Người đàn ông trăn trở với nghề xử lý rác thải
Môi trường - Ngày đăng : 21:44, 31/05/2021
Nhọc nhằn với nghề xử lý rác thải
Tám năm rồi tôi mới có dịp gặp lại ông Nguyễn Duy Bình - Giám đốc Công ty vệ sinh môi trường Lam Sơn. Thật tình cờ, trong chuyến công tác miền núi, tìm hiểu về đề tài sáng kiến giúp giảm thiểu ô nhiễm môi trường ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Được sự giới thiệu của Phòng Tài nguyên và Môi trường, huyện Thường Xuân (Thanh Hóa), một sự tình cờ nhưng đã chợt quen biết từ trước.
Thời điểm tôi biết ông, từ đầu năm 2013 ông liên kết với một số đơn vị nhận chuyển giao công nghệ sản xuất than hoạt tính từ phế phẩm tre, luồng bằng phương pháp đốt ém khí, khói từ lò đốt sẽ được hút ra và dẫn theo ống dẫn có xử lý nước thải trước khi ra môi trường. Đây là một hướng đi mới đầy tiềm năng, thiết thực, tận dụng được phế thải từ quá trình sản xuất ván sàn, đũa, đồ mĩ nghệ. Góp phần giải quyết bài toán nan giải về ô nhiễm môi trường do các phế phẩm trong quá trình sản xuất chế biến tre, luồng.
Năm 2007 Công ty của ông được chấp thuận chủ trương đầu tư nhà máy xử lý rác thải ở xã Xuân Phú, huyện Thọ Xuân. Tuy nhiên do thay đổi quy hoạch, dự án không thể triển khai.
Vẫn cứ nghĩ, người đàn ông ấy đã thất bại khi nhập dây chuyền xử lý rác thải gần chục tỷ đồng, nhưng không thể tiến hành xây dựng nhà máy xử lý theo kế hoạch. Cả dây chuyền sau nhiều năm phơi mưa phơi nắng đành bán sắt vụn.
Nhưng với niềm đam mê, trăn trở tâm huyết với vấn đề ô nhiễm môi trường, ông Bình vẫn không từ bỏ. Những thất bại cũng là những bài học để ông tiếp tục quá trình tìm tòi nghiên cứu.
Bãi rác xã Xuân Cẩm (nay là thị trấn huyện Thường Xuân) đã khắc phục được tình trạng ô nhiễm môi trường. |
Sau khi dự án thất bại, ông dành nhiều thời gian đi khắp mọi miền tổ quốc, nơi đâu có nhà máy xử lý rác thải là có dấu chân ông. Ông xin vào để tìm hiểu về quy trình xử lý rác, để đúc rút kinh nghiệm từ thực tế. Ông vẫn trăn trở việc rác thải vẫn chưa được xử lý triệt để, chưa thể biến rác thành tài nguyên và nhất là chi phí xử lý quá cao trong khi vấn đề môi trường tại các bãi rác vẫn là một bài toán chưa có lời giải.
Ông Nguyễn Duy Bình kể: “ Năm 2006 tôi thành lập Công ty vệ sinh môi trường Lam Sơn, khởi đầu là thu gom. Ban đầu mua chiếc xe ô tô Hoa Mai với giá 175 triệu đồng để làm phương tiện thu gom, vận chuyển rác. Cũng trong năm đó, công ty thua lỗ 175 triệu. Số tiền vào thời điểm đó tương đối lớn, sau đó tôi xoay xở vay mượn anh em bạn bè tiếp tục đầu tư vì chót đâm lao phải theo lao. Rồi tới năm 2007 được chấp thuận chủ trương đầu tư nhà máy xử lý rác thải ở xã Xuân Phú, huyện Thọ Xuân. Tuy nhiên do thay đổi quy hoạch chung khu đô thị Lam Sơn – Sao Vàng, dự án không thể triển khai”.
“Dây chuyền xử lý rác 9,7 tỷ đồng được nhập về, sau nhiều năm phơi mưa, phơi nắng, đành bấm bụng bán sắt vụn được 100 triệu đồng. Đó chỉ là những thất bại lớn, chứ khó khăn với nghề thì nhiều vô kể. Nhưng với bản chất người lính, không gục ngã trước thất bại. Tôi vẫn nuôi ý chí sống chết với nghề. Tôi cùng vợ đi khắp cả nước, nơi nào có nhà máy xử lý rác là tôi đến xin vào trong để xem cách họ xử lý rác, học hỏi và đúc rút kinh nghiệm. Tôi nhận thấy, vấn đề nút thắt vẫn là quá trình làm khô rác, nhiều nơi sấy bằng nhiệt chi phí quá cao, nhưng vẫn không thể đốt hết được. Phải làm sao để tái chế rác, biến rác trở thành tài nguyên sinh ra lợi nhuận. Hiện giờ quá trình nghiên cứu coi như đã xong, giờ chỉ còn chinh chiến để đưa sáng kiến ứng dụng thực tế và làm sao để nhân rộng thôi” – Ông Bình hồ hởi nói.
“Trồng cây đã tới ngày hái quả”
Sau quá trình đúc rút kinh nghiệm từ thực tế, ông bắt đầu vào quá trình nghiên cứu. Sau nhiều năm miệt mài ông Nguyễn Duy Bình đã sản xuất ra loại men vi sinh ủ rác cho nhiệt độ lên tới 80-82°C làm khô rác từ đó không có nước rỉ rác. Ngoài ra men vi sinh còn diệt các vi khuẩn có hại gây mùi hôi trong rác. Sau đó rác được phân loại, xử lý, tách mùn hữu cơ dùng để nuôi giun chùn quế, làm giá thể ươm cây… Phần rác gồm các loại túi bóng, nilong sẽ được tái chế thành hạt nhựa để tái sử dụng.
Rác thải được tái chế thành mùn hữu cơ làm giá thể ươm cây, nuôi giun chùn quế... |
Áp dụng công nghệ chế phẩm sinh học, phân loại có 8 tác dụng: Giảm độ ẩm rác còn 35-40%, giảm khối lượng rác 40%, giảm mùi hôi, làm khô rác, mất nước rỉ rác, giảm ruồi nhặng, tái sử dụng tài nguyên, lượng tiêu hủy ít.
Ngày 8/5/2020 Sở Khoa học và công nghệ tỉnh Thanh Hóa đã xác nhận kết quả thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ “ Nghiên cứu quy trình công nghệ xử lý rác thải sinh hoạt (cải tiến công đoạn ủ và phân loại) bằng chế phẩm sinh học trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa của Công ty vệ sinh môi trường Lam Sơn.
Ông Nguyễn Ngọc Dũng – chuyên viên phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Thường Xuân (là người cùng ông Bình nghiên cứu men vi sinh, cũng như tái chế rác) cho biết: Thực tế các bãi rác ô nhiễm do không phân loại được tại nguồn, quá trình làm khô rác chi phí quá cao. Rác không được làm khô nên không thể đốt hết được. Việc chôn lấp gây ô nhiễm môi trường, đốt thì tốn kém. Loại men vi sinh do Công ty vệ sinh môi trường Lam Sơn nghiên cứu và sản xuất ra khắc phục được nước rỉ rác, mùi hôi và làm khô rác. Sau đó cho vào dây chuyền tách lọc, để phân loại rác. Rác sau đó được tái chế, sử dụng giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
“Với công nghệ dùng men vi sinh ủ rác, sau đó tách lọc phân loại và tái chế rác chỉ cần khoảng 6 tỷ đồng là có thể lắp đặt xong dây chuyền công suất xử lý 50-100 tấn rác mỗi ngày. Tiết kiệm rất nhiều so với các công nghệ xử lý rác hiện tại và khắc phục được tình trạng ô nhiễm. Tới đây chúng tôi sẽ triển khai xử lý ở bãi rác huyện Nga Sơn, trước đó đã ô nhiễm nhiều năm” – Ông Dũng nói.
Bãi rác xã Xuân Cẩm (nay là thị trấn Thường Xuân) huyện Thường Xuân được ông thí điểm đầu tiên. Những năm trước đây bãi rác ô nhiễm môi trường nghiêm trọng do lượng rác quá tải, không được xử lý. Mùi hôi thối, nước rỉ rác trở thành nỗi ám ảnh đối với người dân trong từng miếng ăn giấc ngủ.
Nhiều bài viết đã phản ánh về thực trạng ô nhiễm tại bãi rác kể trên. Thế nhưng, ở thời điểm hiện tại vấn đề môi trường tại bãi rác thị trấn Thường Xuân đã được xử lý dứt điểm, không còn mùi hôi thối, không có nước rỉ rác, ruồi nhặng đã hạn chế được tới trên 90%.
Rác thải giờ đây là tài nguyên vì có thể tái tạo sử dụng và sinh ra lợi nhuận |
Sau nhiều năm mới quay trở lại bãi rác xã Xuân Cẩm (nay là thị trấn Thường Xuân) chúng tôi không khỏi ngạc nhiên trước thay đổi. Lạ thay bãi chứa rác thải nhưng lại không có mùi hôi thối, không cần đeo khẩu trang, không có nước rỉ rác, ruồi nhặng cũng rất ít.
Giữa trưa năng oi ả của những ngày tháng năm, ông Bình vẫn say sưa kể về tâm huyết của mình. Trải qua không biết bao nhiêu lần thất bại, ông mới có được những bước thành công ban đầu. Nghề chọn người, cuối cùng vẫn không phụ công sức của ông.
Không cần bao tay ngay tại bãi rác, ông Bình bốc từng vốc mùn sau quá trình ủ, phân loại, nghiền và đã có thể dùng vào nuôi giun chùn quế, làm giá thể ươm cây…Giờ đây rác thật sự là nguồn tài nguyên vì có thể tái tạo sử dụng tới 90%.