổng quát nhằm làm rõ những đặc điểm khí hậu tại TP.HCM, bao gồm xu thế biến đổi, mức độ biến thiên và dao động của yếu tố biến đổi khí hậu cơ bản (nhiệt độ, lượng mưa, bốc thoát hơi, số giờ nắng, độ ẩm không khí, mực nước, lưu lượng, dòng chảy…) và các hiện tượng cực đoan khí hậu (nắng nóng, mưa lớn, khô hạn, xâm nhập mặn…) về phạm vi, cường độ, tần suất và tính bất thường. Mục đích nhằm cung cấp cơ sở khoa học vững chắc cho cơ quan địa phương là TP.HCM và cơ quan Trung ương xây dựng quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội và quy hoạch cho các nhóm, ngành, lĩnh vực nhạy cảm, dễ tổn thương trước các tác động bất lợi từ biến đổi khí hậu.
|
Về nhiệm vụ cụ thể, nhiệm vụ “Đánh giá khí hậu TP.HCM” sẽ góp phần nhận dạng và định lượng xu thế biến đổi theo thời gian cho các yếu tố khí hậu, khí tượng, thủy văn tại TP.HCM; đánh giá mức độ biến thiên của các yếu tố khí hậu, khí tượng, thủy văn tại TP.HCM; xác định mức độ cực đoan khí hậu liên quan đến sự thay đổi của các yếu tố khí hậu, khí tượng, thủy văn; đánh giá tác động biến đổi khí hậu đến các hiện tượng thời tiết cực đoan..,
Theo Báo cáo kết quả sơ bộ của nhóm nghiên cứu thuộc Viện Môi trường và Tài nguyên - Đại học Quốc gia TP.HCM (đơn vị tư vấn): Việt Nam là một trong những quốc gia chịu tác động nặng nề từ các yếu tố cực đoan khí hậu: xếp thứ 13 trong số 134 quốc gia trên thế giới giai đoạn 2000 - 2019. Đối với TP.HCM, đây là siêu đô thị, quy mô dân số lớn, là đầu tàu trong nhiều lĩnh vực kinh tế - xã hội, tập trung nhiều loại hình kinh tế - xã hội trọng điểm, có nhiều khu công nghiệp quan trọng của cả nước. Ngoài ra, TP.HCM nằm ở cửa sông Sài Gòn - Đồng Nai, có địa hình thấp. Vì vậy, TP.HCM có tính tổn thương cao trước những tác động của hiện tượng cực đoan khí hậu.
Tình trạng ngập nước đang là vấn đề “nan giải” của TP.HCM hiện nay |
Theo kết quả nghiên cứu, tại TP.HCM, tổng lượng mưa năm trong khoảng 1.050 - 2.160 mm, trong đó lượng mưa cao nhất tại khu vực trung tâm và một phần hướng Tây Bắc thành phố, thường cao hơn 1.900 mm; thấp nhất tại khu vực đông nam thành phố, thường thấp hơn 1.300 mm. Đặc biệt, tại TP.HCM, hiện tượng mưa cực đoan ngày càng xảy ra với tần suất nhiều hơn. Tại TP.HCM, vấn đề ngập lụt là nghiêm trọng, gây nhiều ảnh hưởng đến các hoạt động giao thông đô thị, sinh hoạt của người dân.
Nhóm nghiên cứu cũng chỉ ra, theo Kịch bản biến đổi khí hậu của Bộ TN&MT công bố năm 2016, đến năm 2100, mực nước biển dâng trung bình là 54 cm. Theo Kịch bản ngập lụt TP.HCM, nếu nước biển dâng 50 cm thì 11,4% diện tích TP.HCM có nguy cơ ngập; nếu nước biển dâng 100 cm thì 17% diện tích TP.HCM có nguy cơ bị ngập, trong đó quận Bình Thạnh bị ngập khoảng 80,78%, huyện Bình Chánh ngập khoảng 35,43%...
Bên cạnh đó, nắng nóng tại TP.HCM được dự báo sẽ xảy ra nghiêm trọng hơn trong tương lai. Giá trị cực đại cao nhất và số ngày nắng nóng, nắng nóng gay gắt trong cả năm đều ghi nhận xu thế tăng dần qua các giai đoạn sắp tới đến cuối thế kỷ 21…
Tại Hội thảo, nhiều chuyên gia, nhà khoa học hàng đầu trong lĩnh vực khí tượng thủy văn, biến đổi khí hậu, môi trường đã đưa ra những nhận xét, góp ý đối với bản Báo cáo của nhóm nghiên cứu thuộc Viện Môi trường và Tài nguyên.
3 nhiệm vụ trọng tâm Kế hoạch thực hiện Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu
Trong Kế hoạch thực hiện Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu giai đoạn 2020 - 2030, TP.HCM đề ra 56 chương trình, dự án để tập trung thực hiện 3 nhiệm vụ trọng tâm, gồm: giảm nhẹ phát thải khí nhà kính; thích ứng với biến đổi khí hậu và chuẩn bị nguồn nhân lực.
Để thực hiện thành công 3 nhiệm vụ trọng tâm trên, TP.HCM sẽ tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng về thực hiện Thỏa thuận Paris về BĐKH trên địa bàn thành phố; đảm bảo các nguồn lực tài chính cần thiết, đồng thời huy động sự đóng góp đối với nguồn vốn ngoài ngân sách Nhà nước; TP.HCM cũng sẽ đẩy mạnh hợp tác quốc tế, kêu gọi, thu hút đầu tư.
Kết luận Hội thảo, bà Nguyễn Thị Thanh Mỹ, Phó Giám đốc Sở TN&MT TP.HCM nhấn mạnh: Nhiệm vụ đánh giá khí hậu là nhiệm vụ quản lý Nhà nước, nhưng đòi hỏi hàm lượng khoa học rất lớn. Đây cũng là nhiệm vụ sát sườn phục vụ công tác phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn TP.HCM cũng như trên địa bàn cả nước.
Vì vậy, trên cơ sở góp ý, kiến nghị của các chuyên gia, nhà khoa học, đơn vị tư vấn cần bám sát hướng dẫn của Bộ TN&MT để hoàn thiện Báo cáo “Đánh giá khí hậu TP.HCM”. Theo đó, trên nền cơ sở dữ liệu là Kịch bản biến đổi khí hậu do Bộ TN&MT công bố cũng như các tài liệu liên quan khác, đơn vị tư vấn hoàn thiện Báo cáo với Kịch bản khí hậu sát với điều kiện TP.HCM. Từ Kịch bản đó, cần có những dự báo, những giải pháp, khuyến cáo để giảm thiểu những tác động của khí hậu cũng như tận dụng những tác động đó trong phát triển kinh tế - xã hội.